Trong số hàng chục đối tượng mà cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh phối hợp với C45 và công an các tỉnh, thành bắt giữ trong chuyên án đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm trong "đường dây trôm két sắt xuyên Việt", hầu hết đối tượng trộm cắp ở TP.Biên Hòa đều có quan hệ gia đình, thân thiết với nhau.
Trong số hàng chục đối tượng mà cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh phối hợp với C45 và công an các tỉnh, thành bắt giữ trong chuyên án đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm trong "đường dây trôm két sắt xuyên Việt", hầu hết đối tượng trộm cắp ở TP.Biên Hòa đều có quan hệ gia đình, thân thiết với nhau.
[links(left)]Hầu hết đối tượng trộm két sắt mà công an bắt giữ trong chuyên án đều sống ở vùng Long Hưng - An Hòa - Long Bình Tân, và tất cả đều có mối liên hệ bà con, thân thiết với nhau. Một quy luật bất thành văn trong đường dây trộm cắp két sắt mà các đối tượng tham gia đều tuân thủ là không khai ra đồng bọn nếu lỡ bị bắt; kẻ thoát tội sẽ tiếp tục “làm ăn” để kiếm tiền chu cấp cho các đối tượng bị bắt, cũng như gia đình họ.
* Chiêu nạp người thân đi trộm
Sau khi “đại ca” Nguyễn Bá Thi bị bắt, nhóm trộm két sắt nổi cộm ở TP.Biên Hòa là anh em Trần Văn Đường, Trần Văn Tâm và Huỳnh Văn Ngà, Huỳnh Văn Cường, Nguyễn Văn Trắng…, đều ngụ ở ấp Phước Hội, xã Long Hưng. Đường và Tâm “cụt” là anh em ruột, còn Ngà với Đường, Tâm là chỗ anh em cô cậu.
Tâm "cụt" (phía trên, bìa trái) và các đối tượng trộm két sắt gốc Long Hưng - Long Bình Tân. |
Cũng như bao gia đình nông dân vùng sông nước Long Hưng, các đối tượng này đều có ghe máy. Nhưng khác với những người nông dân chân chính dùng ghe máy để đi lại, vận chuyển nông sản..., nhóm anh em Đường, Tâm, Ngà, Cường, Trắng sử dụng ghe máy để đi dọc các tuyến sông dò thám, nghiên cứu tình hình các công ty, cơ quan, nhà dân nằm dọc bờ sông để tìm cơ hội trộm cắp.
Thời gian đầu, các đối tượng này chỉ trộm cắp heo, gà, tivi, đầu đĩa, dầu máy tàu, xà lan neo đậu trên sông... Đến khi đầu quân dưới trướng của Nguyễn Bá Thi, băng trộm đường sông này đã tham gia hàng loạt vụ trộm két sắt công ty, cơ quan từ Nam ra Bắc. Trong đó, có những vụ Đường, Ngà, Trắng đi với Nguyễn Bá Thi, Ngô Trùng Phương; có những vụ Tâm "cụt”, Huỳnh Văn Cường đi với Thi, Phương. Khi bọn Thi, Phương, Đường, Ngà, Trắng bị bắt và lãnh án ở Phú Thọ, số còn lại như: Tâm “cụt”, Huỳnh Văn Cường... tạm lời im hơi lặng tiếng.
Đầu năm 2010, khi Đường, Ngà, Trắng ra tù thì băng trộm đường sông này lại tụ tập đi gây án. Tất cả thành viên trong băng trộm này đều có quan hệ gia đình, bà con với nhau nên dễ dàng che giấu hành vi trộm cắp. Nếu lỡ một đối tượng trong nhóm bị bắt thì theo luật bất thành văn kẻ này sẽ nhận tội, không khai ra đồng bọn. Những kẻ đồng bọn còn lại sẽ tiếp tục đi “ăn hàng” để kiếm tiền lo cho kẻ bị bắt và gia đình ở bên ngoài. Mặt khác, băng nhóm này chỉ gây án ở địa phương khác, tuyệt đối không đụng chạm đến tài sản của người dân vùng Long Hưng. Do đó, dù người dân địa phương nghi ngờ băng nhóm này hoạt động trộm cắp cũng không có bằng chứng chính xác.
“Làm ăn” được một thời gian, do ăn chia tài sản trộm cắp không sòng phẳng, Huỳnh Văn Ngà đã tách khỏi nhóm của anh em Tâm “cụt” để lập nhóm riêng. Từ đây, ở vùng Long Hưng xuất hiện 2 nhóm trộm két sắt đường sông, đồng thời ra sức chiêu mộ thành viên. Cũng từ đây, một số “người ngoài” đã tham gia vào các nhóm trộm này. Nhóm của anh em Tâm “cụt” và Đường gồm có: Nguyễn Văn Trắng (anh em bà con với Đường và Tâm), Trịnh Minh Đạt (con nuôi của Tâm “cụt”), Nguyễn Minh Thành (ở sát vách nhà với Đường và Tâm)… Trong khi Huỳnh Văn Ngà có Huỳnh Văn Cường (em rể Ngà), Thái Minh Hùng (em rể Ngà), Nguyễn Thành Luận (bạn của Hùng)… Ngoài ra, mỗi khi “ăn hàng” ở các tỉnh khác, hai nhóm trộm này tùy tình hình mà kết hợp với các đối tượng người địa phương, hoặc “mối ruột” để cùng đi gây án. Như, Tâm “cụt” kết hợp với Nguyễn Minh Nhật (SN 1975, ngụ ở quận 12, TP.Hồ Chí Minh) và Nguyễn Văn Ngọc (SN 1983, quê ở tỉnh Tiền Giang) để đi gây án ở các tỉnh Tây Ninh, Long An... Còn nhóm của Ngà móc nối với Nguyễn Văn Thanh (SN 1977, quê ở tỉnh Hậu Giang)... để đi gây án ở Tây Ninh và các tỉnh miền Tây...
Ngoài ra, trong quá trình đi “ăn hàng”, Thái Minh Hùng đôi lần tách khỏi nhóm của Ngà để đi “đánh lẻ”. Cụ thể như, đêm 12 rạng sáng 13-9-2010, Hùng móc nối với Nguyễn Văn Hải (cán bộ của Trường dạy nghề số 8, ở phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) để đột nhập vào trường này cạy phá két sắt chiếm đoạt 68 triệu đồng. Đêm 27-9-2011, Hùng cùng với Hải, Cường, Hồ Tân An (quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế)... đột nhập vào Công ty liên doanh trồng và chế biến nguyên liệu xuất khẩu tại xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) cạy phá két sắt trộm 3,3 tỷ đồng...
* Thủ đoạn gây án chuyên nghiệp
Một cán bộ điều tra tham gia xuyên suốt chuyên án cho biết, mỗi lần đi gây án, bọn trộm két sắt thường có 4-6 đối tượng, hoạt động lưu động từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở vào và tập trung chính vẫn là các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ và TP.Hồ Chí Minh. Chúng thường lựa chọn đồng bọn là những người trong gia đình và bạn bè thân thiết để nếu bị bắt, sẽ không khai ra đồng bọn. Số đối tượng này có thể cùng nhau tham gia nhiều vụ án, nhưng cũng có lúc một vài đối tượng tách ra, kết hợp với một số đối tượng ở các tỉnh, thành khác để đi gây án. Từ mối quan hệ dắt dây đó đã hình thành nên các ổ nhóm, đường dây trộm két sắt lên đến vài chục đối tượng.
Theo thống kê của PC45 công an các địa phương, từ đầu năm 2010 đến ngày 28-9-2011, trên địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Bến Tre và TP.Hồ Chí Minh... đã xảy ra 161 vụ trộm két sắt chưa rõ thủ phạm, gây thiệt hại tài sản đến 33 tỷ đồng. Qua đấu tranh chuyên án, công an các địa phương đã củng cố chứng cứ, quyết định phục hồi và khởi tố 46 vụ án, bắt giữ 47 đối tượng, truy nã 3 đối tượng. Đến nay, công an các tỉnh, thành đã làm rõ hơn 80 vụ trộm két sắt. |
Mỗi lần đi gây án, bọn trộm két sắt bỏ thời gian nghiên cứu quy luật tài chính của các cơ quan, doanh nghiệp rất kỹ để chọn thời điểm gây án thường vào đầu tháng (khi các doanh nghiệp có tiền lương), cuối tháng (khi doanh nghiệp quyết toán) và thường vào tối (từ 0 - 3 giờ) cuối tuần hoặc ngày lễ, tết, khi cơ quan nghỉ, bảo vệ lơ là trong canh gác. Chúng thường sử dụng ghe (đi dọc sông để trộm cắp các doanh nghiệp ở ven sông), với công cụ gây án chủ yếu gồm: kìm cắt, kìm cộng lực, tua vít, xà beng, mỏ lết, găng tay... Mỗi lần tiếp cận địa điểm “ăn hàng”, bọn trộm dùng kìm cắt để cắt phá hàng rào, dùng tua vít cạy phá cửa đột nhập văn phòng để két sắt. Khi phát hiện thấy két sắt, chúng hạ két xuống nền nhà rồi dùng xà beng, tua vít cạy phá lấy tài sản. Khi gây án, băng trộm này đều bịt kín mặt để vô hiệu hóa camera theo dõi của các cơ quan, công ty. Do đó, dù có bị camera quay lại quá trình đột nhập, trộm cắp các công ty thì bọn trộm cũng không bị công an nhận diện.
Một cán bộ điều tra cho biết, việc mở két sắt với những người bình thường không dễ dàng, nhưng với bọn trộm két sắt việc cạy phá két sắt lấy tiền bên trong chẳng hề khó khăn. Thực tế khám nghiệm hiện trường hàng loạt vụ trộm két sắt, cũng như thực nghiệm điều tra quá trình cạy phá két sắt của bọn trộm cho thấy chúng phá két sắt dễ như trở bàn tay.
Tuy nhiên, dù ma mãnh thế nào thì những kẻ làm chuyện xấu cũng có ngày lộ ra sơ hở. Từ chi tiết rất nhỏ là bàn tay bị cụt của Trần Văn Tâm mà camera theo dõi của Công ty Thế Giới Việt ở Bến Tre đã ghi lại, các cán bộ công an đã sử dụng biện pháp nghiệp vụ để lần ra manh mối, triệt phá cả một đường dây trộm két sắt gây án xuyên Việt.
Phạm Mai