Ngày 21-7-1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. 67 năm đã trôi qua, song cứ gần đến ngày này, các thế lực thù địch ở cả trong và ngoài nước vẫn có luận điệu cũ xuyên tạc trắng trợn rằng chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phá hoại hòa bình, vi phạm Hiệp định Genève gây ra cuộc chiến tranh "huynh đệ tương tàn"(?!). Vậy đâu là sự thực? Ai phá hoại hòa bình? Ai gây ra chiến tranh?
Ngày 21-7-1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. 67 năm đã trôi qua, song cứ gần đến ngày này, các thế lực thù địch ở cả trong và ngoài nước vẫn có luận điệu cũ xuyên tạc trắng trợn rằng chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phá hoại hòa bình, vi phạm Hiệp định Genève gây ra cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn”(?!). Vậy đâu là sự thực? Ai phá hoại hòa bình? Ai gây ra chiến tranh?
Hội nghị Genève về Đông Dương tại Thụy Sĩ (năm 1954). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
1. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Đó không chỉ là sự nhất quán trong tư tưởng mà cả trong thực tiễn. Minh chứng rõ nét nhất là ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời với bản Tuyên ngôn độc lập chính thức công bố với quốc dân và toàn thế giới. Ngày 6-1-1946, cử tri của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lần đầu tiên thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình tham gia bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I bao gồm các đại biểu khắp Bắc - Trung - Nam.
Ở miền Nam, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, họ đã dựng lên hết chính phủ tay sai này đến chính phủ bù nhìn khác từ Nam Kỳ quốc tới Quốc gia Việt Nam chỉ với một âm mưu duy nhất là chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Ngày 7-5-1954, những người lính Cụ Hồ dưới sự chỉ huy của vị Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau thất bại thảm hại này, thực dân Pháp phải đồng ý chấp nhận ký Hiệp định Genève.
Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954 có hai phần: Phần “Thỏa hiệp” và phần “Tuyên bố Cuối cùng” (Final Declaration) bao gồm rất nhiều điều khoản, nhưng tựu trung lại thì nội dung bao gồm: Các nước tham gia hội nghị tôn trọng quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam - Campuchia - Lào. Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương. Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (bao gồm cả người miền Nam) tập kết về miền Bắc; Chính quyền và quân đội Liên hiệp Pháp (bao gồm cả người miền Bắc) tập kết về miền Nam. 300 ngày là thời gian để chính quyền và quân đội các bên hoàn thành việc tập trung. Dân chúng được tự do đi lại giữa hai miền. 2 năm sau, tức ngày 20-7-1956, sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất lại Việt Nam.
Theo các quy định của Hiệp định Genève thì Việt Nam “tạm thời” bị chia cắt làm hai miền với một giới tuyến quân sự tạm thời. “…Giới tuyến quân sự không được coi là biên giới quốc gia và chỉ tồn tại cho đến khi hoàn thành Tổng tuyển cử để thành lập chính phủ liên hiệp… Các lực lượng quân sự nước ngoài phải rời khỏi Việt Nam... Giới tuyến quân sự không được coi là biên giới quốc gia” - (Hiệp định Giơnevơ 50 năm nhìn lại, NXB Chính trị Quốc gia). Như vậy, theo Hiệp định Genève thì giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không phải là ranh giới về chính trị và lãnh thổ. Cũng theo Hiệp định Genève, giới tuyến quân sự tạm thời sẽ bị dỡ bỏ sau 2 năm khi hai miền Nam Bắc Việt Nam tổng tuyển cử tự do vào năm 1956.
2. Thực tiễn lịch sử sau đó đã chứng minh rằng đã không hề có bất cứ một cuộc bầu cử tự do nào được tổ chức sau đó, bởi đế quốc Mỹ đã can dự trực tiếp vào miền Nam Việt Nam để thay chân thực dân Pháp. Ở miền Nam, Thủ tướng Chính phủ Quốc gia của Bảo Đại đã tổ chức trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955 do Thủ tướng của cái gọi là Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm tổ chức để lật đổ chính Quốc trưởng của cái gọi là Quốc gia Việt Nam ấy. Bằng cuộc trưng cầu dân ý này, con bài mà người Mỹ hậu thuẫn là Ngô Đình Diệm đã thiết lập cái gọi là nền đệ nhất cộng hòa ở miền Nam Việt Nam.
Ngay từ cuối năm 1950, khi thực dân Pháp ngày càng sa lầy trên chiến trường Đông Dương, đế quốc Mỹ đã dần dần nhảy vào thay thế thực dân Pháp. Vào cuối năm 1950, “Mỹ viện trợ cho Pháp ở Đông Dương 133 triệu USD và chuyển giao khối lượng lớn vũ khí, tàu chiến, máy bay chiến đấu, xe quân sự. Năm 1954, viện trợ của Mỹ cho Pháp ở Đông Dương lên tới 1 tỷ USD (chiếm 78% chi phí chiến tranh của Pháp ở Đông Dương” -
(Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - thắng lợi và bài học, NXB Chính trị quốc gia).
