Ngày 6-3, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Đỗ Văn Thắng (37 tuổi, thường trú tại KP12, phường An Bình, TP.Biên Hòa) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cùng bị khởi tố với Thắng còn có các bị can: Trịnh Ngọc Nam, Lê Minh Liệt, Ngô Hòa Trọng, Phạm Văn Hùng, Nguyễn Thị Dung, Dương Văn Hiếu, Nguyễn Thị Kim Anh, Lê Thị Điệp và một đối tượng tên M.
Ngày 6-3, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Đỗ Văn Thắng (37 tuổi, thường trú tại KP12, phường An Bình, TP.Biên Hòa) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cùng bị khởi tố với Thắng còn có các bị can: Trịnh Ngọc Nam, Lê Minh Liệt, Ngô Hòa Trọng, Phạm Văn Hùng, Nguyễn Thị Dung, Dương Văn Hiếu, Nguyễn Thị Kim Anh, Lê Thị Điệp và một đối tượng tên M.
* Ổ làm giấy tờ giả trong phòng trọ
Sáng 29-2, khi tiến hành kiểm tra hành chính tại phòng trọ số 7, nhà trọ số 40, tổ 20, KP6, phường Long Bình (TP.Biên Hòa), Công an phường Long Bình bắt quả tang 2 đối tượng Đỗ Văn Thắng và Trịnh Ngọc Nam đang trao đổi một số bằng tốt nghiệp đại học, THPT, bằng lái xe máy và nhiều phôi bằng... Qua đấu tranh, Thắng và Nam khai nhận những văn bằng trên đều là giấy tờ giả. Công an phường Long Bình đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục hồ sơ bàn giao đối tượng và tang vật đến cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh thụ lý theo thẩm quyền.
Các đối tượng: Hùng, Hiếu và Liệt |
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Đỗ Văn Thắng khai nhận, Thắng được đối tượng tên Thành (nhà ở gần ngã tư Hàng Xanh, TP.Hồ Chí Minh) chỉ cách thức làm các loại văn bằng, chứng chỉ giả bằng máy vi tính. Sau khi mày mò làm một số văn bằng, chứng chỉ giả từ phôi bằng do Thành cung cấp, Thắng đã nhờ Lê Thị Điệp tiêu thụ. Từ đây, Điệp tiếp tục đặt hàng Thắng làm thêm nhiều bằng tốt nghiệp THPT giả để cung cấp cho “khách hàng”.
Để mở rộng mối quan hệ làm ăn, Thành giới thiệu cho Thắng làm quen với Hùng, một đối tượng chuyên làm giả hồ sơ, giấy tờ tại tỉnh Bình Dương. Từ tháng 7-2011 đến ngày bị bắt, Thắng đã 10 lần nhận văn bằng, chứng chỉ giả (mỗi lần nhận từ 5-30 cái) từ Hùng giao để hoàn chỉnh các nội dung trong bằng cấp, chứng chỉ... với tiền công 100 ngàn đồng/cái. Không chỉ làm giả bằng tốt nghiệp THPT từ các phôi bằng do Thành và Hùng cung cấp, Thắng còn nhờ Thành làm giả một số loại văn bằng, chứng chỉ mà mình không có khả năng làm để cung cấp cho Điệp nhằm ăn lời 100 ngàn đồng/cái.
Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, Thắng thuê Trịnh Ngọc Nam làm nhiệm vụ giao nhận văn bằng, chứng chỉ làm giả với Hùng và Thành, với tiền công 200 ngàn đồng/lần đi giao nhận. Ngày 29-2, theo yêu cầu của Thắng, Nam vừa nhận số văn bằng, chứng chỉ giả từ Hùng mang về phòng trọ tại phường Long Bình giao cho Thắng thì bị Công an phường Long Bình bắt quả tang.
* Đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả
Trong số đối tượng làm ăn với Thắng, Lê Thị Điệp (còn gọi là Năm Điệp, Năm Ngọc, ngụ ở phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) là đối tượng chuyên sống bằng nghề mua bán giấy tờ, bằng cấp giả. Điệp từng bị Tòa án nhân dân quận Gò Vấp (TP.Hồ Chí Minh) xử phạt 8 năm tù về tội làm giấy tờ giả. Sau khi ra trại, Điệp tiếp tục câu kết với Thắng làm các loại giấy tờ giả, từ bằng lái xe, chứng chỉ các loại tới bằng tốt nghiệp đại học. Điệp còn tổ chức mạng lưới tiêu thụ bằng cấp, giấy tờ giả từ TP.Biên Hòa đến các địa phương trong địa bàn Đồng Nai và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Trong đường dây của Điệp và Thắng, Nguyễn Thị Kim Anh cũng là đối tượng có thâm niên trong “nghề” mua bán bằng cấp, giấy tờ giả. Kim Anh vốn là con của Nguyễn Ngọc Thủy, đối tượng có 2 tiền án về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, hiện đang thụ án 3 năm tù tại trại giam Z30A. Cha của Kim Anh vốn có mối quan hệ làm ăn với Điệp và Thắng. Năm 2009, khi Thủy bị bắt, Kim Anh đã thay cha làm ăn với Điệp và Thắng. Quá trình làm ăn, nhiều lần Kim Anh nhờ Ngô Hòa Trọng (chồng không hôn thú của Kim Anh) thay mình đi giao dịch với Thắng và Điệp.
Riêng đối tượng Trọng, vì muốn làm ăn riêng, Trọng đã giấu Kim Anh móc nối với Phạm Văn Hùng, Lê Minh Liệt và đối tượng tên M. thiết lập ra đường dây mua bán bằng cấp, giấy tờ giả. Trong đó, Liệt đã chuyển cho Trọng làm 14 bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ với số tiền hơn 25 triệu đồng và được Trọng trả công 11,8 triệu đồng; M. làm khoảng 50 giấy phép lái xe giả cho một số người tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) và tỉnh Bến Tre...
Lê Thị Điệp |
Mở rộng điều tra, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh bắt giữ các đối tượng có liên quan đến đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả của Thắng và Điệp, gồm: Kim Anh, Trọng, Hùng; Liệt; Dương Văn Hiếu, Nguyễn Thị Dung…, đồng thời thu giữ nhiều dụng cụ sản xuất bằng cấp, chứng chỉ giả; cùng hàng trăm bằng cấp, chứng chỉ và phôi bằng các loại…
Từ việc đấu tranh với các đối tượng trong đường dây do Thắng và Điệp tổ chức, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã làm rõ nhiều trường hợp mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả ở nhiều tỉnh, thành. Hiện cơ quan An ninh điều tra đang tiếp tục phối hợp với Công an các tỉnh này điều tra làm rõ. Đối với Lê Thị Điệp hiện đang bỏ trốn, cơ quan An ninh điều tra đề nghị sớm ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Văn Nhuệ