Báo Đồng Nai điện tử
En

Để giảm tai nạn đường sắt trong năm 2012

10:02, 13/02/2012

Trong năm 2011, tai nạn giao thông đường sắt (TNĐS) ở Đồng Nai tăng gần 70% số vụ, trên 136% số người chết (26 người chết), trên 700% số người bị thương. Do đó, việc kéo giảm TNĐS trong năm An toàn giao thông (ATGT) 2012 là điều Đồng Nai phải kiên quyết làm.

Trong năm 2011, tai nạn giao thông đường sắt (TNĐS) ở Đồng Nai tăng gần 70% số vụ, trên 136% số người chết (26 người chết), trên 700% số người bị thương. Do đó, việc kéo giảm TNĐS trong năm An toàn giao thông (ATGT) 2012 là điều Đồng Nai phải kiên quyết làm.

* Tai nạn do đâu?

Thống kê của Ban ATGT tỉnh cho thấy, nguyên nhân gây TNĐS trong năm 2011 phần lớn là do người đi bộ đi lại, nằm, ngồi trên đường sắt (chiếm gần 60% số vụ); người điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định khi đi qua đường ngang với đường sắt (chiếm gần 32%); nhân viên ngành đường sắt vi phạm quy định về tổ chức phòng vệ (chiếm trên 4%); hành khách vi phạm nội quy, nhảy tàu (trên 4%).

Một đường ngang dân sinh chỉ có biển báo sơ sài, không tạo được tác dụng trực quan về hiểm nguy khi băng ngang đường sắt. (Ảnh chụp ở giáp ranh hai phường Long Bình và Tân Hòa, TP.Biên Hòa).
Một đường ngang dân sinh chỉ có biển báo sơ sài, không tạo được tác dụng trực quan về hiểm nguy khi băng ngang đường sắt. (Ảnh chụp ở giáp ranh hai phường Long Bình và Tân Hòa, TP.Biên Hòa).

Thượng tá Dương Thanh Hải, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (CSGT) Công an tỉnh cho biết, đoạn đường sắt qua địa bàn Đồng Nai dài khoảng 89km. Ngoài các đường ngang có gác chắn hoặc cảnh báo của ngành đường sắt thì đường ngang dân sinh bất hợp pháp rất nhiều. Khảo sát của CSGT cho thấy, có khoảng 164 đường ngang dân sinh rộng trên 3m, còn đường ngang dưới 3m thì nhiều vô kể. Người dân sinh sống hai bên đường sắt có thể đặt vài cục gạch, miếng ván ngay trước hoặc sau nhà là có đường ngang để qua lại. Cũng vì sinh sống ngay bên đường sắt nên chuyện sinh hoạt, đi đứng, nằm ngồi trên đường sắt là chuyện thường ngày của người dân. Đây cũng là nguyên nhân gây TNĐS nhiều như đã kể trên.

Ông Hoàng Đông, Đội trưởng Đội quản lý đường sắt Biên Hòa (cung đường từ giáp ranh huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương đến giáp ranh TX.Long Khánh) cho biết, cung đường từ huyện Trảng Bom về TP.Biên Hòa tuy chỉ chiếm gần 1/3 chiều dài toàn tuyến, nhưng xảy ra nhiều TNĐS nhất, vì đoạn này đi qua nhiều khu dân cư và có rất nhiều đường ngang dân sinh. Điển hình cho tình trạng này là đoạn đường sắt từ ga Hố Nai (TP.Biên Hòa) đến khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom). Ở cung đường này có nhiều khu dân cư, nhà trọ công nhân, nhiều nhà máy, xí nghiệp ở hai bên đường sắt. Do vậy, tình trạng họp chợ cạnh đường sắt, người dân ra ngồi chơi, sinh hoạt trên đường sắt, mở đường ngang dân sinh qua đường sắt ở khu vực này khá phổ biến. Tình trạng này đã xảy ra vài năm và đến nay vẫn cứ diễn ra thường xuyên.

Anh Nguyễn Văn Hùng (công nhân ở trọ tại ấp Ngũ Phúc, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) thật thà cho biết, dù được tuyên truyền về nguy hiểm khi sinh hoạt trên đường sắt nhưng do không gian nhà trọ chật chội quá nên người ở trọ gần đường sắt vẫn thường ra ngồi trên đường ray để hóng mát. “Khi nghe có tiếng còi xe lửa lại nhảy khỏi đường ray, có sao đâu!” - anh Hùng cười nói.

* Làm gì để giảm tai nạn đường sắt?

Để ngăn ngừa TNĐS trong năm ATGT, từ cuối năm 2011 ngành đường sắt đã khởi công xây dựng cầu đường bộ nối xã Hiệp Hòa qua phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ, để tách việc lưu thông chung đường bộ ra khỏi cầu Ghềnh.

Bên cạnh đó, ngành đường sắt đã làm những đoạn rào chắn bằng sắt (tường hộ lan) dọc theo một số khu dân cư phức tạp ở huyện Trảng Bom và TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, kinh phí xây dựng các tường hộ lan này rất cao, không thể thực hiện suốt tuyến đường sắt qua Đồng Nai, nên việc phòng ngừa, kéo giảm TNĐS chủ yếu vẫn là bảo đảm ATGT qua các đường ngang dân sinh; đồng thời tuyên truyền cho người dân ở ven đường sắt bỏ thói quen sinh hoạt trên đường ray.

Cụ thể hóa công tác phòng ngừa này, Phòng CSGT đã có quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên tuyến đường sắt qua địa bàn Đồng Nai. Theo đó, Phòng CSGT tỉnh cùng lực lượng cảnh sát khác và công an các huyện, thị xã, thành phố có đường sắt đi qua chủ động tham mưu cho chính quyền cùng cấp chỉ đạo các ban, ngành và chính quyền cơ sở thực hiện công tác phòng ngừa TNĐS trên địa bàn. Trong đó có việc huy động lực lượng công an phường, xã, thôn, ấp cùng Đoàn thanh niên tham gia giữ gìn trật tự ATGT đường sắt tại các đường ngang dân sinh vào các giờ cao điểm. Công tác này được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định hoặc trong các đợt cao điểm đảm bảo trật tự ATGT trong năm.

Theo lãnh đạo công an một số địa phương, việc huy động lực lượng làm thêm công tác bảo đảm ATGT đường sắt như kể trên cần có thêm kinh phí hoạt động. Ông Dương Danh Quý, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, nếu kinh phí này được sử dụng từ nguồn tiền thu phạt hàng năm trích cho ngành công an theo quy định sẽ khả thi. Bên cạnh đó, công an các địa phương cũng phối hợp với Ban ATGT địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường sắt (theo Nghị định 44 của Chính phủ), như: lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt; nạn nhảy tàu, tuồn hàng hóa khi tàu đang chạy; nô đùa, đi lại, nằm, ngồi trên đường sắt; ném đất đá lên tàu... Công tác này phải được thường xuyên duy trì để không tái diễn vi phạm và giao công an cấp xã đến ấp, khu phố thực hiện. Các “điểm đen” về TNĐS đã được CSGT tỉnh liệt kê cũng cần được các địa phương nhanh chóng phối hợp với ngành đường sắt để khắc phục.

Nếu quy chế phối hợp này được thực hiện hiệu quả, tin rằng TNĐS ở Đồng Nai trong Năm ATGT 2012 sẽ được kéo giảm tối đa.

Thanh Toàn

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích