Trong cơn say, Nguyễn Văn Tú (SN 1976, ngụ ở xã Sông Mây, huyện Trảng Bom) đã vác gậy sang nhà hàng xóm là Phan Công Viên (SN 1980) gây sự. Cũng đang say rượu, Viên đã lao ra đánh Tú. Hậu quả, cả hai kẻ say đều gây thương tích cho nhau và phải lãnh án tù. Trong khi đó, bà Quách Thị Hòa (mẹ vợ Tú) bị vạ lây với thương tật 53%, nhưng chưa biết do “ma men” nào gây ra.
Trong cơn say, Nguyễn Văn Tú (SN 1976, ngụ ở xã Sông Mây, huyện Trảng Bom) đã vác gậy sang nhà hàng xóm là Phan Công Viên (SN 1980) gây sự. Cũng đang say rượu, Viên đã lao ra đánh Tú. Hậu quả, cả hai kẻ say đều gây thương tích cho nhau và phải lãnh án tù. Trong khi đó, bà Quách Thị Hòa (mẹ vợ Tú) bị vạ lây với thương tật 53%, nhưng chưa biết do “ma men” nào gây ra.
* Mượn rượu đánh nhau
Theo cáo trạng, do mâu thuẫn với vợ chồng hàng xóm Phan Công Viên, ngày 14-6-2010, Tú cầm khúc cây sang nhà Viên gây sự. Trong cơn say, Tú cầm cây đập cửa nhà Viên và gọi Viên ra đánh nhau với mình. Đang say rượu lại bị gã hàng xóm vô cớ quấy rối, Viên liền mở cửa, cầm cây sắt lao ra đôi co với Tú. Nghe tiếng cãi cọ của đôi bên, anh Văn (em cột chèo của Tú) chạy sang ôm Viên can ngăn thì bị Viên dọa đánh nên phải buông ra. Khi thoát khỏi sự can ngăn của anh Văn, Viên cầm cây sắt xông tới đánh nhau với Tú. Ngay lúc đó, bà Hòa (mẹ vợ Tú) từ trong nhà chạy ra can ngăn thì bị Viên chửi, rồi cầm cây sắt vụt một cái trúng mắt trái gây thương tật 53%. Bà Hòa ngã quỵ xuống đất thì được chị Hiền (vợ Tú) và anh Văn đưa đi cấp cứu. Lúc này, hai “ma men” vẫn say máu đánh nhau đến mức Viên bị thương tật 35%; Tú bị thương tật 20%. Sự việc chỉ dừng lại khi người nhà Tú báo tin cho Công an xã đến giải quyết và đưa cả hai đi bệnh viện.
Tại phiên xét xử phúc thẩm, bị cáo Viên luôn khẳng định mình không đánh bà Hòa.
Sau khi cả hai được điều trị lành vết thương, Tú và Viên lần lượt ra tòa để hoán đổi vị trí bị hại, bị cáo cho nhau. Kết quả, Tú bị Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom xử phạt 5 năm tù giam, Viên cũng lãnh 2 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích. Không đồng tình với bản án sơ thẩm, Tú có đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm và được xem xét giảm hình phạt tù còn 3 năm. Riêng Viên không kháng cáo.
Ngày 17-6-2011, bà Hòa có đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm xem xét lại vụ án Phan Công Viên gây thương tích cho bà và Tú. Bởi theo bà Hòa, việc cấp sơ thẩm không truy cứu việc Viên gây thương tích cho bà (như kết luận của cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp) là không thể chấp nhận được. Theo bà Hòa trình bày, việc bà bị Viên đánh gây thương tật đã được cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trảng Bom chứng minh. Tuy vậy, bản án sơ thẩm số 80/2011/HSST của Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom lại nhận xét: “Do lời khai của bị hại Tú, bị cáo Viên, các nhân chứng và bà Hòa tại tòa không phù hợp, mâu thuẫn nhau nên cấp sơ thẩm không có cơ sở xác định Viên là người gây thương tích cho bà Hòa”. Vì vậy, cấp sơ thẩm không buộc Viên phải chịu trách nhiệm gây thương tích cho bà Hòa.
* Tiếp tục cãi nhau tại tòa
Việc bị cáo Tú, Viên gây gổ dẫn đến đánh nhau, gây thương tích cho nhau và làm bà Hòa bị liên lụy tiếp tục được tranh cãi sôi nổi tại phiên tòa phúc thẩm mới đây. Tại tòa, tất cả đều không thừa nhận: 4 khúc gỗ, 1 ống sắt, 4 viên đá xanh, 5 viên gạch là hung khí dùng để đánh, ném bà Hòa hư mắt. “Bị cáo bị Tú cầm cây đánh rớt thanh sắt ngay lập tức thì làm sao mà vụt trúng mắt bà Hòa được. Thương tật của bà Hòa cũng có thể do người nhà của họ gây ra vì họ đông, bị cáo chỉ có một mình. Đồng thời, tất cả các nhân chứng đều là người nhà của bà Hòa nên họ khai không đúng sự việc” - bị cáo Viên trình bày.
Bà Hòa thì dựa vào kết luận của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát huyện Trảng Bom, khẳng định: “Khi đứng bên cạnh Tú, tôi có lời can ngăn thì Viên cầm thanh sắt nhào tới vụt trúng”. Còn nhân chứng Văn thì thuật lại sự việc: “Do Viên dọa đánh nếu tôi không buông tay nên tôi sợ mà buông tay, không can ngăn họ đánh nhau nữa. Nhưng khi tôi vừa buông tay, lùi về phía sau thì Viên cầm cây sắt nhào tới đánh trúng mẹ vợ tôi”.
Riêng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh vẫn khẳng định trước hội đồng xét xử, tại các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời khai của các nhân chứng, bị cáo, bị hại luôn phù hợp với biên bản thực nghiệm điều tra. Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có cơ sở chứng minh Viên là người đã gây thương tích cho bà Hòa và đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bà. “Tòa phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm, tăng mức hình phạt đối với bị cáo Viên và buộc bị cáo chịu trách nhiệm về thương tích của bà Hòa”- đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phát biểu quan điểm.
Theo Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh, các bên không xác định rõ vật mà Viên dùng gây thương tích cho bà Hòa là cây gỗ, ống sắt (có trong hồ sơ), hay thanh sắt (không có trong hồ sơ), đồng thời lời khai của các bên mô tả lại hành vi dùng vật sắc nhọn của Viên gây thương tích cho bà Hòa vẫn thiếu lô-gích, còn nhiều điều mâu thuẫn… nên tòa quyết định trả hồ sơ để cấp sơ thẩm điều tra, xác minh và tiến hành xét xử lại vụ án.
Liệu bị cáo Viên có thoát được sự cáo buộc của người bị hại và kết luận của cơ quan điều tra rằng Viên là kẻ gây thương tích cho bà Hòa. Tuy vậy, với thương tích đã gây ra cho Tú (20%), bị cáo Viên chắc chắn phải thụ án 2 năm tù. Đồng thời, cả hai vẫn còn rất nhiều thời gian trong trại để nhớ lại toàn bộ sự việc, chờ ngày ra tòa đấu khẩu.
Thành Nhân