Đời sống công nhân vốn vất vả, thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, nên nhiều người cùng hoàn cảnh đã tìm đến nhau. Vượt qua sóng gió cuộc sống hôn nhân những năm đầu là thử thách đối với các vợ chồng trẻ. Gia đình yên ấm không chỉ có bàn tay của người phụ nữ, mà còn cần đến sự sáng suốt của đàn ông.
Đời sống công nhân vốn vất vả, thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, nên nhiều người cùng hoàn cảnh đã tìm đến nhau. Vượt qua sóng gió cuộc sống hôn nhân những năm đầu là thử thách đối với các vợ chồng trẻ. Gia đình yên ấm không chỉ có bàn tay của người phụ nữ, mà còn cần đến sự sáng suốt của đàn ông.
* Cuộc chiến với bên chồng
Theo lời chị N.T.T.N. (ngụ ở xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) tại phiên tòa, cũng vì đồng hoàn cảnh kinh tế thiếu thốn mà chị và anh N.T.L. tìm đến với nhau. Làm chung một công ty và sau nhiều năm tìm hiểu, cuối cùng họ cũng xây dựng cho mình một mái ấm nho nhỏ vào năm 2007. Ngày bước chân về nhà chồng, chị hạnh phúc biết bao khi nhận được nhiều lời chúc phúc từ người thân, bạn bè. Dù còn nhiều lạ lẫm, nhưng chị đã cố gắng làm tốt bổn phận làm dâu của mình. Trái lại, mẹ chồng chị không hề thông cảm, hiểu chuyện, mà thường xuyên xét nét, hay kiếm chuyện chê bai con dâu trước mặt mọi thành viên trong gia đình.
Sinh cậu con trai được 2 tuổi, những tưởng tình cảm mẹ chồng - nàng dâu sẽ được dung hòa phần nào, nhưng mâu thuẫn trở nên trầm trọng hơn vì chồng bà muốn giành cháu nội. Không chịu nổi sự chì chiết, tính khí ích kỷ của mẹ chồng, chị quyết xin chồng được ra ở riêng. Anh không đồng ý đề nghị của chị N., vì kinh tế của vợ chồng chưa được vững vàng, lương công nhân chỉ đủ cơm ngày ba bữa. Với lại, vợ chồng ra riêng sẽ lấy ai chăm sóc con. Nhưng nghe mãi lời cằn nhằn, trách móc của mẹ và vợ, nên anh đành lòng chấp nhận.
Cũng từ đây, cuộc sống vợ chồng sớm hôm lục đục. Con cái bệnh tật, chị không đi làm thường xuyên, nên mọi sinh hoạt, chi tiêu trong nhà đều do mình anh gánh vác. Thời gian đầu, anh chỉ càu nhàu vài tiếng, nhưng mỗi lần con bệnh không biết lấy đâu ra tiền chạy chữa, vậy là vợ chồng cãi nhau. Cuộc sống ở nhà chồng đối với chị trước đây vốn đã căng thẳng, nay chuyện gia đình không thuận hòa vì chuyện kinh tế, khiến họ trở nên bí bách, bấn loạn…
Sau nhiều lần sống ly thân, hôn nhân của họ đứng bên bờ vực thẳm rồi đổ vỡ hoàn toàn khi ngày ngày, hết mẹ chồng, em dâu, rồi chồng đem những tật xấu của chị ra bới móc, trách cứ. Không còn tôn trọng, quan tâm đến nhau, chị quyết định ly hôn, xem đó như giải pháp để thoát khỏi cuộc sống tù ngục. “Tôi biết, chia tay là nỗi đau lớn, nó để lại vết sẹo khó mà xóa sạch trong tâm trí của con. Nhưng chịu đựng mãi cảnh này, chắc tôi không thể tiếp tục cuộc sống này mất” - chị nghẹn ngào nói.
* Bắt đầu một cuộc sống mới…
Quá trình chung sống, biết tính khí anh L. nóng nảy nên chị đành nín nhịn để giữ hạnh phúc gia đình. Sau mỗi lần bên nhà mẹ đẻ về, không hiểu lý do gì mà anh thường to tiếng, đánh đập vợ. Dường như chị càng nín nhịn thì chồng càng lấn tới. Kết quả, chị N. phải trải qua những tháng ngày sống trong cảnh bạo lực. Anh L. thừa nhận những lời chị trình bày tại tòa là đúng, nhưng anh cho rằng chính chị không nhường nhịn, thích cãi lại nên mới xảy ra chuyện đó.
Ngồi ở hàng ghế nguyên đơn, chị N. đứng dậy buông ánh mắt hờn giận sang phía chồng nói gay gắt: “Với tư cách là chồng, là cha, anh nghĩ mình cư xử như thế có đúng không? Đáng lẽ, những lúc con dâu bất hòa với mẹ, anh phải là người đứng ra cư xử khéo léo, phân tích trắng đen, đúng sai. Trái lại, anh còn hùa với họ để xỉa xói, bới móc vợ. Vâng, vì tôi nghèo, không có tiền nên mới để một mình anh lo liệu”.
Sau cùng, xét thấy tình cảm giữa hai người đã rạn nứt, khả năng hòa giải và hàn gắn cuộc sống vợ chồng không còn nên tòa chấp nhận giải quyết ly hôn và giao đứa con trai cho chị N. nuôi dưỡng đến tuổi trưởng thành. Cuộc chia tay giữa vợ chồng họ để lại một nỗi đau, bài học cho những người dự khán. Cuối phiên tòa, hai bên đi theo hai hướng khác nhau, để rồi một cuộc sống mới cũng sẽ bắt đầu với họ.
Từng nhiều lần tham gia xét xử các vụ ly hôn của những cặp vợ chồng trẻ, một thành viên trong Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đã chia sẻ với chúng tôi: “Gia đình yên ấm không chỉ có bàn tay của người phụ nữ, mà còn cần sự sáng suốt của đàn ông. Sự việc của cha mẹ đừng khiến con trẻ sau này có những mâu thuẫn dài lâu, ác cảm. Người ngoài còn có thể ngồi lại với nhau, mẹ con trong nhà không khó để cùng thông cảm. Lẽ ra, anh chồng phải hiểu rõ điều đó, anh phải đứng ra làm cầu nối cho mẹ và vợ để họ đến gần nhau hơn”.
Võ Nguyên