Dự thảo Luật An ninh mạng ngay khi vừa mới đưa ra lấy ý kiến đóng góp đã khiến cư dân mạng rất quan tâm, bởi internet và nhất là mạng xã hội đã trở thành "một phần tất yếu của cuộc sống". Ngày 12-6, tại kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XIV các đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua dự án Luật An ninh mạng với tỷ lệ tán thành 86,86%.
Dự thảo Luật An ninh mạng ngay khi vừa mới đưa ra lấy ý kiến đóng góp đã khiến cư dân mạng rất quan tâm, bởi internet và nhất là mạng xã hội đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”. Ngày 12-6, tại kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XIV các đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua dự án Luật An ninh mạng với tỷ lệ tán thành 86,86%.
Quốc hội ấn nút thông qua Luật An ninh mạng. |
Luật An ninh mạng ra đời nhằm bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức lẫn cá nhân sử dụng internet, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.
Về cơ bản, có thể phân loại các hành vi cấm trong luật thành các nhóm như: nhóm hành vi sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm hại tới các quan hệ kinh tế, danh dự, nhân phẩm của công dân; nhóm hành vi chống phá Nhà nước, phá hoại đoàn kết dân tộc, gây mất uy tín của các cơ quan tổ chức; nhóm hành vi về tấn công mạng, khủng bố, gián điệp, tội phạm mạng; nhóm hành vi về chống lại hoạt động bảo vệ an ninh mạng. Luật không có bất cứ quy định nào cấm đoán hay cản trở công dân hoạt động trên không gian mạng nói chung hay mạng xã hội nói riêng. Tuy nhiên, những phần tử chống phá chế độ, gây rối đất nước đã bóp méo một số điều trong luật, “lập lờ đánh lận” một số khái niệm để cho rằng Luật An ninh mạng là “hạn chế tự do”, “vi phạm nhân quyền”, thậm chí là “đi ngược lại các giá trị tiến bộ”.
* Núp bóng chiêu bài “tự do”
Những kẻ chống phá lập lờ cho rằng Luật An ninh mạng chỉ nên là luật bảo vệ an ninh ở trên mạng, chống sự xâm nhập của các hacker thực hiện hành vi tội phạm - tức chỉ đơn thuần là về mặt công nghệ, kỹ thuật, còn các điều khoản trong Luật An ninh mạng hiện nay là nhằm kiểm soát người dân, không cho người dân được bày tỏ ý kiến trái chiều với ý kiến chính thống của chính quyền. Nhóm này cũng sử dụng chiêu bài “tự do” để kích động mọi người, cho rằng mạng là một dạng báo chí, mà báo chí cần tự do thì internet cũng phải cần tự do, từ đó dẫn dắt theo kiểu “tam đoạn luận” rằng Luật An ninh mạng hạn chế quyền tự do của công dân, thậm chí dẫn dắt xa hơn, phi lý hơn rằng “sự phát triển đất nước và an ninh quốc gia bị tác hại, bởi vì người ta sẽ không còn cái quyền nói sự thật, và khi nhà cầm quyền không nghe sự thật thì sẽ không biết cách để mà quản lý đất nước và điều hành xã hội”.
Buồn cười nhất là lập luận của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) - một tổ chức phi chính phủ tự cho mình có quyền đánh giá, giám sát, điều tra về những vấn đề bị coi là vi phạm nhân quyền của các nước. HRW cho rằng: “Dự thảo Luật An ninh mạng của Việt Nam có vẻ đặt mục đích bảo vệ quyền lực độc tôn của Đảng ngang với bảo đảm an ninh mạng. Luật này đặt tự do ngôn luận và tự do tiếp cận thông tin vào tầm kiểm soát trực tiếp của chính quyền, và cung cấp cho chính quyền thêm một vũ khí nữa để đối phó với những tiếng nói bất đồng”.
Trước hết, cần khẳng định rằng tự do ngôn luận khác với chống phá chế độ, gây rối xã hội. Không đất nước nào trên thế giới cho phép một thế lực, tổ chức, cá nhân sử dụng mạng để gây nguy hại đến an ninh quốc gia hay chia rẽ dân tộc. Giữa năm 2017, Quốc hội Liên bang Đức đã thông qua luật về quản lý mạng xã hội (NetzDG), có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Đây là công cụ pháp lý nhằm quản lý các hoạt động của mạng xã hội, đảm bảo môi trường lành mạnh nhất có thể cho người dùng, hạn chế tội phạm, đặc biệt là hoạt động của các tổ chức cực đoan, nhóm khủng bố. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như: Facebook, YouTube, Twitter dù muốn hay không thì vẫn buộc phải tuân thủ các quy định mới của NetzDG, đầu tư các công cụ mạnh để lọc những nội dung vi phạm cũng như cho phép người dùng khiếu nại đồng thời tiến hành xử lý các phản hồi trong vòng 24 giờ.
Ở Thái Lan, theo quy định của Luật Tội phạm máy tính vừa được sửa đổi, những người lợi dụng mạng xã hội hoặc truyền thông để làm tổn hại hoặc đe dọa an ninh quốc gia có thể bị phạt tù đến 10 năm; người bị kết tội phỉ báng hay đăng thông tin làm tổn hại, đe dọa an ninh quốc gia có thể ngồi tù đến 10 năm cùng mức phạt tiền cao nhất là 200 ngàn bath (gần 140 triệu đồng). Cơ quan chính phủ cũng được quyền đóng website bị cho là đăng thông tin nhạy cảm. “Người dân có thể phê phán, chỉ trích Chính phủ nhưng phải trong khuôn khổ luật pháp. Không thể đẩy tất cả mọi thứ lên trên đó bất luận chúng có ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức nào hay không, kể cả Chính phủ. Như thế xã hội làm sao ổn định được? Nhiều nước siết chặt quản lý truyền thông và mạng xã hội, chúng tôi cũng làm tương tự” - ông Sansern Kaewkamnerd, phát ngôn Văn phòng Chính phủ Thái Lan, nhấn mạnh.
Mới đây, Mỹ tuyên bố sẽ buộc người xin thị thực vào nước này phải khai báo thêm lịch sử hoạt động mạng xã hội trong 5 năm nhằm siết chặt hơn nữa việc quản lý mạng xã hội đối với những người vào nước Mỹ để đảm bảo an ninh quốc gia, vì thời gian qua một số thông tin về tổ chức khủng bố đã được phát hiện qua mạng xã hội.
* Phù hợp thông lệ của quốc tế
Hầu hết các nước hiện nay đều tăng cường kiểm soát, quản lý mạng sau hàng loạt những hệ lụy nảy sinh từ mạng xã hội, trong bối cảnh đó Luật An ninh mạng của Việt Nam là phù hợp với tình hình thực tiễn và quy định của quốc tế.
Một số người dùng internet, nhất là giới trẻ, tỏ ra hoang mang trước thông tin cho rằng khi Luật An ninh mạng thông qua thì các dịch vụ, mạng xã hội phổ biến trên internet như Facebook, Google sẽ bị chặn, không được sử dụng tại Việt Nam nữa. Đây là lập luận vô căn cứ. Facebook, Google về thực chất cũng là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên internet. Theo thống kê đầu năm 2018, chỉ riêng Google và Facebook đã chiếm tới 80% doanh thu từ thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam nhưng không hề đóng một đồng tiền thuế, điều này gây bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp kinh doanh cùng lĩnh vực ở trong nước. Luật An ninh mạng quy định Google và Facebook cũng như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên internet khác phải đặt văn phòng đại diện và đặt máy chủ tại Việt Nam là yêu cầu thiết thực, không chỉ nhằm yêu cầu các doanh nghiệp này phải thực hiện nghĩa vụ thuế tại nơi hoạt động, tạo bình đẳng trong kinh doanh mà còn phải có trách nhiệm cụ thể đối với các hành vi vi phạm trên không gian mạng nếu có. Nếu các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ internet tuân thủ đầy đủ các quy định như doanh nghiệp trong nước thì hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ bình thường. Nhiều nước đã thực hiện điều này, điển hình như Cộng đồng châu Âu EU yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia như: Microsoft, Apple, Google, Facebook phải kê khai lợi nhuận, truy thu thuế và áp các gói thuế đặc thù theo quy định của EU.
Điều 26 của Luật An ninh mạng quy định doanh nghiệp nước ngoài phải xác thực thông tin của người dùng đăng ký tài khoản, có ý kiến cho rằng sẽ làm mất đi tính tự do, ẩn danh vốn có của “thế giới ảo” như internet. Tuy nhiên, đây là yêu cầu cần thiết. Không chỉ Luật An ninh mạng ở Việt Nam mà hầu như các quốc gia, vùng lãnh thổ đều yêu cầu người sử dụng mạng phải cung cấp thông tin về nhân thân. Ở nhiều nước như: Mỹ, Nhật Bản, Đức… kiểm soát rất chặt chẽ việc khai báo sử dụng mạng. Ngoài ra, từ năm 2015 Facebook đã có quy định yêu cầu người dùng dịch vụ trên toàn thế giới, kể cả ở Việt Nam phải sử dụng tên thật khi đăng ký và sử dụng mạng xã hội này. Google cũng yêu cầu người sử dụng phải đăng ký tài khoản bằng một số điện thoại di động - một cơ sở để xác thực danh tính người dùng. Tất cả điều này nhằm tạo môi trường lành mạnh cho người dùng internet, tránh tình trạng vì “ảo” mà có thể xảy ra lừa đảo, tung tin sai sự thật, thậm chí sử dụng mạng làm công cụ phạm tội.
Các quốc gia phát triển trên thế giới đều có quy định về trách nhiệm chia sẻ thông tin trên internet. Theo đó, người chia sẻ thông tin phải chịu trách nhiệm về các nội dung do mình đưa lên mạng. Facebook cũng có quy định cấm phát tán thông tin sai sự thật, hình ảnh nhạy cảm, tin tức giả, xuyên tạc sự thật, thông tin kích động bạo lực, gây chia rẽ sắc tộc, tôn giáo... Nếu vi phạm, người dùng sẽ bị tạm khóa tài khoản hoặc ở mức cao hơn là bị xóa tài khoản vĩnh viễn.
Thực tế cho thấy, người dùng Facebook ở Việt Nam đang quá “vô tư” đối với các thông tin được chia sẻ và phát tán trên mạng xã hội. “Vớ” được thông tin có thể khiến cộng đồng quan tâm là nhiều facebooker lập tức “share” với tốc độ chóng mặt mà không hề kiểm chứng tính xác thực. Điều này đã khiến các thông tin lừa đảo, sai sự thật, tin giả như: thông tin về vụ bắt cóc trẻ em, vỡ đập Sông Tranh 2, máy bay rơi tại sân bay Nội Bài, 2 cô gái trẻ “bạo hành tình dục” tài xế taxi… phát tán nhanh chóng trong thời gian qua, gây ra những hệ lụy khó lường, như trường hợp 2 phụ nữ bị dân thôn Thái Phù (huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) hành hung đến nhập viện vì nghi oan là bắt cóc trẻ con. Theo số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Tập đoàn công nghệ Bkav, có 63% người dùng thường xuyên đọc tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% đọc tin giả hằng ngày. |
Hà Lam