Trong số 47 đối tượng bị bắt trong chuyên án đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm chuyên trộm cắp tài sản trong két sắt xuyên Việt, anh em Trần Văn Đường, Trần Văn Tâm và Huỳnh Văn Ngà xếp vào hàng “siêu trộm”.
Trong số 47 đối tượng bị bắt trong chuyên án đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm chuyên trộm cắp tài sản trong két sắt xuyên Việt, anh em Trần Văn Đường, Trần Văn Tâm và Huỳnh Văn Ngà xếp vào hàng “siêu trộm”.
Có anh trai đi tù về tội trộm cắp, nhưng không lấy đó làm gương, Đường và cậu em Tâm “cụt” tiếp tục đeo bám nghề “đào tường khoét vách” như anh mình, để rồi phải mang 3 tiền án về tội trộm cắp.
* Không đi trộm... ăn cơm không ngon
Lúc mới vào “nghề”, với chiếc ghe máy có ngụy trang ngư cụ, Đường và đồng bọn chỉ trộm cắp lúa gạo, heo, gà, ghe xuồng... của các hộ dân sống ven sông quận 9 (TP.Hồ Chí Minh) và TP.Biên Hòa, huyện Long Thành; hay nửa đêm mon men lại các tàu, xà lan neo đậu trên sông lấy trộm dầu, bình ắc-quy bán kiếm tiền. Với những hành vi trộm cắp vặt nên nhiều lần bị bắt, Đường chỉ bị xử lý hành chính hoặc lãnh mức án nhẹ.
Từ trái qua, từ trên xuống: Đường, Tâm, Ngà, Cường. |
Hơn 10 năm trước, trong lần giao du với đám bạn giang hồ quận 9, anh em Đường quen và nhập bọn với “siêu trộm” Nguyễn Bá Thi, lúc này đang lẩn trốn 2 lệnh truy nã của Công an tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh. Từ khi theo Thi “làm ăn”, được tham gia những vụ trộm lớn nên “tay nghề” trộm cắp của Đường trở nên thuần thục, thủ đoạn bẻ khóa, cạy cửa đột nhập và mánh khóe che giấu hành vi phạm tội đạt mức thượng thừa. Một người dân ở xã Long Hưng cho biết, trong những lần nhậu nhẹt cùng đám đàn em, Đường cao hứng tuyên bố: “Tao có thể vô hiệu bất cứ loại khóa nào”. Thậm chí, Đường còn lớn tiếng khoe khoang với đàn em: “Hôm nào không đi ăn trộm tao thấy... ăn cơm không ngon”.
“Tay nghề” trộm cắp thuần thục, lại thực hiện nhiều “phi vụ” trộm két sắt lớn nên lúc nào trong túi Đường cũng rủng rỉnh tiền bạc. Một người dân địa phương kể, có lần thấy một người dân Long Hưng cất biệt thự hoành tráng trị giá nhiều tỷ đồng, Đường nhìn thấy “ngứa mắt” nên nói với đám đàn em: “Cỡ đại gia ở Long Hưng này chưa chắc nhiều tiền bằng tao”.[links(right)]
Chẳng biết số tiền Đường kiếm được từ việc trộm cắp được bao nhiêu, nhưng nhiều người dân Long Hưng biết rõ gã ăn xài rất “vô tư”. Không nghề nghiệp, gia đình vốn chẳng khá giả gì, đất đai cũng chẳng có bao nhiêu, cơ sở làm ăn chẳng có, nhưng so với nhiều nông dân chân chính vùng Long Hưng, cuộc sống của Đường tỏ ra hơn hẳn. Nhà cửa không chỉ tươm tất, nội thất, đồ điện máy đầy đủ, Đường và đồng bọn còn luôn là người mua sắm trước những thứ đồ đời mới, như: đầu đĩa, LCD, xe máy tay ga...
Kiếm tiền dễ dàng, Đường trở thành tay ăn chơi, cờ bạc có tiếng ở địa phương. Không chỉ đãi đám đàn em ăn nhậu, uống bia ôm thoải mái, Đường còn cặp kè với nhiều em “chân dài”. Tuy nhiên, cái khoản cờ bạc mới tiêu tốn tiền của Đường nhiều nhất. Người dân Long Hưng đã quen với việc Đường ghi số đề mỗi lần 5-7 triệu đồng; hay những lần say máu đỏ đen cháy túi hàng trăm triệu đồng mà vẫn coi như không.
* “Biệt tài” đột nhập của Tâm “cụt”
Không thua kém hai anh ruột của mình, Tâm “cụt” cũng sớm chứng tỏ là một tay trộm khét tiếng. Bị cụt tay trái nhưng từ nhỏ Tâm tỏ ra nhanh nhẹn, chơi đá bóng giỏi, chạy xe máy rất cừ, đặc biệt là tài leo trèo không thua kém ai. Người dân Long Hưng thường kể cho nhau nghe “tài” leo dừa hái trộm của Tâm lúc còn trẻ. Lần đó, dù cụt tay nhưng Tâm leo lên cây dừa cao chót vót hái trộm cùng lúc 5 trái dừa to, rồi vừa ôm 5 quả dừa vừa đu người đưa xuống đất một cách nhẹ nhàng, chủ nhà không phát hiện được.
