Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyền được tiếp cận giáo dục của trẻ em

08:09, 14/09/2021

Luật Trẻ em năm 2016 quy định, trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.

Luật Trẻ em năm 2016 quy định, trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.

Trẻ em xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) được gia đình, đoàn thể quan tâm chăm lo điều kiện học tập ngày càng tốt hơn (Ảnh chụp tháng 4-2020). Ảnh: Đoàn Phú
Trẻ em xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) được gia đình, đoàn thể quan tâm chăm lo điều kiện học tập ngày càng tốt hơn (Ảnh chụp tháng 4-2020). Ảnh: Đoàn Phú

Chính vì vậy, luật nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm quyền được tiếp cận giáo dục, học tập của trẻ em.

* Giáo dục tiểu học là bắt buộc

Luật Giáo dục năm 2019 quy định, giáo dục tiểu học (từ lớp 1-5) là giáo dục bắt buộc. Do đó, mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc. Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào giải thích, giáo dục bắt buộc là giáo dục mà mọi công dân trong độ tuổi quy định bắt buộc phải học tập để đạt được trình độ học vấn tối thiểu theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo đảm điều kiện để thực hiện.

Theo quy định của pháp luật, tuổi của học sinh tiểu học được quy định là từ 6-11 tuổi. Tuy vậy, học sinh vẫn được học tiểu học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp học sinh học lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào, hiện tại có nhiều bậc phụ huynh, nhất là phụ huynh là lao động di cư có con em ở độ tuổi vào lớp 1 năm học (2021-2022) thắc mắc về việc có được đăng ký nhập học lớp 1 cho con tại nơi có giấy tạm trú không. “Người học được tự do lựa chọn trường tiểu học và học tại một trường ở nơi cư trú hoặc ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận. Một khi trường đó không còn khả năng tiếp nhận học sinh theo quy chế tuyển sinh của trường thì mới được từ chối và phụ huynh nên liên hệ cho con học ở trường còn khả năng tiếp nhận” - Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho hay.

* Chính sách giáo dục dành cho trẻ em

Luật Giáo dục năm 2019 quy định rõ, Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (gọi tắt là Nghị định 81), có hiệu lực từ ngày 15-10-2021, thì các trường hợp sau được miễn học phí: trẻ em thuộc đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo. Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú…

Bên cạnh đó, các điều 16, 17, 18 Nghị định 81 còn quy định rất nhiều đối tượng là trẻ em được hưởng chính sách miễn giảm học phí từ 50-70%. Đặc biệt, tại Điều 17 Nghị định 81 còn quy định, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.

Điều 29 Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22-1-2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (có hiệu lực từ ngày 10-3-2021) quy định phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi xúi giục không đi học hoặc xúi giục bỏ học đối với người học các cấp học phổ cập. Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi cản trở việc đi học của người học các cấp học phổ cập.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều