Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn tái diễn các vi phạm về pháo

09:01, 05/01/2020

Nghị định số 36/2009/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 36) ngày 15-4-2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đã xác định hành vi sử dụng, tàng trữ, vận chuyển và mua bán pháo là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên những năm gần đây, tình trạng đốt, mua bán, tàng trữ pháo vẫn diễn ra nhiều nơi trên địa bàn cả nước nói chung, trong đó có Đồng Nai.

Nghị định số 36/2009/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 36) ngày 15-4-2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đã xác định hành vi sử dụng, tàng trữ, vận chuyển và mua bán pháo là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên những năm gần đây, tình trạng đốt, mua bán, tàng trữ pháo vẫn diễn ra nhiều nơi trên địa bàn cả nước nói chung, trong đó có Đồng Nai.

Công an TP.Biên Hòa kiểm tra số pháo bị tịch thu. Ảnh: Trần Danh
Công an TP.Biên Hòa kiểm tra số pháo bị tịch thu. Ảnh: Trần Danh

Tại Đồng Nai, địa phương không có đường biên giới, lại nằm sâu trong nội địa nên không có các đường dây, tụ điểm mua bán lớn. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng pháo nhiều nên một số đối tượng đã bất chấp quy định của pháp luật, kết nối với nhiều đối tượng tại các địa phương khác (chủ yếu là các tỉnh, thành phía Bắc hoặc khu vực biên giới Tây Nam) để tìm kiếm nguồn hàng tuồn vào địa bàn tiêu thụ.

* Mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo diễn biến phức tạp

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và lực lượng chức năng khác thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng các loại pháo và thuốc pháo; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý hành vi vi phạm về pháo.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các vi phạm liên quan đến sử dụng, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo (pháo nổ, pháo hoa) trên địa bàn tỉnh không diễn ra thường xuyên, liên tục. Các vi phạm này thường diễn ra chủ yếu vào thời điểm cuối năm hoặc những dịp có các sự kiện, giải đấu bóng đá lớn với mục đích để “cổ vũ”.

Ngoài những thời điểm trên, các đối tượng mua bán pháo trái phép thường cất giấu pháo trong nhà hoặc ít giao dịch nên việc phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng thường gặp khó khăn. Đến các thời điểm “nóng” như gần Tết Nguyên đán thì hoạt động này lại diễn ra khá phức tạp.

Ngay đầu tháng 1-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa đã khởi tố bắt tạm giam Lê Hoài Thanh (33 tuổi, ngụ tỉnh Kon Tum) và Nguyễn Trung Kiên (34 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) để điều tra về hành vi mua bán hàng cấm.

Trước đó, tối 22-12-2019, Công an TP.Biên Hòa bắt quả tang Thanh và Kiên đang tàng trữ 218 hộp pháo (trọng lượng 350kg) tại nhà riêng ở phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa). Quá trình điều tra, công an xác định Thanh và Kiên đã đặt mua số pháo trên từ một số đối tượng ở các tỉnh phía Bắc với giá 150 triệu đồng đưa về Đồng Nai chuẩn bị tiêu thụ trong dịp Tết sắp tới.

Trước đó, ngày 21-12-2019, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cũng đã bắt quả tang Phạm Văn Sơn (25 tuổi, quê tỉnh Nam Định) đang vận chuyển 20 bịch pháo nổ và 5 hộp pháo hoa (tổng trọng lượng 20kg) đi tiêu thụ tại địa bàn xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu). Khám xét nơi ở của Sơn ở TP.Hồ Chí Minh, công an thu giữ thêm 20kg pháo. Tại cơ quan công an, Sơn khai đã mua số pháo trên tại khu vực cửa khẩu Hoàng Diệu (khu vực biên giới giữa tỉnh Bình Phước với Campuchia). 

Không chỉ có các đường dây mua bán, vận chuyển pháo vào địa bàn, mà tình trạng tàng trữ, sử dụng pháo trong dân cũng khá phức tạp. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, thời gian gần đây, nhất là sau các trận bóng đá có đội tuyển Việt Nam tham gia thì các hành vi vi phạm về pháo lại có chiều hướng gia tăng, tập trung nhiều ở địa bàn TP.Biên Hòa gây bức xúc cho người dân, gây mất an ninh trật tự.

Trong vòng khoảng 1 tháng cuối năm 2019, Công an TP.Biên Hòa đã phát hiện bắt quả tang 6 vụ/8 đối tượng về các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán pháo lậu, thu giữ hơn 400kg pháo các loại. Qua điều tra đã khởi tố 5 vụ/7 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm.

Trong những ngày đầu năm 2020, đặc biệt là đêm giao thừa Tết Dương lịch 2020, tại một số địa phương trong tỉnh cũng xuất hiện nhiều vụ đốt pháo. Điều này cho thấy số lượng pháo tồn tại trong dân chưa được kiểm soát, phát hiện, xử lý còn rất nhiều.

* Đốt pháo là hành vi vi phạm pháp luật

Theo UBND tỉnh nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm liên quan đến pháo liên tục xảy ra là do lãnh đạo và cán bộ được giao nhiệm vụ của các ngành, địa phương chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Một số cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu địa phương cho rằng, nhiệm vụ quản lý, xử lý các vi phạm về pháo là của lực lượng công an. Bên cạnh đó, tâm lý nhiều người dân hiện nay xem việc đốt pháo là chuyện bình thường như một hình thức “ăn mừng, vui chơi” mà không ý thức hết được nguy cơ mất an toàn và là hành vi vi phạm pháp luật.

Hai đối tượng Lê Hoài Thanh và Nguyễn Trung Kiên bị công an tạm giữ cùng 350kg pháo. Ảnh: Đình Biên
Hai đối tượng Lê Hoài Thanh và Nguyễn Trung Kiên bị công an tạm giữ cùng 350kg pháo. Ảnh: Đình Biên

Trước thực tế này, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã ban hành văn bản về việc tăng cường thực hiện Nghị định 36 của Chính phủ về quản lý sử dụng pháo. Đây là động thái thể hiện sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trong việc xử lý triệt để tình trạng này.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo các ngành, chính quyền các địa phương phải xác định pháo là hàng cấm, việc phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm về pháo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không riêng gì lực lượng công an.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, thời gian vừa qua, lực lượng công an đã kiểm tra, phát hiện, bắt và xử lý nhiều vụ vi phạm về pháo. Tuy nhiên, đó chỉ mới là bề nổi. Trong khi đó, cái gốc của vấn đề này là các ngành chức năng phải tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, viên chức và mỗi người dân trước những hành vi vi phạm pháp luật. Khi không còn nhu cầu sử dụng pháo thì nguồn cung (dẫn đến các vi phạm về pháo) sẽ tự triệt tiêu.

Theo UBND tỉnh, từ đầu năm 2019 đến giữa tháng 11-2019, trên địa bàn tỉnh, lực lượng công an phát hiện, xử lý 78 vụ/97 đối tượng vi phạm về các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép. Qua công tác điều tra đã khởi tố 7 vụ/8 bị can, tịch thu gần 150kg pháo hoa, 198 băng và 582 viên pháo nổ.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các lực lượng chức năng của tỉnh như: công an, hải quan, quản lý thị trường, thuế phải ráo riết kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ vi phạm về pháo. Đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân các nội dung trong Nghị định 36 của Chính phủ. Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân về quản lý, sử dụng pháo; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến pháo.

Nói về thực tế vẫn còn tình trạng người dân vi phạm sử dụng, tàng trữ pháo, Trung tá Nguyễn Văn Khiêm, Trưởng Công an phường Phước Tân (TP.Biên Hòa) cho biết, để người dân thực sự thay đổi nhận thức, không vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng phải có biện pháp tuyên truyền phù hợp. Đặc biệt phải làm cho mỗi người nhận thức được đây là hành vi phạm pháp có thể bị xử lý hình sự.

Còn theo Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa), ngoài công tác tuyên truyền, để ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng pháo, Công an phường cũng gọi hỏi, răn đe các đối tượng đã từng có hành vi vi phạm về pháo để ngăn chặn từ xa. Ngoài ra, lực lượng công an cũng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát, mật phục để kịp thời xử lý các đối tượng vi phạm liên quan đến pháo nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối để người dân vui Xuân, đón Tết.

Trần Danh

Tin xem nhiều