Liên quan đến vụ triệt phá đường dây tổ chức thi hộ và làm giấy tờ giả (Báo Đồng Nai phản ảnh ngày 15-3), ngày 16-3, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can (cho tại ngoại) của cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đối với ông Phạm Thái Thạnh (SN 1963, nguyên Phó giám đốc Trung tâm quan hệ quốc tế Trường đại học Lạc Hồng) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Liên quan đến vụ triệt phá đường dây tổ chức thi hộ và làm giấy tờ giả (Báo Đồng Nai phản ảnh ngày 15-3), ngày 16-3, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can (cho tại ngoại) của cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đối với ông Phạm Thái Thạnh (SN 1963, nguyên Phó giám đốc Trung tâm quan hệ quốc tế Trường đại học Lạc Hồng) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Trung tâm ngoại ngữ Đông Á, nơi đã tổ chức cho nhiều người thi hộ chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. |
Móc nối với “tay trong”
Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Phạm Thái Thạnh phụ trách các kỳ thi do Trung tâm quan hệ quốc tế (QHQT) Trường đại học Lạc Hồng tổ chức. Trong các kỳ thi này, ông Thạnh là ủy viên hội đồng thi, trực tiếp giám sát công tác coi thi và bảo quản các phiếu báo dự thi của thí sinh. Sau mỗi kỳ thi, phiếu dự thi của thí sinh được sắp xếp theo thứ tự ABC để tiện cho việc vào điểm và cấp phát kết quả thi. Sau đó, phiếu dự thi sẽ được chuyển cho văn phòng hiệu trưởng để in chứng chỉ (hình trên phiếu dự thi sẽ được bóc ra để dán vào chứng chỉ). Biết được sơ hở này, Đỗ Trần Lê Sơn đã móc nối với ông Thạnh để nhờ ông này giúp mình thực hiện tổ chức đường dây thi hộ. Theo đó, sau khi thí sinh nộp bài thi, ông Thạnh sẽ tráo hình giữa phiếu báo thi của thí sinh thi hộ và thí sinh nhờ thi hộ.
Bản phôtô chứng chỉ ngoại ngữ mà thí sinh M.L. đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng để nhờ người thi hộ. |
Trước đó, N.M.T.D. (SN 1987, sinh viên Trường đại học Lạc Hồng) đã nhờ ông Thạnh giúp đỡ vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ TOEIC do Trung tâm QHQT tổ chức để xét tốt nghiệp. Biết được những sơ hở trong việc tổ chức kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ của trường, ông Thạnh đã nhờ Sơn bố trí người thi hộ cho D. vào ngày 27-8-2011. Tuy nhiên, kỳ thi này D. đã thi rớt vì “sự phối hợp” giữa các bên không tốt. Đến đợt thi ngày 18-9-2011, Sơn và ông Thạnh lại tiếp tục bố trí một sinh viên giỏi ngoại ngữ thi hộ cho D. Ngoài D., ông Thạnh còn giới thiệu một số thí sinh khác để Sơn tổ chức cài người thi hộ. Tuy nhiên, trong đợt thi ngày 18-9-2011, giám thị phòng thi đã phát hiện các sinh viên của Trường đại học Lạc Hồng thi hộ cho các thí sinh khác nên đã báo cơ quan công an xử lý.
Để thực hiện trót lọt đường dây tổ chức thi hộ trên, Sơn khai nhận ông Thạnh đã đưa dấu mộc của Trung tâm QHQT cho Sơn làm giả để đóng lên phiếu báo dự thi của các thí sinh mà Sơn nhận tổ chức thi hộ. Sơn khai đã đưa cho ông Thạnh gần 90 triệu đồng để ông này tổ chức đường dây thi hộ được trơn tru. Tuy nhiên, ông Thạnh chỉ thừa nhận có mượn của Sơn 20 triệu đồng để chi tiêu trong thời gian tổ chức các kỳ thi và phủ nhận việc cung cấp mẫu con dấu của trung tâm cho Sơn làm giả.
Làm rõ sai phạm tại Trung tâm Đông Á
Liên quan đến đường dây thi hộ do Đỗ Trần Lê Sơn cầm đầu, cơ quan An ninh điều tra phát hiện những sai phạm của Trung tâm ngoại ngữ Đông Á (Trung tâm Đông Á). Bà Hà Mai Trang (SN 1985, quản lý Trung tâm Đông Á) thừa nhận, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Đông Á đã liên kết với một số trung tâm (ở Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh) tổ chức (8 đợt) cho hàng trăm học viên tham dự các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Trong các đợt thi, trung tâm luôn bố trí từ 7-16 người giỏi ngoại ngữ thi kèm cho các thí sinh. Mỗi đợt thi, thí sinh phải đóng từ 2,5-7 triệu đồng (nếu thi rớt trung tâm sẽ trả lại một phần tiền cho học viên) và trung tâm trả cho những người thi hộ mỗi người 1 triệu đồng.
Quá trình điều tra cơ quan công an xác định, thực chất Trung tâm Đông Á chỉ tập trung học viên để cho người thi và người thi hộ biết mặt nhau, trao đổi ám hiệu làm bài thi. Hiện cơ quan An ninh điều tra đang tiếp tục xác minh, làm rõ sai phạm của Trung tâm Đông Á để xử lý theo pháp luật.
Liên quan đến thông tin có gần 200 cán bộ, công chức của tỉnh nhờ người thi hộ, ông Trần Trung Nhân, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết: “Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra xác định có gần 200 thí sinh của nhiều tỉnh, thành tham gia các đợt thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ tại các Trung tâm QHQT và Đông Á. Trong đó, số cán bộ của tỉnh tham gia thi rất ít. Số thí sinh này cũng chỉ ghi tên, mà không nêu chức danh, nghề nghiệp. Hiện cơ quan điều tra tiếp tục xác minh lý lịch số thí sinh này, nếu phát hiện có cán bộ, công chức của tỉnh, VKS sẽ phối hợp với cơ quan điều tra đề nghị UBND tỉnh, Sở Giáo dục - đào tạo và cơ quan nơi cán bộ đó làm việc xử lý theo pháp luật.
Trần Danh