Báo Đồng Nai điện tử
En

Hôn nhân đổ vỡ, con trẻ thiệt thòi

08:12, 25/12/2012

Lúc yêu, họ sẵn sàng vượt qua bao rào cản, khó khăn để đến với nhau. Khi thành vợ chồng, chỉ vì những “thói quen khó bỏ”, sự mâu thuẫn khó giải quyết, họ lại đưa nhau ra tòa ly dị mà quên đi những thiệt thòi của con trẻ.

Lúc yêu, họ sẵn sàng vượt qua bao rào cản, khó khăn để đến với nhau. Khi thành vợ chồng, chỉ vì những “thói quen khó bỏ”, sự mâu thuẫn khó giải quyết, họ lại đưa nhau ra tòa ly dị mà quên đi những thiệt thòi của con trẻ.

* Vợ là trụ cột gia đình

Vượt qua bao sóng gió, lời ra tiếng vào, chị T.L. (28 tuổi, ngụ ở TP.Biên Hòa) quyết định về sống chung một mái nhà với anh N.H. (34 tuổi). Quyết định ấy không được mọi người trong gia đình chị L. ưng thuận. Bởi lẽ, anh H. đã có một đời vợ, chưa kể anh đã nhiều lần ngồi tù vì tội trộm cắp. Nhưng cuối cùng, chị vẫn chấp nhận để anh có cơ hội làm lại cuộc đời. Kết hôn vào những ngày cuối năm 2009, phải gần một năm sau, vợ chồng mới đón đứa con trai đầu lòng. Dĩ nhiên, người có niềm vui khôn xiết, hạnh phúc nhất vẫn là anh H.

Thời gian đầu, anh chưa có công ăn việc làm, mọi chi tiêu đều dựa vào khoản tiền chắt bóp chuẩn bị sau sinh của chị L. Đã mấy lần anh H. cầm hồ sơ đi xin việc, nhưng không có nơi nào nhận. Thấy chồng bất mãn, chị L. động viên anh, vì không phải một sớm một chiều tìm được việc ngay. Lúc ấy, trong lòng chị lúc nào cũng nơm nớp lo sợ anh H. quay lại con đường cũ.

Hết thời kỳ nghỉ thai sản, chị gượng dậy đi làm để gia đình có thứ chi tiêu. Lương công nhân vốn eo hẹp lại gặp thời buổi khó khăn nên cuộc sống vợ chồng, con cái khá chật vật. Gánh nặng đổ lên đầu chị L., vì giờ đây chị là trụ cột của gia đình.

Rồi chị cũng nhận ra anh không muốn đi làm, mà chỉ thích bù khú, nhậu nhẹt với những người bạn hư hỏng. Mỗi lần như thế, chị L. ra sức khuyên can, giải thích nhưng anh không hề sửa lỗi. Lâu dần, chị mất hết niềm tin vào chồng, lẳng lặng làm việc như một chiếc máy. Tháng 2-2012, người chồng ấy một lần nữa nhúng chàm vì tật cũ. Nghe tin này, chị không mấy buồn phiền, vì trong thâm tâm chị luôn nghĩ sớm muộn gì chồng sẽ quay lại đường cũ nếu không chịu sửa đổi. “Ba lần anh H. vào tù trước đó, người vợ cũ của anh không chịu được cũng xách gói ra đi. Mình chấp nhận bỏ qua tất cả với mong muốn, anh sẽ hoàn lương và làm người chồng tốt. Vậy mà…! Dường như mọi cố gắng, hy sinh của mình không được đền đáp. Vừa xấu hổ, vừa tức giận nên mình buông xuôi” - chị L. nước mắt ngắn dài tâm sự.

* Đơn phương ly hôn

Sau lần tòa hòa giải, chị vẫn quyết định đưa đơn ly hôn với lý do mình đã tha thứ cho chồng quá nhiều, giới hạn chịu đựng đã hết, dù không ít người thầm trách chị vô tình, bạc bẽo. Nhưng ai đâu biết rằng, chừng ấy năm họ sống với nhau, chị thèm khát một tiếng nói yêu thương hoặc lời an ủi từ chồng. Khi có chuyện sai, anh đều tìm cách đổ trách nhiệm cho chị. Gần như khi nói đến câu thứ ba, bốn họ đã cãi nhau. Lâu dần, ai cũng thu mình tạo nên hố sâu khó lòng dung hòa.

Hội đồng xét xử (HĐXX) lý giải:

- Chị đã suy nghĩ kỹ chưa? Thời gian thụ án của chồng chị chỉ 5 năm. Nếu cải tạo tốt, anh ta có thể ra trước thời hạn. Vợ chồng sẽ làm lại từ đầu, con cái còn nhận được sự chăm sóc đầy đủ về mặt tình cảm của cha và mẹ.

- Bây giờ, con tôi gần 3 tuổi, có khi nào anh ấy quan tâm, chăm sóc đâu. Con bệnh, tôi phải nghỉ làm, tự đưa con đi khám, trong khi anh ấy vui chơi ở đâu chẳng biết. Tôi e rằng, rồi ngựa sẽ lại quen đường cũ. Người ta bảo “quá tam ba bận”, nhưng đây đã là lần thứ mấy rồi. Có phải tôi là người vô tình đâu. Thời gian chung sống với nhau có bao giờ tôi nói câu nào nặng nhẹ để anh buồn lòng, mặc cảm…!

Cúi mặt xuống, vội lau hàng nước mắt, chị ngẩng đầu buông lời nghẹn ngào:

- Hễ tôi khuyên can anh cố gắng tìm một công việc đàng hoàng, đừng đua đòi theo bạn xấu thì anh gạt phăng, cho rằng mình bị xỉ nhục, coi thường. Thử hỏi, làm sao tôi chịu được và làm cách gì nữa để chồng chịu sửa tật?

- Từ khi chồng bị giam, chị đã mấy lần vào thăm? Anh ta có đồng ý để chị ra đi?

 Đáp lại lời của HĐXX, chị cho biết:

- Dạ, hai lần. Lúc viết lá đơn này, tận đáy lòng tôi cũng chưa muốn dứt khoát hẳn, phần thương đứa con nhỏ, phần muốn gia đình là chỗ dựa tinh thần để sau này anh trở về mà quên đi mặc cảm. Nhưng anh nói không muốn tiếp tục làm khổ vợ con, mấy lần sau không chịu tiếp, khi tôi vào thăm, nên tôi cũng không muốn níu giữ.

Cuối cùng, tòa chấp nhận giải quyết ly hôn theo ý nguyện của chị L. vì xét thấy trong hoàn cảnh này, vợ chồng không ai muốn mang lại hạnh phúc cho ai. Chị đã làm hết trách nhiệm của người vợ, người mẹ nhưng lỗi lẫm tại người chồng quá vô tâm, sống ích kỷ cho bản thân mình.

Tiếng chuông báo hiệu kết thúc phiên tòa, mọi người đều đứng dậy ra về, riêng chị vẫn ngồi đó mắt hướng ra cửa sổ lặng lẽ nuốt trọn nỗi đau hậu ly hôn. Chiêm nghiệm lại mọi chuyện đã xảy ra, chị tâm sự đầy nuối tiếc. Bởi với chị, thật đau xót khi đặt nhầm niềm tin vào anh, khiến con cái phải sớm chịu cảnh thiệt thòi.

Võ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều