Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh báo về cách xử sự bằng bạo lực trong xã hội

09:09, 04/09/2011

Những năm gần đây, tình trạng giết người do nguyên nhân xã hội trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, chiếm hơn 2,5% tổng số vụ án hình sự xảy ra trên địa bàn. Đây không chỉ là nỗi lo lắng của người dân, mà còn là điều nhức nhối cho chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương.

Những năm gần đây, tình trạng giết người do nguyên nhân xã hội trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, chiếm hơn 2,5% tổng số vụ án hình sự xảy ra trên địa bàn. Đây không chỉ là nỗi lo lắng của người dân, mà còn là điều nhức nhối cho chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương.

* Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực

Theo thống kê của Công an Đồng Nai, trong 5 năm (từ tháng 12-2005 đến ngày 31-5-2011), trên địa bàn tỉnh xảy ra 263 vụ giết người do các nguyên nhân xã hội. Trong đó, có 18 vụ giết người xuất phát từ mâu thuẫn tình ái, 20 vụ do mâu thuẫn trong gia đình, 51 vụ mâu thuẫn trong lúc nhậu nhẹt… Tội phạm giết người do các nguyên nhân xã hội thường là những thanh thiếu niên không có nghề nghiệp, việc làm ổn định, hành động phạm tội trong trạng thái bị kích động nhất thời và một số ít đối tượng nằm trong các băng nhóm tội phạm có tổ chức.

Công an tỉnh hội thảo về công tác phòng chống tội phạm.           Ảnh: Đ.Việt
Công an tỉnh hội thảo về công tác phòng chống tội phạm. Ảnh: Đ.Việt

Phần lớn các vụ giết người do các nguyên nhân xã hội xảy ra mang tính bộc phát, công khai, nhiều vụ sau khi gây án đối tượng tỏ vẻ điềm nhiên, không cần che giấu hành vi phạm tội… Điều này cho thấy tính chất bạo lực, manh động, hung hãn của một bộ thanh niên trong xã hội ngày càng khó kiểm soát. Như tối 29-9-2009, sau khi đã uống rượu, Nguyễn Minh Tuấn (SN 1989, ngụ ở phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) chạy xe máy ra đường tìm mua thức ăn. Trên đường đi, Tuấn phát hiện trước quán cà phê gần nhà có chiếc xe máy từng va quẹt giao thông với Tuấn cách đó 2 tuần. Máu côn đồ nổi lên, Tuấn về nhà lấy dao rồi quay lại tìm chủ nhân của chiếc xe này để đánh trả thù. Vừa bước vào quán cà phê, thấy anh N.C.H. (chủ nhân chiếc xe máy nêu trên) đang ngồi uống cà phê với một nhóm bạn, Tuấn cầm dao xông vào đâm chém nhiều nhát vào người nạn nhân. Thấy Tuấn đánh người, một số đối tượng đang ngồi ở quán cà phê, vốn là bạn của Tuấn, cũng cầm ghế sắt đánh vào đầu anh H. Trận đòn hiểm ác của Tuấn và đồng bọn khiến anh H. bị thương tật đến 85%.

Trong hồ sơ thụ lý án của cơ quan điều tra, còn có những vụ giết người hết sức ngớ ngẩn do ghen tuông tình ái, chỉ vì yêu mà không được yêu nên kẻ thủ ác đã giết chết tình địch. Như trường hợp đối tượng Lê Hoàng (SN 1983, ngụ ở phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) và đồng bọn giết người vào đêm 3-2-2010. Hoàng có quan hệ tình cảm với chị T., vốn là gái đã có chồng. Sau thời gian quen biết, chị T. chia tay Hoàng, chuyển sang quan hệ tình cảm với anh B. Bỗng dưng bị một kẻ thứ ba cướp mất “người yêu” nên Hoàng quyết tâm “xử” anh B. để dằn mặt. Tối 3-2-2010, khi phát hiện chị T. đang ở trong phòng trọ của anh B., Hoàng xông vào gây sự với hai người này. Chưa hả giận, Hoàng còn đi rủ thêm một số đối tượng khác quay lại phòng trọ của anh B. khống chế anh này đưa ra nơi vắng thuộc khu vực sân vận động Đồng Nai để “xử tội”. Bị gí dao vào lưng gây đau, anh B. phản ứng thì bị một đồng bọn của Hoàng đâm một nhát vào bụng tử vong. Gần đây nhất, chỉ trong tháng 7-2011, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ giết người do nguyên nhân xã hội, làm chết 5 người, 2 người bị thương. Như lúc 21 giờ ngày 1-7, trong lúc cùng nhóm bạn làm chung công ty đến xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) hát karaoke, anh Lê Văn Hùng (SN 1989, quê ở tỉnh Nghệ An) bị một thanh niên đang hát ở phòng bên cạnh bước sang quấy rối. Anh Hùng bước ra đường điện thoại gọi bạn đưa xe đến đón về thì bị 2 thanh niên cầm dao xông vào đâm chém làm anh này bị thủng ruột, dẫn đến tử vong…

