Thoát được hình phạt tù giam nhưng các bị cáo: Trần Thanh Hải (quê ở Hà Tĩnh), Trần Tùng (quê ở Nghệ An), Trần Thế Vượng (quê ở Thanh Hóa), Đỗ Văn Hòa (quê ở Quảng Bình), Đỗ Thanh Xuân (quê ở Hải Dương), Trần Văn Khang (quê ở Hưng Yên) vẫn cảm thấy họ đã phải trả cái giá đắt cho lòng tham khi cùng nhau trộm 4 cuộn giấy (gần 2 tấn, trị giá hơn 11 triệu đồng) của Công ty H.
Thoát được hình phạt tù giam nhưng các bị cáo: Trần Thanh Hải (quê ở Hà Tĩnh), Trần Tùng (quê ở Nghệ An), Trần Thế Vượng (quê ở Thanh Hóa), Đỗ Văn Hòa (quê ở Quảng Bình), Đỗ Thanh Xuân (quê ở Hải Dương), Trần Văn Khang (quê ở Hưng Yên) vẫn cảm thấy họ đã phải trả cái giá đắt cho lòng tham khi cùng nhau trộm 4 cuộn giấy (gần 2 tấn, trị giá hơn 11 triệu đồng) của Công ty H.
Các bị cáo: Hải, Vượng, Tùng, Hòa tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 18-10. |
* Trả giá cho lòng tham
Tuy không cùng quê nhưng Vượng, Khang, Xuân, Tùng, Hòa, Hải cùng ở chung khu nhà trọ và chí ít cũng là bạn bè qua những buổi cà phê sáng. Chính vì vậy, Vượng mới bàn bạc với Xuân, Khang (cả 3 đều làm bảo vệ cho Công ty H.) móc mối với Hải (làm công cho vựa ve chai), Tùng (tài xế), Hòa (phụ xe) đột nhập vào Công ty H. trộm cắp tài sản.
Như kế hoạch đã bàn, nhân lúc ca trực đêm của mình, Vượng, Khang, Xuân đã mở cổng và hướng dẫn cho Hòa, Tùng, Hải đánh xe tải vào nhà kho công ty lấy trộm 4 cuộn giấy nặng gần 2 tấn. Trong lúc vận chuyển hàng trộm cắp ra khỏi công ty, cả bọn đã bị Công an khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) chặn lại kiểm tra và cả nhóm bị bắt giữ sau đó.
Với hành vi này, tháng 5-2011, Vượng và đồng bọn mỗi bị cáo bị tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân TP. Biên Hòa tuyên phạt mức án từ 3-8 tháng tù, trong đó Khang và Xuân may mắn được hưởng án treo, 4 bị cáo còn lại được cho phép tại ngoại. Khi bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, các bị cáo: Vượng, Hòa, Tùng, Hải kháng cáo lên cấp phúc thẩm xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo.
* Cơ hội cho kẻ biết ăn năn
Tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 18-10, Vượng, Tùng, Hải, Hòa khẩn thiết xin Hội đồng xét xử cứu xét cho hoàn cảnh gia đình khó khăn, thất nghiệp, con nhỏ…, nhất là cả 4 bị cáo đều cảm thấy ăn năn về lỗi lầm đáng chê trách của mình. “Vốn xuất thân trong một gia đình lao động nghèo, bị cáo cảm nhận được đồng tiền từ lao động chân chính không dễ kiếm được. Vì một lần tham lam bị cáo đã mất việc làm, không có tiền nuôi con, lo cho em, bố mẹ già ở quê nhà… Bị cáo mong được tòa khoan hồng cho hưởng án treo để tìm việc làm nuôi gia đình” - cả 4 bị cáo đều bày tỏ sự hối cải, trong lời nói sau cùng trước khi tòa nghị án.
Hơn nửa giờ trôi qua, dù được quyền tự do đi lại nhưng cả 4 bị cáo: Hải, Vượng, Tùng, Hòa đều không dám rời khỏi chỗ ngồi. Cả 4 bị cáo lặng im nơi hàng ghế, hồi hộp chờ Hội đồng xét xử bước vào quyết định cái giá mà họ phải trả cho sự tham lam. Khi chúng tôi đến gần hỏi chuyện, họ tâm sự, nếu được hưởng án treo họ sẽ có cơ hội tìm việc làm mới, tiếp tục gửi tiền về quê giúp người thân, gia đình. “Bố mẹ ở quê biết chuyện đã buồn khóc và trách em nhiều lắm. Tuy vậy, bố mẹ vẫn kịp gửi những giấy tờ chứng nhận gia đình em là con gia đình liệt sĩ, có công để cấp phúc thẩm xem xét giảm án cho em” - bị cáo Hòa bộc bạch.
Tiếng chuông reo vang, không cần chủ tọa phiên tòa nhắc nhở, 4 bị cáo: Hải, Vượng, Hòa, Tùng đều tự giác bước nhanh lên vành móng ngựa để nghe tòa tuyên án. “Xét thấy các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ chưa được cấp sơ thẩm xem xét… Các bị cáo đều xuất thân trong các gia đình lao động nghèo, phạm tội lần đầu, hiện có bị cáo đã tìm được công việc mới ổn định trong thời gian tại ngoại… Hội đồng xét xử thấy không cần cách ly các bị cáo ra khỏi cộng đồng, chỉ cần giao cho chính quyền địa phương quản lý, giáo dục là đủ sức răn đe…” - lời chủ tọa phiên tòa kết luận khiến cả 4 bị cáo như trút được gánh nặng tội lỗi trên vai.
Rời phiên tòa trong niềm vui khấp khởi, cả nhóm được các đồng hương (có mặt tại phiên xét xử) đến vỗ vai chúc mừng, động viên. Anh Thành (bạn cùng quê với Vượng) cho hay, anh mừng cho Vượng và các bị cáo còn lại vì cả 6 người đều tránh được hình phạt tù (tất cả đều hưởng án treo). Vượng và các người bạn vẫn còn rất nhiều thời gian để sửa sai, chuộc lỗi với người thân. Nhất là giờ đây, họ đã cảm nhận sâu sắc được ý nghĩa số tiền ít ỏi hàng tháng gửi về quê phải từ mồ hôi, lao động chân chính cho người thân mới lâu bền. “Đó cũng là cái giá mà 6 bị cáo phải trả cho sự tham lam của mình”- anh Thành khẳng khái nói.
Thành Nhân