Cecil B. Currey, nhà sử học nổi tiếng người Mỹ trong cuốn sách Chiến thắng bằng mọi giá (Thiên tài quân sự Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cho biết, năm 1956, Allen Dulles, người đứng đầu của Cục Tình báo Trung ương (CIA) đã đệ trình lên Tổng thống Mỹ Eisenhower báo cáo tiên đoán nếu bầu cử ở Việt Nam diễn ra theo quy định của Hiệp định Genève thì “thắng lợi của Hồ Chí Minh sẽ như nước triều dâng không thể cản nổi”. Ngô Đình Diệm chỉ có một lối thoát là tuyên bố không thi hành Hiệp định Genève. Được Mỹ khuyến khích, Ngô Đình Diệm kiên quyết từ chối tổng tuyển cử. Mỹ muốn có một chính phủ chống Cộng tồn tại ở miền Nam Việt Nam, bất kể chính phủ đó có tôn trọng nền dân chủ hay không”.
Edward Miller, TS Lịch sử Harvard, giáo sư Lịch sử Đại học Dartmouth, bang New Hampshire trong cuốn sách Liên minh sai lầm Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam cho rằng, có 3 nguyên nhân, song nguyên nhân quan trọng nhất và được giải thích phổ biến nhất hiện nay là lo ngại sự phát triển (trong sách của mình, ông gọi là bành trướng) của chủ nghĩa Cộng sản: “Cách giải thích phổ biến nhất về quan hệ đồng minh Mỹ - Diệm cho rằng đây là một sản phẩm của tính toán địa - chính trị của Mỹ thời Chiến tranh lạnh. Theo lý giải này, việc Mỹ can thiệp sâu vào Đông Dương xuất phát từ các quan ngại về sự bành trướng Xô viết. Việc ủng hộ Diệm đơn thuần chỉ là bước tiếp theo trong chiến lược ngăn chặn cộng sản mà Washington đã theo đuổi tại Đông Dương từ năm 1950, khi bắt đầu cung cấp tiền, vũ khí và cố vấn cho nỗ lực chiến tranh chống lại Việt Minh của Pháp. Sau thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ, các nguyên thủ Mỹ cần một đối tác mới ở Việt Nam và họ không khỏi bị thu hút bởi thái độ kiên quyết chống cộng sản của Diệm”.
3. Thi hành Hiệp định Genève, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành chuyển quân tập kết ra Bắc. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Nam bộ đã tập kết ra miền Bắc với niềm tin và hy vọng 2 năm sau sẽ trở về bằng cuộc tổng tuyển cử như quy định của Hiệp định. Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã 2 lần gửi công hàm cho chế độ Việt Nam Cộng hòa đề nghị tiến hành các bước hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhưng đều bị từ chối dẫn tới việc chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn nhà báo Regards vào ngày 18-11-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi thi hành triệt để các điều khoản đình chiến. Chúng tôi tiếc rằng các lực lượng Pháp không thi hành được như thế, mà còn làm trái nhiều là khác... Chúng tôi hết sức làm việc để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước Việt Nam...”.
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Hãng Thông tấn Press Trust of India vào ngày 5-1-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một trong các nhiệm vụ cấp bách của chúng tôi là Thi hành đúng đắn Hiệp định Genève và Củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, độc lập, dân chủ trong toàn quốc”… Trước năm 1975, giữa đô thành Sài Gòn, nhà báo Nam Đình đã viết: “Tất cả những chế độ kế tiếp bắt đầu từ chế độ Ngô Đình Diệm cho tới ngày nay cũng trái với tinh thần Genève vì thiếu quyền tự quyết của dân tộc. Người Mỹ đã can thiệp sâu rộng vào tất cả mọi địa hạt ở miền Nam Việt Nam từ chánh quyền cho đến tất cả các cuộc bầu cử để tạo nên Hiến pháp và Quốc hội cho xứ này”.
Quan điểm này tiếp tục được ông Xuân Thủy, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhấn mạnh tại phiên họp lần thứ 10 của Hòa đàm Paris ngày 26-6-1968.
Gần 70 năm sau ngày Hiệp định Genève được ký kết, 46 năm nước Việt Nam tái thống nhất kể từ khi bị chia cắt, những vết thương đã lành. Những ai đang tâm xuyên tạc lịch sử, “lật sử” không chỉ đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc mà còn vô ơn đối với sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh.
Một câu hỏi lớn của lịch sử cần lời giải đáp là vì sao Mỹ can thiệp vào tình hình Việt Nam? Điều này cũng không khó để trả lời. Chắc chắn có rất nhiều nguyên nhân, song có lẽ một nguyên nhân sâu xa là Mỹ lo sợ sự lan rộng của chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Nam Á nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh thắng trong cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo quy định của Hiệp định Genève. |
Viết Phước