 * Làm gì để ngăn chặn?

Tại hội thảo về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh được Công an tỉnh tổ chức mới đây, đại tá Nguyễn Phi Hùng (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các vụ giết người do nguyên nhân xã hội xuất phát từ công tác phòng ngừa xã hội còn yếu, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống cho đại bộ phận thanh thiếu niên còn buông lỏng; nội dung công tác giáo dục không sâu, chưa tạo được sự chuyển biến về nhận thức, lối sống và hành động cho mọi người dân, nhất là trong thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, các hoạt động xã hội lành mạnh chưa có đủ sân chơi và thiếu nội dung phong phú, không thu hút được các tầng lớp thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt. Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh, dịch vụ nhạy cảm (như: karaoke, vũ trường, quán bar…) chưa có những chế tài cần thiết để kiểm soát trong giới hạn. Đại tá Nguyễn Phi Hùng cũng thừa nhận điểm yếu của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Đồng Nai trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi vi phạm pháp luật (nhất là với hành vi cố ý gây thương tích) chưa nghiêm nên không có tính răn đe. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi coi thường pháp luật, khiến nhiều trường hợp đối tượng gây ra những vụ giết người nghiêm trọng.

Phiên tòa xét xử băng nhóm giết người do Hà Vũ Liêm (ngụ ở huyện Tân Phú) cầm đầu.     Ảnh: Đ.PHÚ
Phiên tòa xét xử băng nhóm giết người do Hà Vũ Liêm (ngụ ở huyện Tân Phú) cầm đầu. Ảnh: Đ.PHÚ

Để khắc phục những hạn chế, đồng thời từng bước đẩy lùi các hành vi bạo lực trong đời sống xã hội, vấn đề cần làm quyết liệt trong thời gian tới để ngăn ngừa tội phạm nói chung và tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội nói riêng là cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên. Đặc biệt, với những đối tượng có nguy cơ cao cần tăng cường công tác giáo dục pháp luật về hình sự, dân sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Phòng chống bạo lực học đường... Trong đó, cần lựa chọn các nội dung tuyên truyền gắn với trách nhiệm, quyền lợi của người dân trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, như: giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, kinh tế, đất đai, hôn nhân gia đình…, nêu rõ trách nhiệm hình sự và những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật với tội danh giết người nếu đối tượng vi phạm.

Trong quá trình thực hiện cuộc vận động toàn dân đấu tranh phòng chống tội phạm, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư, Ủy ban MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức quần chúng cần làm tốt công tác bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, phát hiện kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân nhằm ngăn chặn các hành vi giết người xảy ra. Trong các khu dân cư, khi phát hiện có mâu thuẫn, xô xát trong sinh hoạt, tranh chấp đất đai, kinh tế..., người dân phải báo ngay cho công an cơ sở, chính quyền và các ngành chức năng giải quyết, không để mâu thuẫn phát sinh kéo dài. Riêng với lực lượng công an, khi xảy ra vụ án giết người do nguyên nhân xã hội trên địa bàn, nhất là các vụ án gây bức xúc dư luận, cần phải tập trung lực lượng điều tra, khám phá án nhanh, đưa ra xử án lưu động trên địa bàn, đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện đấu tranh, triệt xóa các băng nhóm côn đồ, các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen (như: bảo kê, cho vay nặng lãi, tổ chức cờ bạc, tệ nạn xã hội, đòi nợ thuê…), kiên quyết xử lý nghiêm khắc, không để lọt tội phạm…

Đức Việt


 


 

Tin xem nhiều