Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Đường xuống cấp, trách nhiệm thuộc về ai?

09:04, 26/04/2021

Hạ tầng một số tuyến đường có dự án BOT giao thông tạm dừng hoạt động đang xuống cấp nhưng không thể bố trí vốn để sửa chữa vì những vướng mắc về cơ chế. Trong khi mỗi ngày, những tuyến đường này vẫn "cõng" hàng chục ngàn phương tiện qua lại, nguy cơ mất an toàn giao thông luôn hiện hữu.

Hạ tầng một số tuyến đường có dự án BOT giao thông tạm dừng hoạt động đang xuống cấp nhưng không thể bố trí vốn để sửa chữa vì những vướng mắc về cơ chế. Trong khi mỗi ngày, những tuyến đường này vẫn “cõng” hàng chục ngàn phương tiện qua lại, nguy cơ mất an toàn giao thông luôn hiện hữu. Một vấn đề đặt ra là, nếu tai nạn xảy ra trên chính những tuyến đường này do hạ tầng yếu kém thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?

Phương tiện nối hàng dài khi lưu thông qua Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai. Ảnh: T.Hải
Phương tiện nối hàng dài khi lưu thông qua Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai. Ảnh: T.Hải

[links()]Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay cần được các ngành chức năng quan tâm tháo gỡ chính là xác định trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường trong dự án BOT tạm dừng thu phí thuộc về đơn vị nào: chủ dự án, cơ quan nhà nước hay chính quyền địa phương.

* Bỏ trống “trận địa” ngay khi dừng hoạt động

Sau hơn 5 tháng tạm dừng thu phí, Trạm thu phí BOT quốc lộ 1K (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) với nhiều kết cấu, vật dụng hoen gỉ vẫn tồn tại. Tuyến quốc lộ 1K xung quanh trạm thu phí ngày càng xuống cấp nặng nề. Điều đáng nói đây là tuyến đường mà mỗi ngày có hàng ngàn chuyến xe tải chở vật liệu xây dựng từ các mỏ đá, trạm trộn bê tông lưu thông, nhiều xe phóng nhanh, vượt ẩu giữa dòng xe 2-3 bánh, nay tình trạng đường ngày càng xuống cấp khiến người dân nơi đây không khỏi lo lắng, bất an.

Ông Lê Ngân Đại (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cho hay, suốt thời gian dài, nhiều vị trí mặt đường bị bong tróc, đọng nước; hệ thống cống rãnh hai bên đường đều bị đất vùi lấp và rác thải tồn đọng; hệ thống đèn tín hiệu tại một số giao lộ hoạt động chập chờn; trên tuyến còn hàng chục bóng đèn đã hỏng nhưng chưa được sửa chữa.

UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ GT-VT xem xét chấp thuận cho Công ty TNHH BOT quốc lộ 1K bổ sung nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành hệ thống chiếu sáng vào phương án tài chính của dự án. Đồng thời, chỉ đạo doanh nghiệp khẩn trương sửa chữa, thay thế hệ thống chiếu sáng vào ban đêm; thực hiện công tác duy tu nạo vét mương, cống thoát nước; quét rác, cát, đất, đá rơi vãi trên tuyến quốc lộ 1K để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn giao thông.

Trên quốc lộ 1K, từ khu vực vòng xoay Cầu Hang đến cầu Mới, lúc nào cũng có xe tải ben chở đá từ các mỏ ra các bến thủy nội địa trên sông Đồng Nai. Các xe này thường xuyên phóng nhanh, mật độ di chuyển dày đặc nên có tình trạng các loại đá rơi khỏi thùng xe, văng đầy mặt đường trở thành những “cái bẫy” chết người. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, đất đá trên tuyến đường này cũng không được quét dọn thường xuyên. Nhiều trường hợp đá do xe chở văng vào nhà dân làm bể kính hay khiến người đi xe máy bị trượt dẫn đến ngã xe, rất nguy hiểm.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 4.2 (Cục Quản lý đường bộ IV) Lê Huy Triển cho biết, ngay sau khi tạm dừng thu phí, nhà đầu tư Trạm thu phí BOT quốc lộ 1K đã có văn bản gửi các cơ quan quản lý Nhà nước về việc tạm ngưng và không chịu trách nhiệm về công tác duy tu, bảo trì mặt đường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường này.

Trước mắt, Cục Quản lý đường bộ IV đã giao cho một đơn vị tạm thời thực hiện việc bảo trì, chủ yếu là vệ sinh mặt đường, dặm vá sửa chữa nhỏ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.

* Dừng bảo trì vì hết vốn

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau khi dừng hoặc tạm dừng thu phí để thực hiện thanh lý hợp đồng, một số doanh nghiệp đã dừng việc bảo trì, không cấp kinh phí vận hành công trình hoặc thực hiện kém hiệu quả. Đến nay, cả nước có gần chục dự án BOT tạm dừng thu phí đang xuống cấp, song vẫn chưa thể đưa vào sửa chữa vì “tắc” vốn bảo trì. Những con đường từng được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, nay lại xuống cấp, hư hỏng khiến người dân không khỏi xót xa.

Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai (đơn vị thực hiện dự án Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai) cho biết, bắt đầu từ ngày 1-4, doanh nghiệp dừng việc bảo trì dự án sau nhiều lần cân nhắc, do không thể bố trí được nguồn vốn bảo trì.

Theo ông Vinh, kinh phí bảo trì vốn theo dự án nên khi tạm dừng hoạt động thu phí, nguồn vốn này cũng dừng theo. Từ thời điểm dừng thu phí đến nay, doanh nghiệp phải đi vay hơn 10 tỷ đồng để bảo trì. Không còn thu phí, ngân hàng không cho vay tiền thì doanh nghiệp cũng hết nguồn lực tài chính. Phía Công ty CP đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai đã gửi thông báo tạm dừng duy tu, bảo trì đường đến các cơ quan liên quan từ ngày 28-2.

Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Não Thiên Anh Minh đánh giá, từ cuối tháng 8-2020, sau khi Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai tạm dừng hoạt động, tình hình giao thông qua ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa) căng thẳng hơn do lưu lượng phương tiện đổ về đây tăng. Chỉ tính lưu lượng xe theo hướng quốc lộ 51 đi cầu Đồng Nai đã tăng 30-40% so với trước đây. Xe cộ đông đúc, tốc độ lưu thông cao và hệ thống đèn tín hiệu, vạch sơn, đèn chiếu sáng không đảm bảo khiến nguy cơ mất an toàn luôn hiện hữu.

Cụ thể như tối 22-4, anh Rah Lan Ngoel (quê tỉnh Gia Lai) điều khiển xe máy lưu thông trên quốc lộ 1 hướng Đồng Nai đi TP.HCM. Khi vào làn thu phí, do trời tối anh này đã tông vào phần mũi tàu bằng bê tông, văng mạnh về trước rồi tiếp tục va vào cabin thu phí dẫn đến tử vong tại chỗ.

Trước thực trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Cục Quản lý đường bộ IV và Công ty CP Đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai cần tiếp tục tăng cường thực hiện bảo đảm an toàn giao thông như: bổ sung lắp đặt trụ dẻo, tiêu phản quang ở đầu đường dẫn (theo chiều xe chạy), biển chỉ dẫn chướng ngại vật phía trước; bảo đảm chiếu sáng đầy đủ ban đêm; lắp đặt biển báo tốc độ tối đa cho phép 50km/giờ…

Đến nay, giao thông tại nút giao này vẫn “rối như tơ vò”. Người dân mỗi khi lưu thông qua đây đều hồi hộp, bất an. Xe lớn, xe nhỏ chen chúc đi qua ngã tư dẫn đến những xung đột giao thông liên tục diễn ra. Nguy cơ tạo ra cảnh giao thông hỗn loạn nếu không có sự quản lý chặt của cơ quan chức năng.

* Tai nạn xảy ra, ai chịu trách nhiệm?

Không chỉ các tuyến quốc lộ mà một số dự án BOT do địa phương quản lý, thời gian qua cũng đã dừng hoạt động. Sau khi dừng thu phí trên đường Bùi Hữu Nghĩa (đường tỉnh 760, TP.Biên Hòa) từ tháng 2-2019, tuyến đường này thường xuất hiện tình trạng xe cộ phóng nhanh, vượt ẩu khiến tình hình lưu thông  trở nên lộn xộn.

Tại Đồng Nai, hiện có các dự án BOT giao thông gồm: dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1K; dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 20; dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu Đồng Nai; dự án đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng tại TP.Biên Hòa; dự án BOT đường 319 (đoạn từ ngã ba Bến Cam nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây); dự án đường tỉnh 768…

Hiện trên tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa có Trường THCS Ngô Gia Tự và Trường tiểu học Trần Văn Ơn (thuộc P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa). Phụ huynh và giáo viên của các trường trên rất lo lắng khi học sinh đi trên con đường này đến trường và về nhà, vì các em phải chen chúc cùng những hàng xe tải dày đặc trên đường. Nhiều xe phóng nhanh, vượt ẩu, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Thực tế tại khu vực này từng xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe đầu kéo với người đi đường, học sinh. Gần nhất vào sáng 24-11-2020, trên đường Bùi Hữu Nghĩa (đoạn qua P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) xảy ra tai nạn giao thông giữa xe container với xe máy khiến 1 người tử vong tại chỗ. Thầy Trần Quang Minh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn cho biết, với lượng xe tải lưu thông lớn như vậy, nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Do đó, các ngành chức năng nên sớm có biện pháp hạn chế xe có trọng tải lớn đi vào tuyến đường này vào giờ cao điểm trong ngày để đảm bảo an toàn cho học sinh, phụ huynh và giáo viên của 2 trường.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, chính quyền thành phố đã làm việc với các đơn vị liên quan để có phương án xử lý tình trạng mất an toàn trên tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa. Trong đó, UBND thành phố giao cho Phòng Quản lý trật tự đô thị phối hợp với Sở GT-VT tiến hành đặt biển cấm xe tải trên 5 tấn hoạt động trên toàn tuyến đường này vào các khung giờ: 4-8 giờ, 11-13 giờ và 16-22 giờ. Đồng thời, tiến hành một số biện pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông như: sơn lại các vạch sơn mòn, mờ; sửa chữa các vị trí mặt đường bị hư hỏng, thay thế các khe co giãn…

Trong khi đó, theo Công an TP.Biên Hòa, thời gian qua, đơn vị đã ra quân kiểm tra, xử lý các vi phạm giao thông trên tuyến đường này để tránh xung đột giữa xe tải với xe máy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi vắng bóng lực lượng chức năng thì xe tải ben chở vật liệu xây dựng lại hoạt động mạnh, gây mất an toàn giao thông, cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Võ Nguyên

Bài 3: Gỡ vướng cho các dự án BOT

Tin xem nhiều