Không có thời gian tìm hiểu, họ đến với nhau bằng sự gượng ép, để rồi chấp nhận cưới trước, yêu sau. Cùng nhau chèo lái con thuyền hôn nhân, nhưng đến khi bước sang độ tuổi xế chiều, thì tình cảm của họ lại dậy sóng.
Không có thời gian tìm hiểu, họ đến với nhau bằng sự gượng ép, để rồi chấp nhận cưới trước, yêu sau. Cùng nhau chèo lái con thuyền hôn nhân, nhưng đến khi bước sang độ tuổi xế chiều, thì tình cảm của họ lại dậy sóng.
Sau 35 năm chung sống, ông đưa đơn ra tòa ly dị với lý do giải thoát gánh nặng tinh thần. Cuộc ly hôn không được chấp nhận, nhưng tình cảm vợ chồng họ như gương vỡ vụn, chẳng thể lành lại.
* Nặng một chữ “nghĩa”
Nhờ sự mai mối, ông Đ.T. và bà T.L. về sống cùng một mái nhà khi hai người tròn 20 tuổi. Ngày ấy, họ có tổ chức đám cưới, nhưng không đăng ký kết hôn. Tình cảm vợ chồng tưởng chừng khó dung hòa, vì cả hai chỉ biết mặt nhau đúng vào ngày lễ dạm hỏi.
Rồi bà theo ông về làm dâu với tâm niệm: “cưới trước yêu sau”, “chẳng riêng gì mình, mà bao người đều theo tập tục ấy”. Đến với nhau từ hai bàn tay trắng và trong gian khó, với bản tính cần cù chịu khó, họ nhanh chóng gầy dựng kinh tế dư giả. Rồi hai người con ra đời, hạnh phúc gia đình thêm đầm ấm, sum vầy.
Cuộc sống không tiếng xích mích, cãi vã của ông bà cứ thế trôi qua, cho đến khi họ đã bước qua bên kia sườn dốc cuộc đời. Năm 2011, ông nộp đơn ra tòa xin ly hôn, mặc cho bà phản đối, con cái khuyên can.
Dù nhiều lần được tòa hòa giải, nhưng ông vẫn quyết ly hôn cho bằng được. Nguyên nhân ông cho rằng, bà L. thường xuyên lấy tiền của ông làm quỹ riêng, không quan tâm đến gia đình, không chăm sóc ông khi bị bệnh. Mặt khác, bà L. còn nói ông có bồ bịch bên ngoài, cứ mỗi lần về nhà là gây gổ với vợ con… “Tôi không chịu nổi tính hung hăng của bà ấy và không còn thiết tha với cuộc sống vợ chồng này nữa” - ông T. trình bày. Hiện giờ, ông cảm thấy cuộc sống vợ chồng đã không còn như xưa, hạnh phúc tan dần nên ông viết đơn xin trả lại tự do cho nhau.
Phủ nhận những lời biện bạch do ông T. đưa ra, bà L. không đồng ý ly hôn vì hai người đã lớn tuổi, con cháu đề huề, đây là lúc để họ hưởng thụ sự đoàn viên gia đình. “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông". Dù bây giờ không còn tình, nhưng chúng ta vẫn nặng một chữ nghĩa. Hãy để tôi được chăm sóc cho ông” - lời bà cất lên sau những tiếng nấc nghẹn.
Đi với nhau sắp hết cuộc đời nên những thú vui, tật xấu của ông, bà chẳng bận tâm, cấm cản. Bà sẵn sàng bỏ qua tất cả, vì con cái đã lớn, sống với nhau được bấy nhiêu nữa mà phải đường ai nấy đi. Ông muốn chì chiết, cạnh khóe bất cứ thứ gì để được ra riêng, bà cũng mặc kệ.
* Không được ly hôn
Những phiên tòa ly hôn của các cặp vợ chồng lớn tuổi thường hay căng thẳng, bởi áp lực tuổi tác, con cháu đề huề… Mặc dù ông kiên quyết như thế, nhưng sau thời gian nghị án, Hội đồng xét xử tòa án đã bác yêu cầu xin ly hôn của ông. Theo tòa, những lý do ông T. đưa ra để được ly hôn với bà L. không có cơ sở, không có gì để chứng minh cho những lý lẽ ấy. Xét thấy mâu thuẫn giữa hai người chưa đến mức trầm trọng nên tòa không thể chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông.
Ly hôn tuổi xế chiều là nỗi đau với người trong cuộc. Níu kéo cuộc hôn nhân, dù biết tình cảm gia đình có phần thêm nặng nề, ngột ngạt, nhưng có lẽ đó là cách duy nhất giúp bà L. tìm thấy những ngày tháng cuối đời thanh thản.
Ngồi theo dõi suốt phiên xét xử, đứa con út của ông bà thỉnh thoảng lại nén tiếng thở dài. Rối bời vì không biết đứng về bên nào, các con của họ cũng đã làm hết sức để níu giữ mối quan hệ giữa cha mẹ. Thực lòng, họ không muốn phải nhìn thấy cha mẹ chia ly. Định an ủi mẹ, nhưng liếc nhanh nhìn ánh mắt dò xét, bức bối của cha, anh con út lại lẳng lặng ngồi xuống ghế.
Rời phòng xử, ông T. đón chiếc xe ôm ra về, còn hai mẹ con bà L. nán lại, lòng dạ rã rời như đứt từng khúc ruột nhìn ông bước đi trong bực tức. Dù thế nào, chia tay cũng là mất mát. Dù con cháu ra sức động viên, vun đắp, nhưng liệu cuộc sống chung của họ có thể nào hạnh phúc?
Không biết sau phiên tòa sóng gió tuổi già ấy, sự bất mãn, bực dọc giữa họ liệu có nguôi ngoai?
Võ Nguyên