Cảng vụ đường thủy nội địa Đồng Nai (gọi tắt Cảng vụ Đồng Nai, trực thuộc Sở Giao thông - vận tải) thành lập đã hơn 2 năm, có chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy thuộc quyền quản lý của tỉnh.
Cảng vụ đường thủy nội địa Đồng Nai (gọi tắt Cảng vụ Đồng Nai, trực thuộc Sở Giao thông - vận tải) thành lập đã hơn 2 năm, có chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy thuộc quyền quản lý của tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, cán bộ Cảng vụ Đồng Nai thường chạy trên bờ để thực hiện nhiệm vụ và đã có những trở ngại xảy ra.
Cán bộ Cảng vụ Đồng Nai kiểm tra an toàn bến và vùng nước cập bờ tại một bến thủy nội địa ở huyện Nhơn Trạch. |
Cảng vụ Đồng Nai hiện quản lý 43 bến, cảng, trong đó chỉ có 3 bến còn phép hoạt động. Nhưng trên thực tế, vẫn còn hàng chục bến tiếp tục hoạt động trong lúc chờ được cấp phép mới. Để kiểm tra điều kiện an toàn tại các bến, cảng và vùng nước khai thác, cán bộ Cảng vụ Đồng Nai phải di chuyển bằng phương tiện đường bộ, vì chưa được trang bị phương tiện thủy.
Anh Phạm Xuân Thủy, Trưởng đại diện Cảng vụ Đồng Nai khu vực Long Thành - Nhơn Trạch, cho biết trụ sở cảng vụ là một nhà thuê ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa), văn phòng đại diện nằm ở huyện Nhơn Trạch, nhưng đơn vị phải quản thu khắp các bến, cảng từ TP.Biên Hòa đến 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Do vậy, lực lượng thuộc đơn vị phải chạy cả trăm cây số mỗi ngày bằng xe máy đến các điểm thu phí phương tiện vào ra bến (phí sử dụng vùng nước cảng vụ quản lý theo quy định) để nộp ngân sách.
Cán bộ Cảng vụ Đồng Nai còn có nhiệm vụ bảo đảm an toàn hoạt động tại các bến, cảng và vùng nước khai thác tại các nơi đó. Điều chưa hợp lý là Cảng vụ Đồng Nai hoạt động quản lý vùng nước, nhưng đơn vị chưa được trang bị phương tiện thủy, khiến nhiều chuyện trở ngại cho công tác đã xảy ra. Như việc quản lý, thu phí phương tiện ra vào bến, cảng không thực hiện được khi đơn vị trên bờ thiếu hợp tác.
Cụ thể, tại một bến cát lớn ở phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa), người quản lý bến cát báo phương tiện thủy không còn cập bến, chỉ còn xe cộ hoạt động, nhưng thực tế vẫn còn phương tiện thủy cập bến này vào ban đêm, các ngày nghỉ lễ, cuối tuần. Dù biết được vụ việc, nhưng Cảng vụ Đồng Nai chưa có cách tiếp cận phía đường thủy để kiểm tra và xử lý, vì chưa có phương tiện thủy.
Cảng vụ Đồng Nai quản lý hoạt động trên 9 tuyến sông, gồm: sông Cái, sông Buông, sông Sâu, Bến Gỗ, Đồng Môn, La Ngà, Đồng Nai (thượng nguồn), Gò Gia, Thị Vải. Các tuyến sông này sẽ có nhiều bến được thành lập, phương tiện thủy sẽ hoạt động khi kinh tế Đồng Nai ngày càng phát triển. Do đó, Cảng vụ Đồng Nai cần được phát huy hoạt động, được đầu tư phù hợp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. |
Một bất cập khác là việc quy hoạch, cấp phép các bến hiện có chưa được thực hiện dứt khoát. Nhiều bến được cảng vụ nhắc nhở về việc đầu tư trang bị an toàn, như: kè lại bờ, lắp thêm hệ thống chiếu sáng…, nhưng các chủ bến chưa thể thực hiện, vì chưa biết được bến mình có nằm ngoài quy hoạch hay không, có được tiếp tục cấp phép hoạt động hay không, nên họ không đầu tư.
Chị Lê Thị Thúy Loan, Giám đốc Công ty Bảo Minh Thịnh (xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch), cho biết công ty chị có bến thủy Cây Dừa hoạt động ổn định đã 10 năm nay. Công ty rất muốn đầu tư hoàn chỉnh để bảo đảm hoạt động đúng quy định, bảo đảm an toàn nhưng chưa thực hiện được, vì việc cấp phép, quy hoạch bến này chưa được cấp trên trả lời dứt khoát. Theo chị, nếu bến hoạt động thuận lợi thì phương tiện 1 ngàn tấn có thể cập bờ, rất thuận lợi cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng, nguyên liệu (than đá)… cung cấp cho khu vực Nhơn Trạch.
Ông Dương Việt Hồng, phụ trách Cảng vụ Đồng Nai, cho biết đơn vị đã kiến nghị Sở Giao thông - vận tải xem xét vấn đề này. Nếu việc quy hoạch, cấp phép được thực hiện dứt khoát sẽ thuận lợi cho việc quản lý, xử lý của đơn vị.
Thanh Toàn