Việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh đang là xu thế tất yếu của đô thị hiện đại mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đồng Nai, đang đẩy mạnh triển khai thực hiện.
Việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh đang là xu thế tất yếu của đô thị hiện đại mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đồng Nai, đang đẩy mạnh triển khai thực hiện.
Camera giám sát giao thông trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn qua phường Quang Vinh (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.HẢI |
[links()]Đồng Nai đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh, trong đó giao thông - vận tải là lĩnh vực then chốt, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý, vận hành, giám sát giao thông nhằm mang lại sự tiện ích, thân thiện, an toàn cho người dân, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.
* Kịp thời giám sát, xử lý vi phạm giao thông
Hiện nay, Đồng Nai đang triển khai, thành lập trung tâm điều hành giao thông thông minh với hệ thống camera giám sát giao thông, hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông…
Giao thông thông minh gồm nhiều hệ thống thành phần như: camera giám sát đường, camera đếm và kiểm soát tốc độ xe, kiểm tra tải trọng xe, hệ thống biển báo thông tin thay đổi… được liên kết chặt chẽ với nhau. Về lâu dài, giao thông thông minh giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng đường bộ và xử lý khẩn cấp các sự cố giao thông; giảm tai nạn, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; tiết kiệm thời gian, tiền bạc và nhiên liệu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. |
Từ tháng 4-2017, Trung tâm quản lý điều hành giao thông trên tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây chính thức đi vào hoạt động. Toàn bộ tuyến đường được lắp một hệ thống gồm 16 camera giám sát và 54 camera thăm dò phương tiện để giúp nhân viên giám sát nhận biết mật độ phương tiện đang lưu thông trên tuyến và nhanh chóng phát hiện các sự cố giao thông xảy ra một cách chính xác. Tất cả dữ liệu hình ảnh, video được truyền về Trung tâm quản lý điều hành giao thông và được nhân viên trực theo dõi, xử lý 24/24 giờ.
Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam cho biết, hệ thống bảng thông tin điện tử được bố trí dọc đường cao tốc còn cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện của tuyến đường, tình hình thời tiết và tình trạng lưu thông trên đường cao tốc, giúp tài xế làm chủ tốc độ khi lưu thông qua đoạn đường có sự cố, thời tiết xấu...
Theo bà Phương, nhờ vào hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh, đơn vị đã kịp thời thực hiện công tác phân luồng, chủ động mở các làn thu phí khi lượng phương tiện đổ về cao. Ngoài ra, thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, dữ liệu hình ảnh được truyền về Trung tâm quản lý điều hành giao thông đã phát hiện nhiều vụ vi phạm cũng như kịp thời xử lý các sự cố gây mất an toàn giao thông.
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh cũng đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống camera giám sát hiện đại trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua Đồng Nai. Việc sử dụng phần mềm tự động, mã hóa các lỗi vi phạm của các phương tiện tham gia giao thông như: chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, lạng lách, lấn tuyến… giúp cho công tác tuần tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng thuận lợi hơn.
Thượng tá Đặng Thế Trung, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho hay, ngay khi phát hiện có vi phạm, toàn bộ hình ảnh sẽ được chuyển trực tiếp về Trung tâm kiểm soát giao thông. Từ đó, hệ thống sẽ tự mã hóa biển số xe, chủ sở hữu phương tiện, lỗi vi phạm rồi gửi trực tiếp cho lực lượng chức năng để xử phạt tại chỗ hoặc lập biên bản phạt “nguội” gửi về địa phương nơi chủ xe đăng ký sở hữu phương tiện.
Bảng thông tin điện tử hiện đại về hướng dẫn, phân lưồng giao thông trên đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua huyện Long Thành. Ảnh: THANH HẢI |
Trong năm 2019, thông qua hệ thống camera giám sát giao thông cố định lắp trên các tuyến đường, CSGT đã phát hiện, xử lý trên 3 ngàn trường hợp vi phạm. Lực lượng chức năng xử phạt trực tiếp tại hiện trường gần 2,8 ngàn trường hợp, 310 trường hợp bị xử phạt “nguội”. Đặc biệt, trong các dịp lễ, Tết vừa qua, với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng và khi xảy ra ùn tắc, từ dữ liệu hệ thống camera, đơn vị lập tức đưa ra các phương án để giải quyết, điều khiển giao thông, từ đó tránh được rất nhiều vụ ùn ứ, kẹt xe nghiêm trọng.
