Thời gian qua, mặc dù lực lượng công an đã tăng cường xử lý nghiêm đối với hành vi cho vay lãi nặng, nhưng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 kéo dài, không ít người lâm vào cảnh khó khăn, dẫn đến việc phải vay mượn tiền của các đối tượng hoạt động 'tín dụng đen' với lãi suất rất cao.
Thời gian qua, mặc dù lực lượng công an đã tăng cường xử lý nghiêm đối với hành vi cho vay lãi nặng, nhưng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 kéo dài, không ít người lâm vào cảnh khó khăn, dẫn đến việc phải vay mượn tiền của các đối tượng hoạt động 'tín dụng đen' với lãi suất rất cao.
Các app cho vay tiền xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội, người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh bị “sập bẫy” |
Hiện nay, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” ngày càng tinh vi, chuyển hướng hoạt động qua các ứng dụng cho vay tiền online hoặc tiếp cận, chào mời người vay tiền qua điện thoại, mạng xã hội.
* Dễ dàng vay tiền qua điện thoại và mạng xã hội
Chỉ cần lên mạng gõ thông tin tìm kiếm “vay tiền online”, sau 0,6 giây đã cho ra 170 triệu kết quả với thông tin cho vay tiền bằng lời chào mời hấp dẫn như: “vay đơn giản chỉ trong vòng 15 phút nhận được tiền”, “vay cấp tốc lãi 0%, không cần thế chấp”… Khi người dân liên hệ vay tiền qua các ứng dụng này rất dễ rơi vào “bẫy” vay tiền với lãi suất cao hoặc phải trả những khoản phí vô lý.
Anh L.V.T. (ngụ H.Trảng Bom) kể lại, do cần tiền nên anh lên mạng xã hội tìm các ứng dụng cho vay tiền nhanh. Sau khi hỏi và làm các thủ tục vay mượn, anh T. nhận được thông báo đã nhập thiếu một số tài khoản nên phải đóng thêm 10% tổng số tiền sẽ vay để làm thủ tục chỉnh sửa thông tin. Các đối tượng hứa sẽ hoàn lại cả tiền vay và tiền phí 10% sau khi làm thủ tục. Đoán đây chỉ là thủ đoạn lừa đảo, ăn chặn tiền nên anh T. đã không đồng ý. Liên tục sau đó, anh thường xuyên bị số lạ nhắn tin, gọi điện đe dọa vì… không chịu vay tiền.
Hiện nay, chỉ thông qua vài cuộc điện thoại, người vay đã nhận được tiền mà không cần phải thế chấp bất cứ tài sản nào. Tuy nhiên, việc dễ dãi trong vay mượn tiền đã khiến nhiều người phải trả giá đắt vì phải trả lãi suất cao, thậm chí bị đe dọa, bôi nhọ danh dự cả gia đình trên mạng xã hội.
Bà T.T.V. (42 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) kể lại, trong lúc đang cần tiền kinh doanh mà chưa biết xoay xở ra sao thì bà nhận được điện thoại của một người tự xưng từ công ty tài chính nói sẽ cho vay 50 triệu đồng, thủ tục đơn giản, không cần thế chấp. Như “chết đuối vớ được phao”, bà V. đã đồng ý làm các thủ tục vay tiền theo yêu cầu của đối phương mà không để ý đến cách tính lãi suất khi vay.
Sau khi hoàn tất thủ tục vay, chưa được nhận tiền thì bà V. nhận thông báo phải chuyển trước cho phía cho vay 5 triệu đồng phí thủ tục giải ngân. Thấy vô lý và cũng không còn tiền để chuyển nên bà V. từ chối không tiếp tục vay nữa. Ngay lập tức, đối tượng lên giọng đe dọa phải trả 5 triệu đồng phí làm hồ sơ, nếu không sẽ trừ tiền trong tài khoản cho vay của bà hoặc gọi điện cho người thân của bà; đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của bà lên mạng xã hội bêu riếu.
Lo sợ nên bà V. đồng ý vay 50 triệu đồng và trả lãi theo ngày. “Ngày nào không kịp đóng tiền là chúng liên tục gọi điện cho người thân của tôi để đòi nợ. Do đó, tôi phải vay mượn người thân để trả lãi và gốc cho những đối tượng này 100 triệu đồng trong vòng 2 tháng 8 và 9-2021” - bà V. cho hay.
* Rủi ro khi vay tiền từ các ứng dụng cho vay
Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, tình hình hoạt động vay tiền online qua các ứng dụng cho vay để chi tiêu và kinh doanh đang diễn biến khá phức tạp. Tuy nhiên, việc vay tiền qua các ứng dụng này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Thậm chí, một số người bị lừa chuyển tiền làm hồ sơ (khoảng 10% số tiền vay) nhưng không nhận được khoản vay. Trong một số trường hợp có nhận được tiền vay như hứa hẹn nhưng lại phải chịu trả lãi suất rất cao. Khi người vay tiền không trả được nợ sẽ bị đe dọa, đánh đập hoặc gây áp lực lên người vay và gia đình.
Các app cho vay tiền xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội, người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh bị “sập bẫy” |
Khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm. Vì vậy, trường hợp lãi suất phải trả vượt quá quy định này thì khách vay chỉ phải trả lại số tiền đã vay của ứng dụng và phần lãi suất tối đa là 20%.
Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Tuy nhiên, theo các ngành chức năng của tỉnh, việc xử lý đối với hành vi cho vay lãi nặng trên thực tế còn nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là cho vay qua ứng dụng với số tiền thấp. Một số trường hợp cho vay qua ứng dụng được xác định có cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhưng số tiền thu lợi bất chính không đủ định lượng cấu thành tội phạm và cũng không có căn cứ xử lý. Cụ thể, trong trường hợp xác định đối tượng thu lợi bất chính dưới 30 triệu đồng, không thuộc các trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích thì không thể xử lý hình sự và cũng không thể xử lý hành chính được.
Do đó, theo cơ quan công an, người dân trước khi thực hiện vay mượn phải tìm hiểu rõ, tránh trường hợp bị các đối tượng lừa đảo. Trường hợp bị đe dọa hoặc đánh đập, khủng bố tinh thần thì người vay cần trình báo cơ quan chức năng giải quyết, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Tố Tâm