Báo Đồng Nai điện tử
En

Cú ngã của kẻ làm giả con dấu

10:12, 28/12/2011

Trái với vẻ mặt lạnh lùng thường thấy, bị cáo Ngô Thanh Tâm toát mồ hôi khi nghe Hội đồng xét xử tuyên án về tội đưa hối lộ và làm giả con dấu. Phiên tòa kết thúc, Tâm ngoái đầu tìm ánh mắt đồng cảm của người thân một lần cuối trước khi bước lên xe về trại giam…

Ngô Thanh Tâm tại phiên  tòa.
Ngô Thanh Tâm tại phiên tòa.

Trái với vẻ mặt lạnh lùng thường thấy, bị cáo Ngô Thanh Tâm toát mồ hôi khi nghe Hội đồng xét xử tuyên án về tội đưa hối lộ và làm giả con dấu. Phiên tòa kết thúc, Tâm ngoái đầu tìm ánh mắt đồng cảm của người thân một lần cuối trước khi bước lên xe về trại giam…

* Phạm tội vì muốn giàu nhanh

Có một người vợ đảm đang, 2 đứa con kháu khỉnh nhưng Ngô Thanh Tâm (SN 1983, quê ở tỉnh An Giang) quyết định xa tổ ấm hạnh phúc đến TP.Biên Hòa lập nghiệp. Đồng lương công nhân ít ỏi nên Tâm khá chật vật vì mỗi tháng phải gửi tiền về quê nuôi con. Được một thời gian, Tâm chán nản nghỉ làm.

Nhờ có năng khiếu về hội họa, Tâm bắt đầu học cách làm con dấu giả trên các “phôi” bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng và THPT… Sau nhiều lần ngập ngừng suy tính, Tâm đã quyết định “bắt tay” với Đại (chưa rõ lai lịch) làm giấy tờ giả. Theo đó, Đại sẽ trả cho Tâm 20 ngàn đồng cho một lần đóng dấu nổi vào tấm hình, đồng thời giao cho Tâm giữ trên 22 phôi bằng các loại và nhiều thiết bị máy móc phục vụ cho việc làm giả giấy tờ.

Ngày 30-12-2010, Công an phường Trảng Dài bất ngờ kiểm tra phòng trọ của Tâm và phát hiện nhiều máy móc, vật dụng nghi làm bằng giả nên quyết định lập biên bản xử lý. Lo sợ bị tịch thu “đồ nghề”, Tâm rút trong túi ra 4,4 triệu đồng đưa công an để xin bỏ qua. Nhưng trước sự cương quyết của các đồng chí công an, Tâm đành phải tra tay vào còng.

Tại phiên tòa, Tâm kể lại một cách rành rọt “công nghệ” làm giả chuyên nghiệp của mình. Theo đó, Tâm tự tay vẽ hình tròn bằng kích cỡ con dấu, sau đó dùng một loại mực viết màu đỏ tô lại. Chưa hết, những chi tiết nhỏ bên trong dấu mộc đều do Tâm bắt chước các mẫu đã có sẵn để làm. Qua lời kể của Tâm, vị chủ tọa hỏi: “Tại sao bị cáo có tài như vậy mà không xin vào một chỗ làm chuyên về hội họa hay quảng cáo?”. Tâm đáp: “Vì bị cáo chỉ học hết lớp 9, chưa qua đào tạo căn bản”.

Nói lời sau cùng, Tâm chỉ xin được bản án nhẹ để sớm trở về giúp vợ nuôi con và hứa sẽ không bao giờ tái phạm.

* Lối về và những khoảng lặng đau đớn

Khi Tâm bị bắt, 2 đứa con phải tách nhau ra, đứa lớn thì ở với bà nội, đứa bé theo mẹ về Cần Thơ. Phút chốc, tổ ấm hạnh phúc đã không còn. Ngày con đứng trước vành móng ngựa, từ sớm người mẹ già của Tâm vượt cả mấy trăm cây số lên Đồng Nai, chạy tới chạy lui dúi cho con lon nước, bịch sữa, thỉnh thoảng lại quay mặt giấu vội giọt nước mắt sầu muộn.

Chứng kiến phiên tòa sơ thẩm ngày hôm ấy, nhiều người đã cảm động trước hoàn cảnh của gia đình nghèo. Vì điều kiện xa xôi lại vướng con nhỏ nên cô con dâu (vợ Tâm) không lên thăm chồng, cứ khoảng 5 phút lại gọi điện hỏi thăm tình hình. “Chắc ở nhà, nó sốt ruột dữ lắm. Từ ngày thằng Tâm bị bắt vào đây, vợ chồng ly tán, con cái không được hưởng hơi ấm từ cha” - mẹ Tâm thổ lộ.

Chọn cho mình ví trí ở hàng ghế sau cùng, mẹ Tâm chắp hai bàn tay trước ngực, khép mắt, miệng lẩm nhẩm và rồi hai hàng nước mắt lặng lẽ rơi khi con bà nhận án 18 tháng tù. Tiếc rằng, đến khi bị cáo cảm nhận được sự hy sinh của mẹ qua cái dáng tất tả ngược xuôi, những giọt nước mắt mặn đắng trên gương mặt héo hắt; hiểu được nỗi đau mình đã đem đến cho người vợ tần tảo  cùng 2 đứa con thơ dại và muốn làm gì đó để xin lỗi thì đã muộn màng. Dù nhận được sự khoan hồng của pháp luật, nhưng khi trở về liệu Tâm có chí thú làm ăn bằng chính mồ hôi, công sức mình bỏ ra?

Chúng tôi ghi lại câu chuyện trên với mong muốn duy nhất: Đừng ai rơi vào bi kịch như họ!

Võ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều