Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng làm con nhộng trong tổ kén

07:09, 14/09/2021

Đại dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong bối cảnh chồng chất khó khăn và thách thức, một bộ phận cá biệt cán bộ, đảng viên bộc lộ tư tưởng sợ dịch bệnh, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, thu mình cầu an...

Đại dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong bối cảnh chồng chất khó khăn và thách thức, một bộ phận cá biệt cán bộ, đảng viên bộc lộ tư tưởng sợ dịch bệnh, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, thu mình cầu an...

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: Huy Anh
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: Huy Anh

Biểu hiện cực đoan này không chỉ cản trở hiệu quả tổ chức chống dịch ở cơ sở mà còn tác động xấu đến môi trường “tự soi, tự sửa” trong tổ chức Đảng, là mầm mống của suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, suy thoái chính trị tư tưởng trong tổ chức Đảng...

* Cán bộ “cá cảnh” và tư duy “con nhộng”

Anh là một cán bộ có năng lực, trải qua nhiều cương vị công tác nên có sự am hiểu thực tiễn cơ sở. Vì là chỗ quen biết nên khi anh được cấp trên điều động về địa phương nhận nhiệm vụ, chúng tôi đã liên hệ đặt vấn đề phối hợp công tác, kết nối huy động nguồn lực chăm lo an sinh xã hội cho người dân. Chẳng ngờ anh lại từ chối hợp tác vì sợ... trách nhiệm. “Ông thông cảm, hoàn cảnh của tôi bây giờ thì cấp trên chỉ đâu đánh đấy thôi. Làm quá đi, không phải đầu cũng phải tai. Bây giờ cứ an toàn là trên hết ông ạ” - anh nói. Rồi anh lấy dẫn chứng một số cán bộ ở địa phương khác bị xử lý kỷ luật do làm việc sai nguyên tắc để biện minh cho lời từ chối của mình.

Cách tư duy, hành động như vậy trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, dù không phổ biến, nhưng sự xuất hiện của những nhân tố cực đoan ấy trong hệ thống chính trị các cấp chính là tác nhân gây cản trở công việc chung. Quá trình theo dõi, bám sát nhiệm vụ tổ chức chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội ở các địa phương phía Nam thời gian qua, chúng tôi thấy một số trường hợp do cán bộ chần chừ, bàng quan nên việc tận dụng thời cơ, huy động nguồn lực xã hội chống dịch bị bỏ qua rất đáng tiếc. Một số nhà báo, hội đồng hương tham gia kết nối đưa lương thực, hàng nông sản từ các địa phương hỗ trợ TP.HCM và các vùng tâm dịch ở địa bàn phía Nam cũng phàn nàn tình trạng tương tự. Khi liên hệ với người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương để hỗ trợ cho dân, dù các thủ tục hành chính và quy định phòng, chống dịch đều bảo đảm đầy đủ, nhưng một số nơi cán bộ do sợ trách nhiệm nên không muốn “gánh thêm việc”.

* Đừng làm con nhộng trong tổ kén

Phương pháp làm việc kiểu cầu an cho bản thân, bàng quan với việc chung như trên đã làm giảm nhịp độ, gây ách tắc cục bộ guồng máy vận hành chống dịch ở địa phương. Khi những biểu hiện cực đoan, bất cập ấy diễn ra ở người đứng đầu, nó sẽ kéo lùi cả hệ thống, tạo tâm lý lười biếng, ỷ lại, làm việc cầm chừng, làm kiểu đối phó... trong bộ máy công vụ.

Khi bàn đến những biểu hiện yếu kém nói trên, có người đã lấy câu chuyện về con nhộng và tổ kén trong dân gian để ví von, so sánh. Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng với những cán bộ này, cấp trên chỉ thị nội dung gì thì làm nội dung đó, không thì thôi. Họ hoàn toàn không có sự năng động, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Cứ thu mình như con nhộng trong tổ kén cho an toàn...

Để thu mình như con nhộng thì phải tự mình tạo ra một tổ kén hợp lý. Tổ kén ấy chính là kiểu làm việc hình thức, chiếu lệ, giả dối. Cán bộ, đảng viên trong tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở cơ sở rất dễ nhận diện những tổ kén kiểu này trong nội bộ, thông qua thực tế công tác. Đó là những người vẫn đến cơ quan, công sở làm việc theo kế hoạch, nhưng chủ yếu là đến để cho có mặt, làm việc kiểu “đút chân gầm bàn”, ngại khó, ngại khổ. Thỉnh thoảng đi cơ sở thì lựa chọn những nơi an toàn, đến cho có lệ để lấy chất liệu làm báo cáo. Làm việc kiểu lớt phớt “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng lại chịu khó chụp ảnh, viết bài đăng lên mạng xã hội “chém gió” để chứng tỏ bản thân...

Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị phải căng sức, gồng mình chống dịch với phương châm lấy xã, phường làm “pháo đài”, người dân là chiến sĩ, kiểu tư duy và cách làm việc cầu an, “làm màu” ấy rất tai hại. Nhất là khi những biểu hiện ấy lại diễn ra ở người đứng đầu tổ chức chính trị ở cơ sở. Chất lượng, hiệu quả công việc không những thấp kém mà còn tạo môi trường hình thành lối tư duy thiếu trung thực, ngụy tạo thành tích, là cơ hội cho chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi... phát triển. Đó cũng là mầm mống của suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, suy thoái tư tưởng chính trị trong nội bộ...

* Gian nan thử thách là môi trường rèn luyện cán bộ

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 của cả nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam đang bước vào giai đoạn mới khi tiến độ bao phủ vaccine cho người dân đạt tỷ lệ, hiệu suất ngày càng cao. Chiến lược chống dịch đang được điều chỉnh theo hướng gỡ phong tỏa từng phần, mở rộng “vùng xanh”, từng bước thí điểm mở cửa trở lại các dịch vụ, hoạt động thiết yếu, duy trì trạng thái “bình thường mới” có điều kiện ở những địa bàn đáp ứng yêu cầu. Để đạt hiệu quả thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và toàn dân tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm lấy xã, phường làm “pháo đài”, người dân là chiến sĩ. Chiến lược chống dịch, từng bước đưa địa phương trở lại trạng thái “bình thường mới” trong tình hình hiện nay đặt ra yêu cầu rất cao đối với cán bộ ở cơ sở. Họ chính là những người chỉ huy, giữ vai trò nòng cốt trong mỗi “pháo đài”. Để tập hợp được lòng dân theo tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, không cho phép người chỉ huy lơ là, bàng quan, thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Càng không thể chấp nhận kiểu tư duy, hành vi “làm màu”, giả dối. Tổ kén cho dù có sặc sỡ sắc màu đến mấy cũng không thể nào che đậy con nhộng bên trong, nhất là khi con nhộng ấy thực chất là con bướm tự mình khép cánh, rụt đầu để chui vào.

Trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc về nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, kết nối đến 63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện, thị xã; 9.043 xã, phường, thị trấn diễn ra ngày 5-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thì mỗi cấp phải làm việc của mình, cấp trên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới, cấp dưới báo cáo, đề xuất cấp trên, ai vào việc nấy..., phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ chính là mệnh lệnh chống dịch, mọi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ở cơ sở phải có trách nhiệm, bổn phận thi hành. Những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm quy định, thiếu trách nhiệm bị xử lý kỷ luật vừa qua là bài học chung của mọi cán bộ, đảng viên, ở tất cả các cấp, ngành, địa phương. Xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm là để xốc lại bộ máy, để hệ thống chính trị mạnh lên chứ không phải và không thể là cái cớ để số ít cán bộ vin vào đó bao biện cho hành vi sợ trách nhiệm, sống thu mình như con nhộng trong tổ kén.

Trong tình hình khó khăn, thách thức hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ chống dịch, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên tuyệt đối không được coi nhẹ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngược lại, từng cấp ủy, tổ chức Đảng và hệ thống chính trị các cấp phải coi thử thách, khó khăn chính là điều kiện để rèn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên.

Để xảy ra các tổ kén trong nội bộ tổ chức Đảng, một phần là do tinh thần “tự soi, tự sửa”, ý thức đấu tranh phê bình, tự phê bình trong sinh hoạt chưa nghiêm, làm chưa đến nơi đến chốn. Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về “cấp trên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới, cấp dưới báo cáo, đề xuất cấp trên”... phải được thực hiện toàn diện trong môi trường phòng, chống dịch, bởi trách nhiệm, phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên được thể hiện thông qua hiệu quả công việc, chứ không phải là “tự soi, tự sửa” chung chung. Cấp trên muốn kiểm tra, đôn đốc cấp dưới hiệu quả thì phải sâu sát, đến tận nơi, lắng nghe ý kiến đa chiều chứ không chỉ dựa vào báo cáo của một người. Cấp dưới báo cáo cấp trên phải là kết quả của tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, chứ không thể lấy việc “làm màu” để tô vẽ, đánh bóng hình ảnh cá nhân. Trong từng nhiệm vụ, từng giai đoạn chống dịch đều phải thể hiện rõ tinh thần ấy. Lơ là, giáo điều, duy ý chí trong chỉ đạo, tổ chức, điều hành thực hiện nhiệm vụ ắt dẫn đến sự lệch lạc trong suy nghĩ và hành động. Ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ những việc rất cụ thể như thế thì mới ngấm, mới thấm.

Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục nhiệm vụ chống dịch cam go, phức tạp, cần luôn nhắc nhớ những lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Phát biểu tại lễ khai mạc lớp học lý luận khóa I, Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), ngày 7-9-1957, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, đảng viên: “Muốn cải tạo xã hội mà đảng viên không tự cải tạo mình, không tự nâng cao mình thì không thể được”.

Chống dịch Covid-19 thành công cũng là một hình thức cải tạo xã hội. Vậy thì cán bộ, đảng viên phải tự cải tạo mình trước, phải giúp đồng chí của mình phá những tổ kén được bao bọc bởi những lớp màng tiêu cực, cầu an, sợ trách nhiệm... ngay trong cấp ủy, tổ chức Đảng của mình.

Theo qdnd.vn

Tin xem nhiều