Báo Đồng Nai điện tử
En

Vững vàng trên đỉnh núi Chứa Chan

08:08, 06/08/2018

Suốt 25 năm qua dù nắng hay mưa, dù ngày lễ hay ngày tết, Đại úy Hoàng An Lạc (50 tuổi, Trưởng đài Trung gian chuyển tiếp, Đại đội Thông tin, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) vẫn có mặt trên đỉnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) là nơi đóng quân của đài để đảm bảo các bức điện được truyền đến nơi an toàn, thông suốt.

Suốt 25 năm qua dù nắng hay mưa, dù ngày lễ hay ngày tết, Đại úy Hoàng An Lạc (50 tuổi, Trưởng đài Trung gian chuyển tiếp, Đại đội Thông tin, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) vẫn có mặt trên đỉnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) là nơi đóng quân của đài để đảm bảo các bức điện được truyền đến nơi an toàn, thông suốt.

Đại úy Hoàng An Lạc vượt 3km đường đá núi lên đỉnh núi Chứa Chan để làm việc.
Đại úy Hoàng An Lạc vượt 3km đường đá núi lên đỉnh núi Chứa Chan để làm việc.

Từ chân núi Chứa Chan, để lên được nơi đóng quân Đại úy Lạc phải vượt bộ 3km đường đá núi. Đối với Đại úy Lạc, đường đi được hình thành từ trí nhớ chứ không phải đường mòn hay lối bậc thang sẵn có. Sống trên núi nhiều hơn ở nhà nên ông còn được bạn bè, đồng đội đặt cho cái tên là Lạc “núi”.

* Nhiều khó khăn, thử thách

Mỗi tuần 2 lần, Đại úy Lạc lại cử chiến sĩ xuống núi đi chợ, hôm sau mới cõng thực phẩm lên núi phục vụ sinh hoạt cho cả đài. Ông cho biết điều kiện đóng quân tại đỉnh núi là vô cùng khó khăn, mùa khô thì thiếu nước, nắng rát; mùa mưa lại dông, sét liên tục.

Đại tá Vũ Văn Điền, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết Đại úy Hoàng An Lạc là 1 trong 140 cá nhân, tập thể vừa được tôn vinh trong Đại hội Thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang tỉnh. Ngoài việc nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ còn trở thành “đầu tàu” gương mẫu, giúp cán bộ, chiến sĩ của Đài Trung gian chuyển tiếp vượt mọi khó khăn, yên tâm công tác.

“Đơn vị đóng tại điểm cao nhất trên núi, nơi nguy hiểm nhất mỗi khi sét đánh. Nếu không biết cách phòng ngừa dông, sét không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người lính mà còn ảnh hưởng đến thiết bị, có thể gây ngắt đường truyền liên lạc bất cứ lúc nào” - Đại úy Lạc cho biết.

Do đóng quân ở địa hình khó khăn và cuộc sống thiếu thốn nên Đại úy Lạc thường động viên tinh thần anh em cán bộ, chiến sĩ ở đây luôn vững vàng, phải cố gắng khắc phục khó khăn để đảm bảo thông tin thông suốt, giúp các đơn vị quân đội xử lý kịp thời nhiều tình huống xảy ra.

Đại úy Lạc chia sẻ: “Những lúc thời tiết khó khăn, lúc mọi người vui vẻ ngày lễ, tết lại là lúc tôi phải ở trên đài, sát cánh cùng anh em. Vì khi đó, nếu có sự cố bất ngờ, tôi sẽ cùng gồng gánh, chung sức giải quyết cùng anh em, hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

* Lòng quyết tâm còn cao hơn núi

Nhớ lại ngày mới về đài, khi đó nơi làm việc chỉ là ván gỗ, đêm phải dùng đèn dầu. Đại úy Lạc đã chủ động đề xuất xin vận động nhân dân dưới chân núi cùng với cán bộ, chiến sĩ tranh thủ mùa khô để vận chuyển vật liệu dưới chân núi lên xây nhà kiên cố cho đài. Nhờ vậy mà chỉ vài tháng sau khi về đài, ông đã chung sức với mọi người tạo dựng được cơ sở vật chất vững chãi, giúp các lớp chiến sĩ sau này có nơi công tác, sinh hoạt an toàn, vững vàng trước thời tiết.

Đại úy Lạc luôn tâm niệm sống và chiến đấu ngay trong rừng, trên núi thì điểm tựa của người chiến sĩ chính là rừng, núi, vì vậy nhiều năm qua ông coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình và cố gắng chăm sóc từng gốc cây, tấc đất. Ông chỉ huy anh em trồng cây gây rừng, phủ xanh những mảng đồi trọc xung quanh đài; đồng thời kết hợp với Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc - TX.Long Khánh tuần tra canh gác, phòng chống cháy rừng.

“Hồi đầu năm 2016, khi phát hiện có đám cháy, tôi liền báo cho cấp trên và nhận được lệnh hỗ trợ dập lửa, vừa đảm bảo an toàn cho đài, vừa ngăn đám cháy phát tán nhanh. Khi đó, ở đài chỉ có vài người, tôi phải vừa phân công bảo vệ thiết bị vừa cùng đi dập lửa. Vụ cháy kéo dài âm ỉ suốt mấy ngày mới dứt, nhưng may mắn là Đài không bị ảnh hưởng gì” - Đại úy Lạc kể lại.

Bên cạnh đó, Đại úy Lạc cùng cán bộ, chiến sĩ luôn giúp đỡ người dân khu vực quanh chân núi. Lúc lên núi gặp người đau chân hay bị thương thì ông tìm người giúp đỡ; nhiều người đi làm rẫy hoặc lượm củi ghé ngang đài cũng được cán bộ, chiến sĩ tiếp nước, cho nghỉ chân qua cơn mưa to, gió lớn.

Đài Trung gian chuyển tiếp là một bộ phận quan trọng trong hệ thống thông tin liên lạc của lực lượng vũ trang tỉnh. Gần 30 năm qua, đài đã thu, phát trên 100 ngàn bức điện đảm bảo đến nơi an toàn, bí mật, giúp các cấp lãnh đạo xử lý tốt nhiều tình huống. Để hoàn thành nhiệm vụ này phải kể đến sự đóng góp âm thầm, sự quyết tâm của những cán bộ, chiến sĩ của đài, trong đó có Đại úy Hoàng An Lạc.

Minh Thành

Tin xem nhiều