Qua một tuần thực hiện Nghị định 71 (sửa đổi một số điều của Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ), có những quy định tại Nghị định 71 (NĐ71) được người dân đồng tình, nhưng cũng có những điều người dân cảm thấy băn khoăn.
Qua một tuần thực hiện Nghị định 71 (sửa đổi một số điều của Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ), có những quy định tại Nghị định 71 (NĐ71) được người dân đồng tình, nhưng cũng có những điều người dân cảm thấy băn khoăn.
* Xử lý quá tải
Điều dễ nhận thấy là tình trạng quá tải ở các trụ sở Cảnh sát giao thông (CSGT), vì quá nhiều người dân đến đóng phạt. Do mức phạt tiền ở nhiều điều khoản trong NĐ71 tăng cao hơn mức tiền quy định thu phạt tại chỗ (theo quy định là 200 ngàn đồng trở xuống), nên người vi phạm phải đến trụ sở các đội, trạm CSGT để đóng tiền phạt, làm gia tăng lượng người đến đây.
Người vi phạm giao thông chen chúc, chờ đợi để đóng phạt. |
Ngày 14-11, có mặt tại trụ sở Đội CSGT Công an TP.Biên Hòa, chúng tôi thấy người vi phạm đang chen nhau tại bộ phận xử lý, nơi đóng tiền phạt để được giải quyết. Anh Nguyễn Văn H. (ngụ ở phường Hố Nai) cho biết, anh bị phạt vì chạy xe máy lấn tuyến (bị phạt 300 ngàn đồng). Trước đây, khi phạm lỗi tương tự (nghị định cũ quy định phạt 100 ngàn đồng), anh được CSGT giải quyết đóng phạt tại chỗ rất thuận tiện. Theo quy định mới, CSGT không giải quyết phạt tại chỗ, mà yêu cầu anh về Đội CSGT xử lý, vì mức phạt đã tăng quá thẩm quyền được phạt tại chỗ của cán bộ, chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ trên đường.
Anh H. bức xúc nói thêm, phải chi đường sá hoàn chỉnh thì anh không ức chế khi bị xử phạt. Thực tế đường sá ở TP.Biên Hòa có nhiều nơi làn đường ra, vào thay đổi bất chợt (đoạn trước Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh); hoặc quy định làn đường khác thường (đường Đồng Khởi); có nơi làn đường dành cho xe máy nhỏ hẹp, lại bị ô tô đậu choán chỗ nên người đi xe máy dễ bị vi phạm đi sai làn đường (lấn tuyến).
Ngày 16-11, tại Đội Xử lý của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an tỉnh, chúng tôi cũng thấy cảnh rất đông người vi phạm chờ xử lý. Nhiều người phải ra ngồi chờ ở phía bờ tường đối diện đơn vị để tránh nóng. Một người vi phạm chạy xe máy ngược chiều (bị phạt 300 ngàn đồng) cho biết, anh đã ngồi chờ ở đây gần một tiếng, nhưng vẫn chưa làm xong thủ tục đóng phạt.
Qua thực tế xử phạt theo NĐ71, một số cán bộ CSGT cho biết, rất cần nâng (mức tiền) thẩm quyền xử phạt tại chỗ để thuận tiện cho việc xử phạt. Qua đó, giảm tải cho nơi xử phạt, cũng như giảm bớt thời gian đi lại đóng phạt của người vi phạm.
* Một số băn khoăn
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Phó trưởng phòng PC67, Thượng tá Dương Thanh Hải khẳng định, CSGT không xử phạt người đi xe mượn. Với khẳng định này, người đi đường ở Đồng Nai yên tâm phần nào, nhưng vẫn còn băn khoăn một số điều. Đó là, NĐ71 chỉ sửa đổi một số điều của NĐ34 theo hướng tăng mức phạt tiền một số hành vi, nên lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường áp dụng song song 2 nghị định khi xử phạt, làm người dân khó hiểu và hay thắc mắc. Công tác tuyên truyền thực hiện NĐ71 chưa thật sâu rộng nên nhiều người bị xử phạt với mức cao “kêu trời” vì không ngờ bị phạt nặng đến thế.
Chiều 17-11, chúng tôi ghé vào chốt kiểm soát giao thông của Trạm CSGT Suối Tre, đang hoạt động trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất. Tại đây, khá nhiều trường hợp đi xe máy vi phạm tốc độ bị CSGT lập biên bản xử lý. Anh Võ Đ.S. chạy quá tốc độ ở mức trên 20km/giờ so với tốc độ quy định (61/40km/giờ) nên bị phạt 2,5 triệu đồng (trước đây NĐ34 xử phạt khoảng 750 ngàn đồng). Nhăn mặt vì số tiền phạt quá cao, anh S. cho biết có nghe loáng thoáng trên ti-vi về mức phạt tăng của NĐ71, nhưng không ngờ lại bị phạt nặng như vậy. Cùng bị phạt lỗi vi phạm tốc độ, chị Nguyễn Thị T.C. cho rằng, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền cho người dân biết từng mức phạt cụ thể theo NĐ71 để người dân “biết sợ” mà không vi phạm.
Trung tá Đặng Văn Mong, Tổ trưởng Tổ CSGT phối hợp xử lý tại Trạm CSGT Suối Tre cho biết, từ đầu ca (13 giờ) đến khi chúng tôi có mặt, CSGT chủ yếu xử phạt người đi xe máy vi phạm tốc độ. Còn các tài xế ô tô, trước khi đến đây, họ đã báo hiệu có chốt (CSGT) cho nhau nên ít xảy ra vi phạm. Trung tá Mong cho biết thêm, lực lượng xử lý cũng không cứng nhắc khi xử phạt người vi phạm. Chẳng hạn, đối với những đoạn đường hẹp hoặc mặt đường xuống cấp, CSGT không xử lý người đi xe lấn tuyến.
Hiện CSGT tỉnh chưa thống kê số lượng trường hợp vi phạm theo NĐ71 sau một tuần áp dụng, cũng như mức tiền tăng theo mức phạt mới. Riêng tại TP.Biên Hòa, lãnh đạo Đội CSGT cho biết, qua 4 ngày xử phạt theo NĐ71, số tiền thu phạt tăng khoảng 30%. Tuy nhiên, mục tiêu của việc tăng mức xử phạt nhằm cho người dân giảm vi phạm, qua đó kéo giảm tai nạn giao thông, giảm thiệt hại cho người dân và xã hội. |
Thượng tá Hải cũng cho biết, CSGT tỉnh đang in những tấm bảng lớn về các mức phạt của NĐ71 treo ở các đội, trạm CSGT, nơi xử lý vi phạm để mọi người tìm hiểu. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể cũng cần tăng cường tuyên truyền về NĐ71 cho mọi người biết để không vi phạm, hoặc không bất ngờ với mức phạt đã tăng.
Được biết, ngoài các phương tiện truyền thông, nội dung của NĐ71 hiện có trên nhiều trang mạng, người dân có thể tải về đọc. Tuy nhiên, thường chỉ khi xảy ra vi phạm, người trực tiếp bị xử phạt mới quan tâm đến những điều liên quan có trong nghị định. Thiết nghĩ, các lực lượng kiểm tra giao thông cần thống kê những hành vi vi phạm thường xảy ra, cũng như các hành vi gây nguy hiểm nhất trên đường (với mức phạt tăng cao) và có cách tuyên truyền phù hợp để người dân hiểu và chấp hành.
Thanh Toàn