Có hiệu lực thi hành từ năm 2013, nhưng theo các chuyên gia thì Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn còn nhiều hạn chế, không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính...
Có hiệu lực thi hành từ năm 2013, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thì Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn còn nhiều hạn chế, không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong lĩnh vực phạt giao thông không cần lập biên bản mà xử phạt tại chỗ với mức phạt tiền 250 ngàn đồng đối với cá nhân, 500 ngàn đồng đối với tổ chức. |
Hậu quả của sự bất cập là nhiều địa phương cấp xã, phường lúng túng trong việc thực hiện, dẫn đến ra các văn bản, quyết định về xử lý vi phạm hành chính kiểu “trời ơi”, nhiều sai sót.
Chỗ thừa, chỗ thiếu
Các khoản 3 và 5, Điều 90 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về điều kiện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi mà có 2 lần trở lên trong 6 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; hay người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức, tài sản sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân… chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, việc áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương được quy định tại một số nghị định, như: Nghị định 111/2013/NĐ-CP (sửa đổi lại là Nghị định 56/2016/NĐ-CP), Nghị định 81/2013/NĐ-CP, Thông tư 48/2014 của Bộ Công an... Điều đáng nói, mỗi nghị định, thông tư lúc thì quy định vi phạm 2 lần trở lên, lúc lại quy định nếu đến lần thứ 3, hoặc tiếp tục vi phạm từ lần thứ 3 trở đi thì mới ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương cấp xã.
Nếu theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, một hành vi vi phạm vừa bị xử phạt hành chính, vừa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì sẽ vi phạm nguyên tắc một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần được quy định tại Khoản 1, Điều 3 của luật. Còn nếu hiểu từ lần thứ 3 trở đi mới lập hồ sơ theo Nghị định 111/2013 hay Thông tư 48/2014 của Bộ Công an lại càng không hợp lý, bởi lần vi phạm thứ 3 là sau thời gian bao lâu, 6 tháng hay trên 1 năm. Rõ ràng, quy định tại các văn bản chưa có sự thống nhất, gây lúng túng trong việc thi hành luật.
Về tạm giữ tang vật, Khoản 3, Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, thời gian tạm giữ tang vật để xác định giá trị không quá 24 giờ, nếu cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không được quá 24 giờ (tổng cộng 48 giờ tối đa). Trên thực tế, quy định thời gian như vậy là quá ngắn do phải thành lập hội đồng định giá, nhất là những vụ vi phạm mà tang vật là hàng hóa nhập lậu, như: mỹ phẩm, rượu, thuốc lá…, nên rất khó khăn để tiến hành định giá trong vòng 48 giờ.
Liên quan đến vấn đề này, một cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh cho biết, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có sự đa dạng về mẫu mã, linh động về giá cả và phong phú về chủng loại; việc quản lý, kiểm tra, xử phạt ở lĩnh vực này thuộc về 5-6 cơ quan chức năng. Tuy nhiên, lực lượng đông nhưng lại không mạnh do hoạt động rời rạc, thiếu sự đồng bộ, lại chồng chéo nhau dẫn đến việc kiểm tra, xử lý không hiệu quả. Đó là chưa kể có người trong đoàn kiểm tra tiếp tay nên mỗi lần ra quân là “bị lộ”… Hàng giả, hàng nhái vì thế vẫn cứ tồn tại, hoạt động tinh vi hơn.
Vẫn lúng túng trong cai nghiện ma túy bắt buộc
Bên cạnh những vướng mắc, Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn có nhiều đổi mới tích cực. Trong đó, luật quy định thủ tục xử phạt theo hướng đơn giản, thuận lợi cho người dân, như: không cần lập biên bản đối với trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250 ngàn đồng đối với cá nhân, 500 ngàn đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. |
Dù có nhiều điểm tiến bộ nhưng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính trong việc đưa người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện bắt buộc vẫn khó thực hiện. Ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, cho biết việc quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện trước kia thuộc quyền của chủ tịch UBND cấp huyện, bây giờ phải có phán quyết của tòa án nhân dân cấp huyện.
Về trình tự, thủ tục cũng phải theo đầy đủ các bước dẫn tới khó khăn trong triển khai. Ví dụ, công an cấp xã bắt được người sử dụng ma túy thì trình chủ tịch UBND cấp xã, sau đó lập hồ sơ. Trong quá trình đó còn phải xác định xem có đúng người đó nghiện ma túy hay mới chỉ lạm dụng, mới sử dụng. Chưa kể việc xác định người đó nghiện ma túy hay không lại không hề đơn giản.
Tại hội nghị tập huấn việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và triển khai quyết định của UBND tỉnh về ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn Đồng Nai, đại diện nhiều đơn vị, sở, ngành cho rằng, rất khó trong việc quản lý đối với những trường hợp người nghiện không có nơi cư trú ổn định, đối tượng lang thang.
Đại diện Sở Tư pháp cho rằng, đối với những người nghiện không có nơi cư trú ổn định (sống lang thang), sau khi xác định được tình trạng nghiện sẽ lập hồ sơ chuyển đến tòa án nhân dân cấp huyện ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc. Nhưng trong thời gian lập hồ sơ (21 ngày) đưa các đối tượng lang thang đi cai nghiện bắt buộc, trên địa bàn tỉnh chưa có nơi quản lý tập trung những đối tượng này.
“Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, để đưa người nghiện vào cai nghiện bắt buộc, trước hết phải giáo dục họ tại xã, phường. Thế nhưng, việc giáo dục ở địa phương bao gồm cả ở cộng đồng và gia đình hiện nay được đánh giá là chưa hiệu quả. Đơn giản nhất là ngay giai đoạn đầu, dù người nghiện có nơi cư trú ổn định hay là đối tượng lang thang thì để xác định được tình trạng nghiện cũng mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, một loạt vấn đề đang rất vướng từ trình tự, thủ tục, cơ sở pháp lý, vật chất…” - ông Hòa nói thêm.
Thanh Hải