Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Kinh doanh gas, tiềm ẩn nhiều nguy cơ

09:05, 25/05/2012

Việc các cơ sở sang chiết, kinh doanh gas trái phép liên tục bị cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua khiến người dân tỏ ra lo lắng đến chất lượng và sự an toàn trong quá trình sử dụng gas hàng ngày. Thực tế kiểm tra của các cơ quan chức năng mới đây cũng cho thấy, việc kinh doanh gas trên thị trường đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn...

Việc các cơ sở sang chiết, kinh doanh gas trái phép liên tục bị cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua khiến người dân tỏ ra lo lắng đến chất lượng và sự an toàn trong quá trình sử dụng gas hàng ngày. Thực tế kiểm tra của các cơ quan chức năng mới đây cũng cho thấy, việc kinh doanh gas trên thị trường đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn...

Theo Chi cục Quản lý thị trường, hiện trên địa bàn Đồng Nai có 12 trạm chiết nạp; 11 kho trung chuyển, chứa gas; 785 đại lý kinh doanh gas (trong đó 559 đại lý đủ điều kiện cấp phép hoạt động, 226 đại lý chưa đủ điều kiện cấp phép). Tuy nhiên, con số này chưa phản ảnh đúng thực trạng thị trường kinh doanh gas, bởi có không ít đại lý đã chia nhỏ cửa hàng của mình ra để nhằm thu hút khách.

* Tràn lan đại lý gas lớn, nhỏ

Hiện nay, trên địa bàn TP.Biên Hòa và các địa phương lân cận, hầu như ở tất cả các tuyến đường, khu phố đều xuất hiện đại lý kinh doanh gas. Đặc biệt, trên tuyến đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa), chỉ khoảng 5km nhưng có gần 20 đại lý gas lớn, nhỏ. Tại các đại lý kinh doanh gas này, hầu hết các thương hiệu gas trên thị trường đều có mặt. Tuy nhiên, theo một số chủ đại lý, nguồn gas được họ nhập về từ nhiều nơi khác nhau. Và tất nhiên, họ đều cam kết nguồn gas đảm bảo chất lượng.

Ngay các tiệm tạp hóa cũng có bán bình gas mini.                                         Ảnh: T. Danh
Ngay các tiệm tạp hóa cũng có bán bình gas mini. Ảnh: T. Danh

Anh T., chủ đại lý gas H.T. (trên đường Phạm Văn Thuận, đoạn thuộc KP4, phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, ngoài việc bán trực tiếp cho khách hàng, đại lý của anh còn phân phối cho một số đại lý cấp dưới. Hầu hết các đại lý này đều nằm trong các khu phố, đường hẻm. Anh T. cũng cho biết, việc thiết lập các đại lý nhỏ, lẻ nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng gas của người dân ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, việc mở các đại lý đến tận khu phố, ngõ hẻm để cạnh tranh với các đại lý gas khác trong cuộc đua giành thị phần.

Đúng như chủ đại lý gas H.T. nhận định, không chỉ các đại lý gas “hoành tráng” án ngự tại các vùng trung tâm để thu hút khách hàng, hầu hết các tuyến đường nhỏ, ngõ hẻm đều xuất hiện đại lý gas nhỏ, lẻ. Tại các đại lý này, việc quảng cáo rầm rộ để hút khách là không cần thiết. Bởi theo anh N.V.N. (chủ đại lý gas ở KP5, phường An Bình, TP.Biên Hòa), khách hàng của anh là những người quen trong khu phố. Đại lý của anh không lớn, nhưng hầu như hàng trăm hộ dân (chủ yếu là công nhân) trong khu vực này đều đổi gas ở chỗ anh. Anh N. nói: “Nhiều người không câu nệ việc đổi bình gas loại gì, chất lượng ra sao, điều họ quan tâm là đổi gas nhanh, tiện lợi và do người quen giao là được”.

Tại một số khu nhà trọ, chúng tôi được các chủ nhà trọ và công nhân thuê trọ cho biết, đa số gia đình công nhân ở trọ bây giờ đều sử dụng bình gas lớn (loại 12kg) để nấu ăn. Còn bình gas mini thường được dùng trong các buổi tiệc, hay một số sinh viên ở trọ nấu ăn. Điều đáng chú ý là, hầu hết những người sử dụng gas đều đổi gas tại các đại lý, tiệm tạp hóa gần nơi mình ở. Chị Trần Thị Mai (thuê trọ tại KP6, phường Long Bình) cho biết: “Mỗi lần nấu ăn hết gas chúng tôi lại chạy ngay ra đầu ngõ là có ngay đại lý gas để đổi. Sẵn tiền thì trả, nhưng lỡ kẹt tiền chủ đại lý cũng cho thiếu. Bình gas lớn, nhỏ gì các chủ tiệm đều phục vụ tất”.

Không chỉ những “đại lý quen”, mà tại nhiều khu phố, để phục vụ tối đa nhu cầu của khách, có không ít tiệm tạp hóa, quán ăn, hay cả những điểm kinh doanh điện thoại cũng... đổi gas. Các điểm kinh doanh “không chuyên” này chỉ đổi bình gas mini cho khách. Tuy nhiên, việc xuất hiện các điểm đổi gas tùy tiện như vậy cho thấy thị trường kinh doanh gas đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của người dân, nhất là đối với mặt hàng kinh doanh có điều kiện như gas.

* Sống chung với những “quả bom gas”

Việc xuất hiện các điểm kinh doanh gas trước mắt đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, với một mặt hàng kinh doanh kèm theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn như gas, đây cũng là mối lo của nhiều người, khi hàng ngày sống chung với những “quả bom gas” ngay trong nhà.

Dãy phòng trọ của bà Đặng Thị Phương (ở KP1, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) có 25 phòng. Theo bà Phương, hầu hết người thuê trọ đều sử dụng bình gas lớn để nấu ăn. Mỗi phòng trọ một bình gas, cả dãy nhà trọ với hàng chục người quây quần trong một không gian hẹp ấy lại chứa hàng chục “quả bom gas”. Nếu chất lượng những bình gas này không được bảo đảm và lỡ xảy ra sự cố về gas thì hậu quả sẽ khó lường.

Vẫn luôn đề cao sự tiện lợi là trên hết, nhưng khi đề cập đến chất lượng gas đang sử dụng, nhiều người không dám chắc sản phẩm mình dùng an toàn và chất lượng đến đâu. Chị N.T.M.D., chủ đại lý gas N.K. (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho biết, chỉ những công ty có bếp ăn tập thể hay doanh nghiệp sử dụng gas mới phát hiện bình gas không đảm bảo chất lượng và số lượng, vì lượng gas sử dụng hàng ngày, hàng tháng của họ có định mức. Riêng các hộ gia đình, do sử dụng gas không ổn định nên khó phát hiện bình gas không đủ trọng lượng, còn chất lượng thì càng mù tịt.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai tại các điểm đổi gas nhỏ, lẻ cho thấy, ngoài bình gas lớn, rất nhiều bình gas mini cũ (thậm chí đã hoen gỉ) nhưng vẫn được các đại lý, tiệm tạp hóa đổi cho khách. Chị Nguyễn Thị Thủy (chủ tiệm tạp hóa tại KP5, phường Trảng Dài) cho biết: “Lâu nay, chúng tôi vẫn dùng bình gas mini cũ đổi cho khách xài nhưng không thấy ai phàn nàn. Nếu có, khách chỉ phản ảnh chuyện số lượng gas không đủ nên xài nhanh hết”.

Theo quy định, bình gas mini chỉ được sử dụng một lần. Thế nhưng, trên thực tế, việc tái sử dụng các loại bình gas mini rất phổ biến. Khi nghe nói đến quy định bình gas mini không được tái sử dụng, một số công nhân ở trọ tại ấp Thiên Bình, xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) tỏ vẻ ái ngại: “Nếu quy định như vậy thì công nhân lấy đâu tiền để mua gas. Bởi, mỗi lần đổi bình gas chỉ mất vài ngàn đồng, trong khi mua bình gas mới phải mất 15-17 ngàn đồng/bình”. Và như vậy, từ nhu cầu thực tế cuộc sống và vì hoàn cảnh khó khăn, người dân (nhất là công nhân, sinh viên ở trọ) đã bất chấp sự nguy hiểm từ việc tái sử dụng các loại bình gas cũ. Hàng ngày, mọi người vẫn vô tư sống trong mối nguy hiểm đang rình rập từ những bình gas hiện diện thường trực trong nhà.

Trần Danh

 

 

 

Tin xem nhiều