Với lĩnh vực thu phí đường bộ, Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC Nguyễn Mạnh Hà cho biết, vào tháng 2-2018, đơn vị này đã phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai tiến hành mở 6 làn thu phí không dừng tại Trạm thu phí cầu Đồng Nai (TP.Biên Hòa). Đến nay, lượng phương tiện dán thẻ thu phí tự động đạt khoảng 35% trong tổng số lượt xe qua trạm.
Khi phương tiện dán thẻ thu phí tự động qua trạm, hệ thống thiết bị sử dụng sóng radio để nhận diện tự động các phương tiện xe cơ giới. Từ đó, xe đi qua không phải dừng lại như trước. Dịch vụ thu phí không dừng góp phần tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, giảm ùn tắc giao thông và đặc biệt góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
* Tích hợp, ứng dụng công nghệ hiện đại
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nên tốc độ phát triển kinh tế cũng như vấn đề đô thị hóa nhanh kéo theo nhu cầu vận tải, quá trình cơ giới hóa gia tăng… tạo áp lực lên hệ thống giao thông, làm tăng nguy cơ kẹt xe, tai nạn giao thông. Việc xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh trong một đô thị hiện đại sẽ giải quyết được những khó khăn này.
Sở Giao thông - vận tải đang xây dựng Trung tâm điều hành giao thông để kết nối tất cả các dữ liệu, thông tin nhằm theo dõi, điều khiển từ xa thông qua hệ thống camera giám sát giao thông. Từ đây, các ngành chức năng sẽ chủ động hơn trong việc bao quát tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; tiến tới xây dựng hệ thống giao thông thông minh hoàn thiện và đồng bộ.
Đồ họa thể hiện toàn bộ các hệ thống thành phần đều kết nối về Trung tâm điều hành giao thông. (Thông tin: THANH HẢI - Đồ họa: DƯƠNG NGỌC) |
Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai (thuộc Sở Giao thông - vận tải) Du Quang Lâm cho biết, đơn vị đang sử dụng phần mềm ứng dụng (app) để giám sát, xử lý các sự cố, bất cập về hạ tầng giao thông. Theo đó, nhân viên giám sát giao thông khi làm nhiệm vụ trên đường chỉ cần bật app lên thì mọi thông tin về thời gian, quãng đường di chuyển sẽ truyền về cho bộ phận quản lý. Nếu phát hiện tuyến đường đang hư hỏng, xuống cấp cần bảo trì, tu sửa, nhân viên sẽ chụp hình gửi lên app. Sau đó, đơn vị sẽ cử lực lượng xuống giải quyết, khắc phục.
“Lâu nay, công tác duy tu bảo dưỡng, khắc phục những vị trí hư hỏng trên mặt đường thường làm theo quy trình truyền thống nên mất nhiều thời gian. Việc áp dụng công nghệ trong vấn đề giúp xử lý sự cố nhanh và kịp thời đã mang lại ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông” - ông Lâm bộc bạch.
Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành cho rằng, việc áp dụng giao thông thông minh sẽ cải thiện mạng lưới đường bộ, giải quyết các vấn đề khó khăn, cấp bách đối với những đô thị đang phát triển nhanh và hiện đại. Trong đó, Trung tâm điều hành giao thông cung cấp tình trạng giao thông, cảnh báo kẹt xe, hình ảnh các camera giám sát trên các tuyến đường; đồng thời cũng cho phép người dân phản ảnh trực tiếp về các vấn đề liên quan đến hạ tầng, đường sá, đèn tín hiệu hoặc đóng góp thông tin về những vị trí đang xảy ra sự cố giao thông.
Với thực tế hiện nay, Sở đang triển khai hệ thống theo dõi, vận hành vận tải hành khách công cộng đối với mạng lưới xe buýt trên địa bàn TP.Biên Hòa. Các bến xe buýt thông minh, ứng dụng trên điện thoại cung cấp cho người sử dụng thời gian biểu, lịch trình, chất lượng xe buýt một cách chính xác.
Ngoài ra, Sở đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống camera kiểm soát tải trọng tại 24/24 mỏ đá với 39/39 trạm cân giúp giám sát tình trạng phương tiện vi phạm tải trọng, ô nhiễm môi trường cũng như các ứng dụng thông báo thời gian hết hạn sử dụng giấy phép lái xe giúp ngành chức năng quản lý, giám sát và người dân từng bước tiếp cận với hệ thống giao thông thông minh.
Thanh Hải