Khi mới tham gia trộm cắp, Tâm “cụt” chỉ làm nhiệm vụ giả vờ đi mua dừa, trái cây của nhà dân sống ven sông để nghiên cứu địa điểm “ăn hàng” rồi chỉ điểm cho đồng bọn, chạy ghe máy chở đồng bọn, hay giữ vai trò tiêu thụ tài sản trộm cắp… Dần dà, với sự nhanh nhẹn, leo trèo giỏi, Tâm “cụt” trở thành một tay leo tường rào, đột nhập công ty trộm cắp vào hàng cao thủ. Clip ghi lại hình ảnh anh em Đường và Tâm “cụt” đột nhập vào Công ty Thế Giới Việt (ở tỉnh Bến Tre) đã thể hiện “tài” đột nhập của Tâm. Dù bảo vệ công ty thường xuyên đi tuần bên ngoài, Tâm “cụt” và Đường vẫn dễ dàng leo tường, đột nhập vào bên trong công ty cạy phá két sắt lấy trộm tài sản mà không bị phát hiện.
Tay nghề không kém Đường, cái khoản ăn chơi, tiêu xài những đồng tiền phi pháp kiếm được của Tâm ‘cụt” cũng chẳng thua anh. Không chỉ mua sắm trang bị, vật dụng, xe máy trong nhà, Tâm còn ham mê nhậu nhẹt, đi bia ôm, cờ bạc. Người dân Long Hưng hay kể lại chuyện Tâm “cụt” có lần trúng số đề đến 300 triệu đồng. Điều đó cho thấy số tiền ghi đề mỗi lần 5-10 triệu đồng đối với anh em Tâm “cụt” rất bình thường. Rất nhiều lần, vì say máu ăn thua, Tâm “cụt” vét sạch túi, tháo tất cả vàng vòng trên người để ném vào sòng bạc cả trăm triệu đồng...
Những kiểu xài tiền của anh em Đường không lạ với người dân Long Hưng. Chỉ có điều, sau khi hết tiền, anh em Tâm “cụt” thường vắng mặt ở địa phương khoảng một tuần, sau đó về nhà lại rủng rỉnh tiền bạc. Ngày bị công an bắt, trên cổ Tâm “cụt” vẫn còn đeo lủng lẳng vòng vàng đến hơn 3 lượng.
* Ba Ngà và “biệt tài” hai ngón
Khác với anh em Tâm “cụt” ở chỗ vô công rỗi nghề, ham mê cờ bạc, nhậu nhẹt, Huỳnh Văn Ngà (còn gọi là Ba Ngà, anh em bà con cô cậu với Đường và Tâm “cụt”) tỏ vẻ lương thiện, ít ăn chơi phung phí. Đặc biệt, Ba Ngà nổi trội so với đồng bọn về cái khoản “hai ngón”, cả về nghĩa đen (chuyện làm ăn) lẫn nghĩa bóng (móc túi, trộm cắp).
Công an các địa phương đã củng cố chứng cứ, quyết định phục hồi và khởi tố 46 vụ án, bắt giữ 47 đối tượng, truy nã 3 đối tượng. Đến nay, công an các tỉnh, thành đã làm rõ hơn 80 vụ trộm két sắt. Riêng tại TP.Biên Hòa, công an đã thu giữ tài sản là tang vật vụ án, gồm: 22,5 lượng vàng, gần 700 triệu đồng, 2 xe máy, 3 laptop... Liên quan đến đường dây trộm cắp két sắt này, hiện còn một số đối tượng đang lẩn trốn. Cơ quan điều tra đề nghị số đối tượng này sớm ra đầu thú để nhận sự khoan hồng của pháp luật. |
Người dân Long Hưng rất nể Ba Ngà ở việc bắt lịch, bắt lươn, đào rắn... Với hai ngón tay như gọng kiềm, Ba Ngà là một trong những cao thủ “sát lịch” ở Long Hưng. Con lịch, con lươn nào dính phải hai ngón tay gọng kiềm của Ba Ngà xem như hết đường sống. Tuy nhiên, Ba Ngà chỉ sử dụng cái nghề bắt lịch để che đậy chuyện làm ăn phi pháp. Những lần giong ghe máy đến các bờ sông, hay những cánh đồng xa xăm xoi bắt lịch, lươn thực chất là lúc Ba Ngà đi điều nghiên địa điểm “ăn hàng”, để tổ chức cho đồng bọn đột nhập lấy trộm tài sản.
Giỏi bắt lươn, lịch và biết rõ đặc tính của chúng nên Ba Ngà cũng có cái tài chui nhủi, lẩn trốn như lươn. Mỗi lần thấy động, hay nghe tin đồng bọn bị công an sờ gáy, Ba Ngà thường chuồn ra cù lao Phước Hưng (thuộc xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) lẩn trốn. Ở giữa vùng sông nước này, Ba Ngà giấu mình rất hay, chỉ xuất hiện gặp người quen và đồng bọn khi thấy thật sự cần thiết. Đặc biệt, Ba Ngà chỉ xuất hiện vào ban đêm, để dễ bề nhảy sông tẩu thoát khi bị vây bắt. Để bắt được kẻ trộm có tài lẩn như lươn này, ban chuyên án phải huy động lực lượng trinh sát của Công an TP.Biên Hòa, PC45 và cả cảnh sát đường thủy mới tóm được, sau nhiều lần bắt hụt.
Ngoài anh em Tâm “cụt” và Ba Ngà, các đối tượng Huỳnh Văn Cường, Thái Minh Hùng... cũng thuộc hàng “siêu trộm”. Số đối tượng này kết hợp với nhóm Tâm “cụt”, Ba Ngà, Nguyễn Bá Thi… thiết lập nên một đường dây trộm cắp két sắt xuyên Việt và trở thành nỗi ám ảnh của tất cả những doanh nghiệp từ Nam ra Bắc. Tuy nhiên, hành trình phạm tội của các đối tượng này đã chấm dứt khi lần lượt bị ban chuyên án bắt giữ.
Phạm Mai