Khi nghi ngờ vợ/chồng mình có dấu hiệu ngoại tình hoặc do lo lắng và tò mò muốn biết vợ/chồng của mình hằng ngày đi đâu, gặp ai, một số người đã thuê thám tử tư để theo dõi.
Khi nghi ngờ vợ/chồng mình có dấu hiệu ngoại tình hoặc do lo lắng và tò mò muốn biết vợ/chồng của mình hằng ngày đi đâu, gặp ai, một số người đã thuê thám tử tư để theo dõi.
Dễ dàng tìm thấy những dịch vụ thám tử tư tại các tỉnh, thành từ các trang mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình) |
Hiện nay, việc tìm kiếm và thuê thám tử tư khá dễ dàng. Chỉ cần vào trang Google gõ từ khóa “dịch vụ thám tử tư” là có hơn 7,2 triệu kết quả với hàng ngàn địa chỉ cung cấp dịch vụ thám tử tư tại nhiều tỉnh, thành khác nhau. Hầu hết các trang web đều cam kết dịch vụ tốt nhất: bảo mật, chuyên nghiệp; thám tử có nghiệp vụ cao, thái độ nhiệt tình, tận tâm phục vụ...
* Cần là có
Có chồng là quản lý một công ty lớn tại huyện Vĩnh Cửu, thời gian gần đây, chị T.H. (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) khá lo lắng khi thấy chồng chị thường đi làm về trễ, ít quan tâm đến gia đình, ngày nghỉ cũng ít ở nhà. Sau khi gặng hỏi nhiều lần mà anh vẫn không cho biết đang bận việc gì, lại còn hay gắt gỏng, chị T.H. quyết định tìm đến một dịch vụ thám tử tư để “mua sự yên tâm”. Sau khi dò hỏi một số người bạn và tìm kiếm trên mạng xã hội, chị đã tìm thấy một số nơi cung cấp dịch vụ này.
Chị T.H. cho hay: “Họ cung cấp khá nhiều mức độ điều tra thông tin, suốt cả ngày hay chỉ ngày nghỉ, có cần chụp hình hay không, thậm chí còn có thể lấy được nội dung tin nhắn của chồng nếu tôi chịu hợp tác. Dĩ nhiên, giá cả cũng phụ thuộc vào mức độ thông tin tôi cần, nhưng ít nhất thì cũng từ vài triệu đồng trở lên. Tất cả đều giao dịch qua mạng, không gặp mặt trực tiếp để đảm bảo hoàn toàn bí mật cho cả đôi bên”.
Trong danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh ban hành kèm Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện cũng cấm dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. |
Giống như chị T.H., hầu hết những người tìm đến dịch vụ thám tử tư đều có nhu cầu theo dõi, giám sát hoạt động người thân (chủ yếu là vợ, chồng, con); tìm người qua số điện thoại; điều tra vợ/chồng, con dâu/con rể tương lai... Người có nhu cầu chỉ cần cung cấp một số thông tin cá nhân của đối tượng cần theo dõi, điều tra như: hình ảnh, nơi làm việc, số điện thoại, càng nhiều thông tin càng tốt. Sau đó, hai bên sẽ cùng thỏa thuận phương thức nhận thông tin, thanh toán và thời điểm kết thúc công việc của thám tử tư.
Qua nhiều mối quan hệ, phóng viên Báo Đồng Nai được giới thiệu đến anh M.C. (ngụ TP.Biên Hòa) - từng làm thám tử tư cho một nơi cung cấp dịch vụ này ở TP.Hồ Chí Minh. Anh M.C. chia sẻ, hơn 10 năm trước đây, dịch vụ thám tử tư chỉ có thể hoạt động tại một khu vực nhất định và đòi hỏi sự đeo bám, theo dõi sát sao của người hành nghề với đối tượng được đặt hàng. Đặc biệt, việc len lỏi để chụp hình đối tượng giữa nơi vắng người hoặc nơi riêng tư là rất khó nên dễ bị phát hiện.
“Những năm gần đây, khi công nghệ phát triển, nhất là các thiết bị thông minh có nhiều tính năng tiện dụng (chụp hình, quay phim, ghi âm, định vị, nghe lén...) đã giúp công việc theo dõi một người trở nên dễ dàng hơn. Các dịch vụ thám tử tư hiện nay đã có thể mở rộng hoạt động thông qua cộng tác viên tại một số khu vực, nhất là các quán nhậu, nhà nghỉ, tiệm game... Vì nói gì thì nói, phần lớn là người ta muốn biết vợ/chồng đang đi với ai, có tới mấy chỗ nhạy cảm hay không. Mỗi nơi cung cấp dịch vụ đều có một “mánh” hoạt động riêng, vì nghề này toàn hoạt động ẩn danh, không công khai nên không thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm” - anh M.C. nói.
* Khi tâm lý “che mờ” pháp lý
Khi đang có khúc mắc về tâm lý, tư tưởng thì mới tìm đến thám tử tư, vì vậy hầu như mọi người chỉ mong đạt được mục đích chứ không chú ý đến việc điều tra thông tin, hình ảnh, tin nhắn của người khác là vi phạm pháp luật, dù đó là người thân. Một số dịch vụ thám tử tư cũng thừa nhận với người thuê rằng, đây là hoạt động “ngầm”, nên tin tưởng nhau thì mới tiến hành trả phí và bắt tay thực hiện yêu cầu chứ không có văn bản, hợp đồng cụ thể.
Luật sư Nguyễn Khoa Quyền, Đoàn Luật sư Đồng Nai cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể, thống nhất và rõ ràng về dịch vụ thám tử tư, vì vậy dịch vụ này vẫn chưa thể hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Cả thám tử và người thuê đều có thể vi phạm pháp luật. Theo Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
Theo luật sư Quyền, cả người cung cấp thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của người khác và thám tử sử dụng thông tin này để điều tra, theo dõi đều có thể bị xử lý theo quy định hiện hành. Cụ thể, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác (theo Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015) hay tội xâm phạm chỗ ở của người khác (theo Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015)...
Đông Hồ