Để qua mặt các cơ quan chức năng, hàng chục đối tượng đã cấu kết với nhau, tạo nên một đường dây làm giả giấy tờ, con dấu của nhiều cơ quan tổ chức. Với hành vi này, 16 bị cáo đã bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt với mức án từ 8 tháng đến 3 năm tù giam.
Để qua mặt các cơ quan chức năng, hàng chục đối tượng đã cấu kết với nhau, tạo nên một đường dây làm giả giấy tờ, con dấu của nhiều cơ quan tổ chức. Với hành vi này, 16 bị cáo đã bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt với mức án từ 8 tháng đến 3 năm tù giam.
* Rủ nhau làm giấy tờ giả
Ngày 29-2-2012, tại địa bàn phường Long Bình (TP.Biên Hòa), khi Trịnh Ngọc Nam (25 tuổi, ngụ tại huyện Tân Phú) đang giao cho Đỗ Văn Thắng (37 tuổi, ngụ tại huyện Vĩnh Cửu) 150 giấy tờ giả các loại thì bị công an bắt quả tang. Nam khai nhận, từ đầu năm 2012 đến khi bị bắt, Nam đã 4 lần được Thắng thuê đến TP.Hồ Chí Minh gặp Hùng (không rõ lai lịch) lấy các loại giấy tờ giả do Thắng đặt làm. Bản thân Nam cũng đã môi giới làm giả 32 bằng cấp các loại cho những người có nhu cầu.
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Thắng đã thành khẩn khai nhận, vào đầu tháng 6-2011, Thắng đã làm quen được một người chuyên làm giả giấy tờ tên Thành (chưa rõ lai lịch, ngụ tại TP.Hồ Chí Minh). Từ đó, những mối làm ăn phi pháp giữa Thắng và Thành bắt đầu hình thành, rồi hàng loạt giấy tờ giả đủ các loại lần lượt ra đời. Trong thời gian ngắn, Thắng đã nhận làm giả 99 văn bằng tốt nghiệp các loại cho các đối tượng: Trịnh Ngọc Nam, Lê Thị Điệp (58 tuổi, ngụ tại TP.Biên Hòa), Ngô Hòa Trọng (31 tuổi, ngụ tại huyện Trảng Bom), Lê Xuân Quy (53 tuổi, ngụ tại huyện Cẩm Mỹ), Nguyễn Thị Dung (52 tuổi, ngụ tại TP.Biên Hòa) và Dũng, Hùng (chưa rõ lai lịch). Mở rộng đường dây làm ăn đến lúc bị bắt, Thắng đã cung cấp hàng trăm giấy tờ giả các loại và thu lợi bất chính đến gần 38 triệu đồng.
Nhận thấy việc làm giả giấy tờ thu lợi cao, nên sau khi thiết lập được mối “làm ăn”, Lê Thị Điệp đã mạnh dạn mua đi bán lại nhiều loại bằng tốt nghiệp, giấy phép lái xe (GPLX) với giá từ 80-250 ngàn đồng/giấy. Theo đó, Điệp đã cung cấp hàng loạt giấy tờ giả, như: bán cho Nguyễn Thị Kim Anh (29 tuổi, ngụ tại huyện Trảng Bom) 12 GPLX; bán cho Ngô Hoài Trọng 24 giấy tờ các loại; bán cho Phạm Văn Hùng (39 tuổi, ngụ tại TP.Biên Hòa) 59 giấy tờ các loại; bán cho Dung 50 GPLX các loại; bán cho Thắng 20 GPLX các loại và bán cho một người tên Lia (không rõ lai lịch) 170 GPLX... Tổng cộng, Điệp đã bán 400 GPLX và 63 văn bằng các loại. Ngoài ra, Điệp còn môi giới làm giả hàng trăm giấy tờ các loại cho nhiều đối tượng để thu lợi chênh lệch.
Với những hành vi trên, 3 bị cáo: Điệp, Thắng, Nam lần lượt bị xử phạt tù 3 năm, 2 năm 6 tháng và 2 năm.
* Lý do chỉ là sự ngụy biện
Trong đường dây làm giả giấy tờ của Đỗ Văn Thắng và Lê Thị Điệp còn có 13 bị cáo khác chịu án phạt tù. Cụ thể, bị cáo Phạm Văn Hùng chịu mức án 2 năm; Phạm Thanh Tùng (52 tuổi, ngụ tại huyện Vĩnh Cửu) với hành vi môi giới làm giả 56 GPLX và trực tiếp làm 10 giấy tờ giả các loại phải chịu mức án 2 năm tù giam. Các đối tượng: Trọng, Kim Anh, Dung, Quy, Ngô Văn Duân (44 tuổi, ngụ tại huyện Tân Phú), Cao Văn Sách (27 tuổi, ngụ tại huyện Trảng Bom), Nguyễn Ngọc Giàu (27 tuổi, quê ở tỉnh Bến Tre), Lê Minh Liệt (51 tuổi, ngụ tại huyện Trảng Bom), Dương Văn Hiếu (35 tuổi, ngụ tại TX.Long Khánh), Lê Thị Ngọc Thúy (22 tuổi, quê ở tỉnh Bến Tre), Nguyễn Minh Tuấn (50 tuổi, ngụ tại huyện Vĩnh Cửu) lãnh mức án từ 8 tháng đến 2 năm tù.
Các bị cáo ở nhiều độ tuổi khác nhau, có kẻ tóc đã bạc trắng, có kẻ mặt còn non nớt, nhưng khi đứng trước vành móng ngựa, mỗi người có một lý do riêng để bào chữa hành vi sai trái của bản thân. Bị cáo Thúy cho rằng, bản thân thiếu hiểu biết pháp luật nên phạm tội. Bị cáo Giàu lại nói: “Thấy nhiều người có nhu cầu chạy bằng cấp để xin làm công nhân nên bị cáo mới mạnh dạn làm giả cho họ”. Bị cáo Hùng thì nại lý do: “Anh em thợ xây suốt ngày đi làm bận rộn nên mua giấy tờ (GPLX) cho nhanh”…
Khi được hỏi nguyên nhân phạm tội, những giọt nước mắt của bị cáo Điệp lại chảy trào ra. Lý do của bị cáo Điệp là bởi: “Già rồi, lao động chân tay thì sức khỏe đã yếu, nguồn thu từ việc làm giả giấy tờ đủ trang trải cho bản thân và lo cho người chồng nằm liệt giường đã hơn chục năm nay…”. Tuy vậy, bản lý lịch “đen” đã 3 lần đứng trước vành móng ngựa với tổng hình phạt lên đến 8 năm tù giam về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan chức năng vào các năm 2003, 2004 đã khiến cho bị cáo Điệp không còn nhận được sự khoan hồng của pháp luật và sự thông cảm của người tham dự phiên tòa.
Chuyến xe bít bùng mang 16 phạm nhân đi khỏi trụ sở tòa án, để lại ánh nhìn dáo dác của người thân và tiếng khóc than của con trẻ.
Tố Tâm