Báo Đồng Nai điện tử
En

Ghi âm, ghi hình giám sát hoạt động của lực lượng chức năng phải đúng luật

09:06, 12/06/2020

Theo quy định của pháp luật, người dân được làm những gì pháp luật không cấm nên họ có quyền thực hiện việc giám sát bằng ghi âm, ghi hình các hoạt động của lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh).

Theo quy định của pháp luật, người dân được làm những gì pháp luật không cấm nên họ có quyền thực hiện việc giám sát bằng ghi âm, ghi hình các hoạt động của lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh).

Người dân ghi lại hình ảnh đối tượng đang xúc phạm, lăng mạ lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa làm nhiệm vụ. Ảnh cắt từ clip do người dân cung cấp
Người dân ghi lại hình ảnh đối tượng đang xúc phạm, lăng mạ lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa làm nhiệm vụ. Ảnh cắt từ clip do người dân cung cấp

Việc này góp phần giúp cơ quan chức năng, cán bộ, công chức thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đảm bảo quyền lợi cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.

* Người dân được quyền giám sát

Riêng đối với việc giám sát các hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã ban hành Thông tư  số 67/2019/TT-BCA (gọi tắt là Thông tư 07) ngày 28-11-2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Theo đó để giám sát các hoạt động này, người dân được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Để đảm bảo hoạt động giám sát của người dân có hiệu quả, theo ông Phan Văn Hậu, Chánh Văn phòng Viện KSND tỉnh, các cơ quan chức năng, cán bộ, công chức và những người thực thi nhiệm vụ phải hướng dẫn để người dân thực hiện chức năng của mình đúng pháp luật. Bên cạnh đó, người dân muốn thực hiện quyền giám sát cũng phải tự điều chỉnh để đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Trên thực tế, hoạt động giám sát của người dân còn là bằng chứng giúp cơ quan chức năng giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Cụ thể như nhờ clip do người dân cung cấp mà Công an TP.Biên Hòa có đủ cơ sở để khởi tố đối tượng Hồ Văn Mạnh (29 tuổi, ngụ tỉnh Long An) về hành vi tấn công gây thương tích cho một cán bộ cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) vào tháng 3-2019.

Tuy nhiên, hiện cũng có một số người lợi dụng quyền ghi âm, ghi hình giám sát để gây áp lực cho các cán bộ, công chức, viên chức, nhất là tại các bệnh viện, cơ quan nhà nước.

Bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Trảng Bom cho biết, trong thời gian qua, nhiều thân nhân bệnh nhân ngang nhiên vào khu vực khám bệnh, phòng hành chính của trung tâm để ghi hình làm ảnh hưởng, phiền hà đến công tác chuyên môn của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế. Khi bảo vệ yêu cầu ngưng ghi hình, họ phản ứng cho rằng mình có quyền. Thậm chí, có người còn đưa những clip này lên mạng xã hội khiến nhiều người không hiểu hết ngọn ngành sự việc đã có những lời bình luận khiếm nhã, ảnh hưởng tới uy tín, danh dự bác sĩ, nhân viên y tế xuất hiện trong clip cũng như uy tín của trung tâm.

* Cẩn thận kẻo vi phạm

Về vấn đề nêu trên, ông Phan Văn Hậu, Chánh Văn phòng Viện KSND tỉnh cho rằng, một khi cán bộ tiếp dân thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình thì người dân có quay phim, chụp hình hay ghi âm cũng không ảnh hưởng gì. Không những thế, hoạt động đó nếu được thực hiện đúng sẽ giúp cán bộ, công chức tự điều chỉnh các hoạt động công vụ của mình được tốt hơn. Ngoài ra, những hoạt động giám sát này còn là bằng chứng, cơ sở để hỗ trợ xử lý các vụ việc phát sinh khác.

Tuy nhiên, theo ông Hậu, người dân khi thực hiện các quyền giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, công chức phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Giám sát nhưng không vi phạm pháp luật, không gây áp lực hoặc làm cản trở hoạt động bình thường của những người đang thực thi nhiệm vụ.

Cán bộ Công an TP.Biên Hòa xem lại clip do người dân cung cấp
Cán bộ Công an TP.Biên Hòa xem lại clip do người dân cung cấp

Cụ thể như tại Khoản 5, Điều 11, Thông tư 67 có quy định, để thực hiện giám sát, người dân cần đảm bảo các điều kiện: không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực hiện nhiệm vụ; thực hiện ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Cũng theo ông Hậu, riêng đối với một số lĩnh vực khác tuy chưa có các quy định cụ thể nhưng nếu người dân thực hiện các hoạt động ghi âm, ghi hình giám sát cũng phải tuân thủ quy định chung tại những địa điểm đó như: bộ phận một cửa tiếp dân của các cơ quan, chính quyền địa phương; bệnh viện, tòa án… Ví dụ, người dân được quyền tham dự và theo dõi các phiên tòa được xét xử công khai. Tuy nhiên, để giám sát (quan sát trực tiếp, ghi âm, ghi hình) phiên tòa thì phải được sự đồng ý của thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Cùng trao đổi về vấn đề này bà Lưu Thị Hà, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, hoạt động giám sát của người dân nếu được thực hiện đúng sẽ góp phần điều chỉnh xã hội tại các bộ phận một cửa tiếp dân như: hành vi, thái độ, năng lực giải quyết của cán bộ, công chức... Qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của người cán bộ, công chức. Tuy nhiên, việc một số người lợi dụng hoạt động này để gây áp lực hoặc cản trở người thực hiện nhiệm vụ thì cũng cần phải xem xét, xử lý.

Theo bà Lưu Thị Hà, để hoạt động giám sát được thực hiện đúng theo quy định pháp luật, các ban, ngành, đoàn thể, MTTQ các cấp phải tuyên truyền, giáo dục giúp người dân nâng cao nhận thức. Người dân phải hiểu được quyền của mình đến đâu, nơi nào được thực hiện quyền giám sát và giám sát ở mức độ nào thì sẽ tránh được những vi phạm không đáng có.

Trần Danh

Tin xem nhiều
Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí