Nhận thức tầm quan trọng của công tác phòng, chống bạo lực học đường, mới đây, Công an phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) đã phối hợp với Trường THCS Tân Bửu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến các vấn đề phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh toàn trường.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác phòng, chống bạo lực học đường, mới đây, Công an phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) đã phối hợp với Trường THCS Tân Bửu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến các vấn đề phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh toàn trường.
Cán bộ Công an phường Bửu Long tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh Trường THCS Tân Bửu (TP.Biên Hòa). Ảnh: Văn Nhuệ |
Theo Công an phường Bửu Long, bạo lực học đường là hiện tượng diễn ra phổ biến trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của học sinh. Thống kê của Công an tỉnh cho thấy, đối tượng vi phạm trong các vụ bạo lực học đường chủ yếu là học sinh trong các trường học, trong đó bậc THCS chiếm tỷ lệ vi phạm nhiều nhất. Do đó, Công an phường quyết định tổ chức một chuyên đề về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh Trường THCS Tân Bửu.
* Định hướng cách ứng xử trong môi trường học đường
Thượng úy Phan Hoàng Sử, Tổ trưởng Tổ Cảnh sát hình sự Công an phường Bửu Long cho biết, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng bạo lực học đường có xu hướng ngày càng phức tạp là nhiều gia đình cha mẹ bỏ nhau hoặc mải lo làm ăn nên ít có thời gian quan tâm, gần gũi, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử của con cái. Mặt khác, bạo lực từ trong chính gia đình cũng có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ và lối hành xử của các em.
“Các em đang tuổi ăn, tuổi học, nhân cách chưa hoàn thiện, tâm lý không ổn định nhưng gia đình lại cho sử dụng điện thoại thông minh quá sớm, truy cập internet không kiểm soát được nội dung cần xem và không cần xem; phim ảnh, trò chơi bạo lực cũng góp phần tạo nên những hành vi bạo lực của các em” - Thượng úy Phan Hoàng Sử nói.
Trong các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại Trường THCS Tân Bửu, cán bộ Công an phường Bửu Long đã phân tích rõ các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường. Thông qua một số vụ bạo lực học đường nổi cộm xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng trong thời gian qua hoặc qua những hành vi lệch chuẩn của một bộ phận thanh thiếu niên trên mạng xã hội, cán bộ Công an phường Bửu Long đã hướng dẫn, chỉ ra cho học sinh cách nhận biết các dấu hiệu, nguyên nhân và biện pháp phòng, chống bạo lực học đường; những kỹ năng khi tham gia mạng xã hội để tránh bị tác động, ảnh hưởng từ những hành vi bạo lực, kích động.
Theo em Mai Gia Bảo (học sinh lớp 9/3 Trường THCS Tân Bửu), qua hướng dẫn của Công an phường, bản thân em rút ra bài học trong quan hệ ứng xử cần tôn trọng nhau. Những mâu thuẫn, tranh cãi nên sử dụng lời nói, thương lượng, không sử dụng hành động khiêu khích, đánh nhau.
* Hiệu quả rõ rệt
Cô Trần Kim Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Bửu cho biết, trước đây tại trường cũng xảy ra một số vụ bạo lực học đường liên quan đến học sinh nhưng chỉ với mức độ nhẹ do mâu thuẫn bộc phát giữa các học sinh. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống bạo lực học đường, Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường trong các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm, hoạt động ngoài giờ.
Đầu năm học 2019-2020, Ban giám hiệu nhà trường đã thành lập tổ công tác quản sinh. Các giáo viên trong tổ này có nhiệm vụ nắm tình hình để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoặc trực tiếp xử lý, giải quyết khi bạo lực học đường xảy ra. Tiếp đến, giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách cũng phải có trách nhiệm phát hiện, ngăn ngừa bạo lực học đường trong học sinh. Để tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đã đạt được, Trường THCS Tân Bửu đã phối hợp với Công an phường Bửu Long tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường nhằm giúp học sinh trong trường tiếp cận được những kỹ năng, kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng tránh bạo lực học đường. Nhờ vậy, tình trạng bạo lực học đường trong trường từ đầu năm học mới đến nay đã được đẩy lùi.
Cũng theo cô Trần Kim Huệ, để làm tốt công tác phòng, chống bạo lực học đường cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc theo dõi, giám sát, giáo dục và quản lý các em tránh xa bạo lực học đường. Trong đó, vai trò của nhà trường rất quan trọng vì phần lớn thời gian trong ngày các học sinh học tập trên lớp hoặc nhà thầy cô. Do vậy, việc tổ chức chuyên đề tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến bạo lực học đường tại trường học có ý nghĩa rất quan trọng giúp các em học sinh hiểu về bạo lực học đường và tác hại của nó, định hướng cho các em kỹ năng, cách sống tốt nhằm phòng tránh bạo lực học đường.
Theo thống kê của Công an tỉnh, chỉ tính từ năm 2011-2017, trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra 52 vụ, 113 đối tượng thực hiện hành vi mang tính chất bạo lực học đường, xâm hại 46 nạn nhân, làm 3 người chết, 23 người bị thương; trong đó, học sinh đánh nhau chiếm tỷ lệ cao nhất (47/52 vụ). Đối tượng vi phạm là học sinh trong các trường học chiếm đa số (101/113 đối tượng), bậc THCS chiếm tỷ lệ vi phạm nhiều nhất, kế đến là THPT. |
Hoàng Bách