Trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn Đồng Nai đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh hết sức quan tâm. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cùng với hàng loạt văn bản liên quan đến công tác PCTN và mở hội nghị triển khai rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh...
Trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn Đồng Nai đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh hết sức quan tâm. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cùng với hàng loạt văn bản liên quan đến công tác PCTN và mở hội nghị triển khai rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh...
* Từ những nỗ lực trong công tác phòng ngừa...
Ông Nguyễn Văn Vàng, Phó Ban chỉ đạo PCTN tỉnh Đồng Nai cho biết, để công tác PCTN đạt kết quả tốt, Tỉnh ủy và UBND tỉnh xác định, phòng ngừa vẫn là biện pháp chính. Muốn vậy, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN để cán bộ công chức, viên chức (CBCC,VC) – những người đang làm việc tại các cơ quan nhà nước nắm rõ, nhằm thực hiện đúng, tránh được tệ tham nhũng, lãng phí - phải đi trước một bước.
Hội thảo về công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc.
Đặc biệt, trong thời gian qua và nhất là từ đầu năm 2011 đến nay, ngoài việc phối hợp với Học viện Chính trị - hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện đề án đưa nội dung công tác PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng..., UBND tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, quán triệt nội dung PCTN lồng ghép với nhiều nội dung hoạt động khác, kể cả đưa tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và đài truyền thanh huyện, xã... Tại các sở: Công thương, Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh..., hàng tuần vào sáng thứ hai vẫn duy trì thường xuyên việc kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Sở Văn hóa-thể thao và du lịch tổ chức 20 buổi biểu diễn, tuyên truyền công tác PCTN với kịch bản mang tên “Giữ trọn niềm tin”, thu hút trên 10.000 lượt người xem.
Nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước nhờ thực hiện tốt các việc công khai, minh bạch trong các hoạt động và xây dựng được bộ quy tắc đạo đức, ứng xử tốt, đã tạo được nếp sống và làm việc văn minh, văn hóa nơi công sở; các khoản chi tiêu cho hội nghị, tiếp khách; việc uống rượu bia trong ngày, giờ làm việc, hút thuốc lá nơi công sở đã giảm hẳn..
Bên cạnh đó, tỉnh còn yêu cầu các cơ quan, đơn vị Nhà nước thực hiện nhiều nội dung quan trọng nhằm công khai, minh bạch các quy trình hoạt động của bộ máy quản lý để phòng ngừa và hạn chế tối đa tình trạng vòi vĩnh, tham ô, lãng phí. Trong đó, ngoài việc tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), đổi mới công nghệ và phương thức thanh toán; thực hiện quy định về trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và chuyển đổi vị trí công tác của CBCC,VC; kê khai tài sản, thu nhập..., các cơ quan, đơn vị còn xây dựng và thực hiện công khai, minh bạch các chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong các lĩnh vực hoạt động, nhất là trong mua sắm tài sản công, đầu tư xây dựng, thu chi ngân sách, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, các công trình xã hội hóa, qũy xóa đói giảm nghèo, quỹ phòng chống lụt bão, công tác cán bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Chính nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, mà đội ngũ CBCC,VC ở nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã có những bước chuyển biến lớn. Tại Công an Đồng Nai, qua các phong trào do Bộ Công an phát động và qua thực hiện Nghị quyết 11 của Đảng ủy Công an tỉnh về việc “xây dựng phong cách người chiến sĩ công an Đồng Nai”..., cũng đã dấy lên phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống và tệ tham nhũng, lãng phí trong toàn ngành. Kết quả, trong các tháng đầu năm 2011, đã có 299 lượt cán bộ, chiến sĩ (CBCS) liêm khiết, không nhận hối lộ với số tiền hơn 77,4 triệu đồng. Trong đó, riêng Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế (TTQLKT) và chức vụ Trần Văn Trường - người trước đó từng được UBND tỉnh tặng bằng khen năm 2010 về thành tích này - đã kiên quyết không nhận hối lộ 46 triệu đồng của một chủ xe chở gỗ lậu...
Nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước nhờ thực hiện tốt các việc công khai, minh bạch trong các hoạt động và xây dựng được bộ quy tắc đạo đức, ứng xử tốt, đã tạo được nếp sống và làm việc văn minh, văn hóa nơi công sở; các khoản chi tiêu cho hội nghị, tiếp khách; việc uống rượu bia trong ngày, giờ làm việc, hút thuốc lá nơi công sở đã giảm hẳn...Trên lĩnh vực CCTTHC, một số cơ quan, đơn vị tiếp tục duy trì trang Web thực hiện việc tư vấn, hướng dẫn các thủ tục hải quan, thuế..., đồng thời áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ quản lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao..., nên đã đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc. Đặc biệt, đến nay toàn tỉnh đã có 100% đơn vị có chức năng giải quyết các TTHC đều thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, góp phần giải quyết nhanh hồ sơ, giảm bớt phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp.
* Đến việc đẩy mạnh phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng
Song song với các biện pháp phòng ngừa, công tác phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng cũng đã được các ngành và cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, liên tục.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Thanh tra tỉnh đã thực hiện xong 23/26 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực, phát hiện 3 đơn vị sai phạm; thanh tra chuyên ngành cũng đã kiểm tra, phát hiện 124 đơn vị, cá nhân sai phạm, xử phạt gần 1,4 tỷ đồng.
Riêng cơ quan điều tra (CQĐT) các cấp cũng đã thụ lý 13 vụ, 35 bị can liên quan đến án tham nhũng, trong đó có 9 vụ từ năm 2010 chuyển sang (với tổng số tài sản thiệt hại trị giá gần 9 tỷ đồng) và phát hiện mới 4 vụ, 10 bị can (với tổng tài sản thiệt hại gần 100 triệu đồng). Hiện CQĐT đã chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 11 vụ, 26 bị can và đang tiếp tục điều tra 4 vụ, 11 bị can khác.
Nổi bật nhất là vụ bà Nguyễn Thị Thanh Lan, kế toán Bảo hiểm xã hội (BHXH) TX.Long Khánh trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4-2010 đã giả chữ ký giám đốc BHXH thị xã rút số tiền khoảng 8,2 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bà Lan về tội tham ô và đã thu hồi lại số tài sản nói trên. Kế đó là vụ các bị can: Võ Văn Hồng và Võ Ngọc Tiên, nguyên Trạm trưởng và Trạm phó Trạm thú y huyện Long Thành bị Cơ quan CSĐT Công an huyện khởi tố ngày 6-10 về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước, gây thiệt hại 143,3 triệu đồng. Hay vụ Nguyễn Ngọc Sơn, chỉ huy công trình và Phạm Văn Dũng, bảo vệ kiêm thủ kế hoạch công trình hầm chui cầu Đồng Nai bị khởi tố về tội tham ô với tổng trị giá tài sản lên đến 231 triệu đồng. Hoặc vụ bà Võ Thị Linh, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cùng 3 bị can: Đặng Thị Xuân, Phạm Minh Sậu, Trần Thị Xuân Yến bị Cơ qua CSĐT Công an tỉnh khởi tố về tội tham ô, làm trái quy định, gây thiệt hại tài sản lên đến 814 triệu đồng...
Tòa án nhân dân các cấp từ đầu năm 2011 đến nay cũng đã thụ lý 11 vụ, 29 bị cáo, trong đó đã xét xử 4 vụ, 14 bị cáo và đang thụ lý 7 vụ, 15 bị cáo...
***
Thường trực Ban chỉ đạo PCTN tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, nhờ có sự tập trung chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị và địa phương, nên thời gian qua, công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh; tiến độ và chất lượng điều tra, xét xử được nâng cao. Trong đó, riêng các CQĐT đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và bắt quả tang nhiều vụ án nghiêm trọng, góp phần cùng với cả tỉnh đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận PCTN. Thành công này còn có vai trò trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của mặt trận các cấp (các hội, đoàn), cùng với các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và các hội ngành nghề trong việc triển khai các hoạt động thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở giám sát; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về PCTN, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống, phát hiện các biểu hiện, hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí trên các lĩnh vực.
Việc phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời, dẫn đến giải quyết công việc chậm, gây hiểu lầm lẫn nhau, nhất là đối với các lĩnh vực: đầu tư, xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên, cũng theo Thường trực Ban chỉ đạo PCTN tỉnh, trên thực tế công tác PCTN của tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Bởi, đây đó, trong quy trình giải quyết các TTHC ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh còn rườm rà, gây không ít rắc rối, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Việc phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời, dẫn đến giải quyết công việc chậm, gây hiểu lầm lẫn nhau, nhất là đối với các lĩnh vực: đầu tư, xây dựng cơ bản...Một bộ phận CBCC tỏ ra chưa tận tụy khi thi hành công vụ; một số đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có liên quan đến tham nhũng chậm được xử lý; việc thực hiện quy chế phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát tỉnh trong một số vụ án tham nhũng còn chưa tốt.
Đây cũng chính là những khó khăn, hạn chế, được Thường trực Ban chỉ đạo PCTN tỉnh xác định phải khắc phục trong công tác PCTN ở những tháng còn lại của năm 2011 và những năm kế tiếp, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về PCTN, lãng phí.
Hưng Văn