Báo Đồng Nai điện tử
En

Nên tách hay giữ Luật Giao thông đường bộ?

09:03, 17/03/2022

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Giao thông đường bộ đã có những tác động tích cực đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, quá trình thi hành và áp dụng trong thực tiễn đã bộc lộ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần phải điều chỉnh.

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Giao thông đường bộ đã có những tác động tích cực đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, quá trình thi hành và áp dụng trong thực tiễn đã bộc lộ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần phải điều chỉnh.

Lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông kiểm tra thiết bị xử lý vi phạm quá tải. Ảnh: Tư liệu
Lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông kiểm tra thiết bị xử lý vi phạm quá tải. Ảnh: Tư liệu

Do đó, Bộ Công an và Bộ GT-VT đang nghiên cứu, lấy ý kiến về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Trật tự, ATGT đường bộ.

* Phân chia cụ thể giữa 2 dự thảo luật

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009 đến nay, đã có nhiều quy định chưa phù hợp, gây chồng chéo trong công tác quản lý, đảm bảo trật tự ATGT giữa Bộ GT-VT và Bộ Công an. Trong đó, Luật Giao thông đường bộ hiện hành vừa điều chỉnh công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội), vừa xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật).

Chẳng hạn, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thiếu quy định phương tiện phải dừng lại quan sát trước khi nhập từ đường nhánh vào đường chính, sử dụng làn đường, chuyển hướng, vượt, thiếu chú ý quan sát, sử dụng đèn tín hiệu, mở cửa xe... dẫn đến khó khăn về nhận thức, thực hiện và áp dụng pháp luật.

Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng chưa có các chính sách cụ thể để phát triển phương tiện giao thông công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; chưa gắn trách nhiệm của chủ phương tiện đối với việc đảm bảo an toàn kỹ thuật của phương tiện giữa 2 kỳ kiểm định khiến công tác quản lý gặp khó khăn.

Theo Bộ Công an, dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ sẽ tiếp tục được hoàn thiện. Sau đó, sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua trong thời gian tới.

Đặc biệt, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự ATGT đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật. Việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương để gắn trách nhiệm, huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa rõ ràng dẫn đến việc tổ chức thực hiện của địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu tính chủ động.

Về lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, ATGT, phương tiện tham gia giao thông luôn gắn liền với người điều khiển. Trong đó, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được pháp luật xác định là nguồn nguy hiểm cao độ vì tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông và cũng là phương tiện mà tội phạm thường lợi dụng tiến hành các hành vi phạm tội như: khủng bố, biểu tình, gây rối, giết người, vận chuyển ma túy, hàng cấm, hàng lậu, cướp giật... Dù luật hiện hành có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, các quy định phải chấp hành nhưng thiếu các biện pháp cưỡng chế hiệu quả, gồm các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn vi phạm.

* Cần có thêm sự điều chỉnh

Sau khi điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sẽ có một số điểm khác biệt. Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) bổ sung quy định về đầu tư, kinh doanh đường cao tốc; bổ sung quy định về phương tiện giao thông công nghệ mới; bổ sung quy định về khí thải; cơ chế phát triển vận tải công cộng. Còn dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ quy định số hạng giấy phép lái xe từ 15 xuống còn 11; quy định về đấu giá biển số xe; công an chịu trách nhiệm chính về ATGT đường bộ…

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bùi Văn Tuấn khẳng định, việc ban hành luật là cụ thể hóa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác đảm bảo an ninh trật tự trong bối cảnh hiện nay và những năm tới. Trên cơ sở đó sẽ tạo hành lang pháp lý để huy động, phát huy hiệu quả cao nhất sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở và trật tự, ATGT đường bộ hiện nay.

Lãnh đạo Công an tỉnh thì cho rằng, dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ khi ban hành sẽ là cơ sở xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, ổn định lâu dài. Tiến tới xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, việc tách luật vẫn còn một số vướng mắc cần được giải quyết, điều chỉnh cho phù hợp. Lâu nay, việc bảo vệ kết cấu hạ tầng là chủ thể quản lý tài sản đường bộ. Hiện tại, công tác này đang do 2 lực lượng thanh tra giao thông và lực lượng cảnh sát giao thông cùng có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Nếu khi tách luật cần phải làm rõ trách nhiệm về bảo vệ kết cấu ATGT thuộc về lực lượng nào nhằm tránh chồng chéo.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, để xảy ra mất an toàn về hạ tầng có nhiều nguyên nhân. Sắp tới, khi dự thảo luật được thông qua, việc xử lý quá tải, làm ảnh hưởng đến công trình giao thông do ngành Công an (nòng cốt là là lực lượng cảnh sát giao thông) thực hiện, còn chất lượng kết cấu hạ tầng sẽ do đơn vị quản lý hạ tầng chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, trong 2 dự thảo luật nói trên, hiện vẫn còn có các vấn đề, nội dung trùng lặp như: phương tiện giao thông đường bộ, sử dụng lòng đường, vỉa hè, tốc độ điều khiển phương tiện cơ giới, khoảng cách giữa các xe… Vấn đề quản lý trật tự ATGT còn chung chung, đặc biệt là trách nhiệm phân công, phân quyền của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã vì hiện ở trong dự thảo luật mới chỉ ghi là cấp chính quyền. Vì vậy, để làm tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT cần làm rõ trách nhiệm của từng bộ, từng ngành, địa phương các cấp trong giám sát và thực hiện.

Thanh Hải

Tin xem nhiều