Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH (ngày 12-7-2011) hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH (ngày 12-7-2011) hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên.
Theo đó, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người chưa thành niên, cơ quan tiến hành tố tụng cần phân công điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên hoặc người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến người chưa thành niên.
Người chưa thành niên phải được tạm giữ, tạm giam riêng, không được giam giữ chung với người đã thành niên. Khi xét thấy người chưa thành niên phạm tội có biểu hiện hoang mang, lo lắng có thể dẫn đến hành vi tiêu cực thì cơ quan điều tra yêu cầu cơ sở giam giữ áp dụng các biện pháp phù hợp để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
Việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người chưa thành niên có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Nơi lấy lời khai hoặc hỏi cung cần được bố trí theo cách thức phù hợp để làm giảm bớt sự căng thẳng, sợ hãi của người chưa thành niên.
Trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên, bắt buộc phải có người bào chữa tham gia tố tụng. Mọi trường hợp không có người bào chữa tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trừ trường hợp họ (hoặc người đại diện hợp pháp của họ) từ chối người bào chữa. Người bào chữa có thể là luật sư, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bào chữa viên nhân dân…
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
P.V