Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn hành vi mua bán, đánh cắp dữ liệu cá nhân

10:09, 10/09/2021

Thời gian qua, việc mua bán dữ liệu thông tin cá nhân diễn ra rất đơn giản và được kết nối, giao dịch dễ dàng thông qua mạng xã hội (MXH).

Thời gian qua, việc mua bán dữ liệu thông tin cá nhân diễn ra rất đơn giản và được kết nối, giao dịch dễ dàng thông qua mạng xã hội (MXH).

Việc mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra dễ dàng và công khai trên mạng xã hội. Ảnh: T.Tâm
Việc mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra dễ dàng và công khai trên mạng xã hội. Ảnh: T.Tâm

Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền riêng tư, bí mật cá nhân của mỗi người và có thể dẫn đến tình trạng lừa đảo công nghệ cao, cũng như các hành vi phạm pháp khác…

* Công khai rao bán dữ liệu cá nhân

Nắm bắt nhu cầu của nhiều doanh nghiệp muốn mua dữ liệu cá nhân của khách hàng để trực tiếp quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, nhiều đối tượng đã thu thập, rao bán công khai các dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.

Chỉ cần lên MXH (Facebook, Zalo) gõ: “danh sách khách hàng”, sau 0,7 giây đã cho ra 290 triệu kết quả với hàng loạt địa chỉ rao bán khách hàng hiện ra như: danh sách khách hàng tiềm năng, danh sách các công ty dịch vụ, danh sách giám đốc các công ty, danh sách giáo viên, người có con nhỏ... Qua đó cho thấy, việc rao bán, giao dịch mua thông tin cá nhân diễn ra rất dễ dàng và nhanh chóng, tùy theo mức phí trả sẽ có độ chi tiết khách hàng khác nhau.

Trước tình trạng này, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an liên tiếp vào cuộc và triệt phá nhiều vụ chiếm đoạt, sử dụng trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Điển hình như giữa tháng 5-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố Lại Thị Phương (29 tuổi, Giám đốc Công ty VNIT TECH, ngụ TP.Hà Nội) và Dư Anh Quý (33 tuổi, chồng Phương) về hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. 2 bị can này tổ chức đường dây chiếm đoạt, mua bán, sử dụng trái phép gần 1,3 ngàn GB dữ liệu, chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.

Tại Đồng Nai cũng có không ít người dân gặp phiền phức về điều này và trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mới đây, bà N.T.H. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã bị một đối tượng gọi điện thoại tự xưng là công an rồi yêu cầu bà phải chuyển toàn bộ tài sản hơn 200 triệu đồng qua tài khoản của đối tượng để kiểm tra vì liên quan đến hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Ban đầu bà H. nghi ngờ nhưng vì đối tượng đọc đúng tất cả các thông tin cá nhân của bà như: tên tuổi, số chứng minh nhân dân, nơi làm việc và nhất là số tiền chính xác trong tài khoản cá nhân đã khiến bà H. thực sự lo sợ. Cuối cùng, bà H. đồng ý chuyển tiền cho đối tượng này để chứng minh thiện chí trong hợp tác giải quyết vụ việc và bị “sập bẫy”, mất sạch số tiền đã chuyển.

Tương tự, vào ngày 25-8, ông M.T.T. (ngụ H.Trảng Bom) bị một đối tượng lạ nhắn tin qua tài khoản Facebook yêu cầu trả số tiền nợ 29 triệu đồng. Sau khi gọi điện giả lực lượng chức năng, đối tượng này còn gửi tất cả thông tin cá nhân của ông T. như: nơi làm việc, chức vụ, lương hằng tháng. Đối tượng còn gửi hình ảnh chứng minh nhân dân của ông T. chuyển qua để xác minh về khoản nợ.

 Ông T. cho biết, chưa từng cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng lạ mặt nào cả. Những thông tin cá nhân của ông có thể đã bị các đối tượng đánh cắp khi làm các thủ tục liên quan đến bản khai cá nhân như: vay ngân hàng, gửi bưu điện hoặc đăng ký số điện thoại…

* Cần xử lý nghiêm

Một cán bộ Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh) cho biết, hiện nay tình trạng dữ liệu cá nhân bị chiếm đoạt, mua bán diễn ra khá phổ biến và ở hầu hết lĩnh vực. Các thông tin cá nhân, tổ chức thường bị mua bán, chiếm đoạt như: họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, nơi làm việc, vị trí công tác hoặc bao gồm cả tiền lương hằng tháng…

Với các gói dữ liệu thông tin cá nhân, các công ty, doanh nghiệp sẽ có thể quảng cáo, tiếp thị đúng với đối tượng khách hàng cần phục vụ. Đồng thời, từ những thông tin cá nhân chi tiết, nhiều đối tượng dễ dàng giăng bẫy lừa đảo những người dùng bị lộ thông tin với xác suất thành công rất cao thông qua các chiêu trò mạo danh công ty điện lực, nhà mạng, ngân hàng, viện kiểm sát, công an…

Cũng theo cán bộ này, bên cạnh sự tinh vi trong hoạt động phạm pháp của các đối tượng thì việc để lọt, lộ thông tin cá nhân còn do sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong việc quản lý thông tin, dữ liệu khách hàng. Nghiêm trọng hơn là tình trạng các doanh nghiệp, tổ chức cấu kết với các đối tượng hoặc trực tiếp khai thác, sử dụng dữ liệu khách hàng để cung cấp cho bên thứ ba. Trong khi đó, việc điều tra, xử lý lại rất khó khăn vì diễn ra trên không gian MXH.

Theo luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn luật sư Đồng Nai, hành vi thu thập, mua bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật và cần bị xử lý nghiêm khắc. Tùy theo mức độ vi phạm mà có hướng xử lý khác nhau, từ xử phạt vi phạm hành chính đến hình sự.

Cụ thể, trong một số trường hợp nhẹ thì người, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 46 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc theo Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử với số tiền từ 2-70 triệu đồng.

Trong trường hợp người mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó thì sẽ bị xử phạt tù lên đến 7 năm. Đồng thời, bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề, làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Tố Tâm

Tin xem nhiều