Gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ án do mâu thuẫn nợ nần tiền bạc. Các đối tượng đi đòi nợ ngang nhiên tấn công, khống chế, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản của con nợ, gây mất an ninh trật tự tại một số địa phương.
Gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ án do mâu thuẫn nợ nần tiền bạc. Các đối tượng đi đòi nợ ngang nhiên tấn công, khống chế, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản của con nợ, gây mất an ninh trật tự tại một số địa phương.
Ông N.P.H. (ngụ xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) bị người lạ chém trọng thương ở vùng bụng phải nhập viện cấp cứu. |
Gần đây nhất vào ngày 22-6, ông T.V.D. (48 tuổi, ngụ xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) bị một nhóm 4 thanh niên “bắt cóc” lên xe ô tô chở đi để ép người nhà phải trả số nợ 300 triệu đồng.
* Tấn công, khống chế để đòi nợ
Năm 2009, ông D. có vay 300 triệu đồng của ông N.V.L. (ngụ xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch). Sau một thời gian trả lãi, ông D. không còn khả năng trả nợ nên ông L. cho người đến đòi nợ thay. Sau khoảng 1 ngày đưa ông D. đi nhiều nơi trên xe ô tô, nhóm người lạ mặt thả ông D. ở khu vực huyện Trảng Bom.
Không chỉ khủng bố con nợ bằng việc bắt cóc, nhiều đối tượng đi đòi nợ còn manh động tấn công, gây thương tích cho con nợ. Như trường hợp của vợ chồng ông N.P.H. (ngụ ấp Long Khánh 3, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) bị một số đối tượng vác dao đến nhà tấn công để đòi số tiền hơn 300 triệu đồng vào tối 28-5.
Các nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ông H. bị thương tích nặng ở vùng bụng. Riêng vợ của ông H. bị đa chấn thương với vết thương ngực trái dài 10cm, sâu thấu phổi. Sau ngày bị chém nhập viện, tiệm làm tóc của vợ ông H. ở xã Tam Phước cũng bị các đối tượng lạ mặt ném “bom xăng” làm cháy một số đồ dùng trong tiệm.
Không chỉ ngang nhiên đánh đập con nợ, có chủ nợ thậm chí khống chế con nợ để lấy tài sản (có giá trị cao hơn số nợ). Cụ thể vào ngày 4-5, chị N.T.T.V. (ngụ KP.2, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bị 2 đối tượng chặn xe đánh đập ở đoạn đường thuộc KP.1, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) và lấy chiếc xe máy của chị V. trị giá khoảng 18 triệu đồng rồi bỏ đi.
Sau đó, Công an phường Tân Hiệp bắt được 2 đối tượng Nguyễn Thanh Sơn (37 tuổi, ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa) và Lưu Văn Sơn (23 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp). Các đối tượng khai cách đây khoảng 5 năm, chị V. có nợ của Nguyễn Thanh Sơn số tiền 2 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay chị V. tìm cách né tránh và không trả. Đến thời điểm trên, tình cờ gặp lại chị V. nhóm của Sơn đã khống chế để “đòi nợ”.
* Vi phạm pháp luật
Theo thống kê của của Công an TP.Biên Hòa, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn xảy ra 6 vụ đòi nợ theo kiểu “giang hồ”, trong số này công an đang củng cố hồ sơ, khởi tố vụ cố ý gây thương tích cho vợ chồng ông N.P.H. (ngụ ấp Long Khánh 3, xã Tam Phước). |
Trung tá Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa cho biết từ các vụ đòi nợ theo kiểu “giang hồ” xảy ra trong thời gian qua cho thấy mức độ, tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp. Từ chỗ chỉ “khủng bố” tinh thần như: nhắn tin đe dọa, ném mắm tôm, bom xăng vào nhà, các đối tượng còn mang hung khí trực tiếp đến nhà con nợ để đe dọa, thậm chí sẵn sàng tấn công nếu con nợ không có tiền trả.
Theo Trung tá Lê Hồng Hải, để lấy lại tài sản của mình các chủ nợ thường thuê các công ty đòi nợ thuê. Tuy nhiên, để đạt được kết quả (lấy được nợ) các công ty đòi nợ thuê thường sử dụng các đối tượng “đầu gấu” để uy hiếp, khủng bố con nợ. Tình trạng này sẽ gây mất an ninh trật tự nếu không được can thiệp kịp thời, xử lý nghiêm theo pháp luật.
Về vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho biết theo quy định của pháp luật chủ nợ được quyền ủy quyền cho người khác đòi nợ thay. Nếu chủ nợ và người được ủy quyền dùng các biện pháp mà pháp luật không cho phép để đòi nợ thì rõ ràng đã vi phạm pháp luật. Tùy theo hậu quả của hành vi gây ra có thể xem xét các hành vi như: cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản...
Luật sư Ngô Văn Định cho biết thêm, trong trường hợp vay mượn không giải quyết được thì các bên có thể khởi kiện ra tòa. Thế nhưng do nhiều người không muốn giải quyết thông qua con đường này nên mới thuê người đòi nợ. Có khả năng việc vay mượn thông qua tín dụng “đen”, vay nặng lãi nên khi vụ việc vỡ lỡ nhiều chủ nợ không muốn giải quyết theo pháp luật mà sử dụng “giang hồ” để đòi nợ. Thực trạng này cần phải có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng liên quan để điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm mới có tính răn đe, giáo dục.
Trần Danh