Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn ngừa tranh chấp tài sản giữa người thân

10:03, 14/03/2022

Theo các cơ quan chức năng, hiện nay tranh chấp liên quan đến đất đai đang ngày càng tăng cao. Trong đó, tình trạng người thân trong gia đình kéo nhau ra tòa tranh chấp về tài sản ngày càng nhiều và diễn biến rất phức tạp, khó giải quyết.

Theo các cơ quan chức năng, hiện nay tranh chấp liên quan đến đất đai đang ngày càng tăng cao. Trong đó, tình trạng người thân trong gia đình kéo nhau ra tòa tranh chấp về tài sản ngày càng nhiều và diễn biến rất phức tạp, khó giải quyết.

Một phiên tòa tranh chấp tài sản liên quan đến người thân được TAND tỉnh giải quyết. Ảnh: T.Tâm
Một phiên tòa tranh chấp tài sản liên quan đến người thân được TAND tỉnh giải quyết. Ảnh: T.Tâm

Nguyên nhân được xác định là do đất đai ngày càng có giá trị lớn, đạo đức truyền thống đang ngày càng bị xuống cấp và nhất là hệ lụy của việc thỏa thuận miệng giữa người thân với nhau trong việc phân chia tài sản...

* Kéo dài, phức tạp

Tranh chấp bất động sản liên quan đến người thân có nhiều dạng như: tranh chấp tài sản thừa kế, tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ), yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ... Trong đó có nhiều vụ kéo dài, phức tạp khiến mối quan hệ gia đình rạn nứt, người trong cuộc chịu nhiều tổn thương.

Sau khi kết thúc phiên tòa xét xử ngày 2-3, là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp dân sự và đã thắng kiện nhưng ông C.T. (81 tuổi) và vợ là bà T.H. (78 tuổi, cùng ngụ TP.Biên Hòa) vẫn ngồi bần thần trong phòng xử án mà không muốn về. Đôi tay run rẩy cầm xấp hồ sơ dày trên tay, ông C.T. buồn bã kể lại, vợ chồng ông trước đây sinh sống tại Mỹ và có duy nhất người con trai tên S. (55 tuổi). Vào năm 1996, ông đã gửi tiền về nhờ con trai mua 2 thửa đất tại TP.Biên Hòa để về già sẽ ở. Đến năm 2007, vợ chồng ông về Việt Nam sinh sống ổn định cho đến nay.

Đến năm 2017, xảy ra tranh chấp đất giữa vợ chồng ông C.T. và con trai, vì con trai của ông cho rằng đất đai do người con trai mua và chỉ đứng tên cha mẹ chứ không phải do cha mẹ gửi tiền về nhờ mua. Do không tự thỏa thuận được với nhau nên hai bên đã phải nhờ tòa án giải quyết. Vụ án kéo dài 5 năm, sau nhiều lần hoãn phiên tòa, đến tháng 3-2022, TAND tỉnh đã tuyên buộc ông S. phải trả lại đất cho cha mẹ. “Vợ chồng tôi chỉ có 1 người con trai nên khi về già, tài sản cũng thuộc về con cháu, nhưng chỉ vì lòng tham của con đã khiến cho gia đình rạn nứt, nên dù thắng kiện, vợ chồng tôi cũng rất đau lòng” - ông C.T. tâm sự.

Trong số những vụ án tranh chấp đất đai liên quan đến người thân, có những vụ kéo dài hàng chục năm vẫn không thể giải quyết do nhiều tình tiết phức tạp. Vụ việc tranh chấp càng kéo dài càng khiến mâu thuẫn giữa những người thân trong gia đình ngày càng căng thẳng.

Mới đây, TAND tỉnh đã tuyên hủy 1 bản án dân sự sơ thẩm liên quan đến tranh chấp đất giữa cha và con để xét xử lại. Nội dung vụ án xác định, ông N.C. (74 tuổi, ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) kiện con trai là ông N.N. (52 tuổi) để đòi lại tài sản là QSDĐ. Trong đơn, ông N.C. trình bày vợ chồng ông có 7 người con và sống tại tỉnh Nghệ An, anh N. là con cả. Vào năm 1998, khi đang còn ở quê, ông N.C. có gửi tiền cho ông N. mua giùm thửa đất tại P.Bửu Long và đứng tên ông N. Đến năm 2003, ông N.C. đưa các con còn lại vào sinh sống ổn định trên thửa đất đến nay.

Đến năm 2005, giữa 2 cha con ông N.C. phát sinh mâu thuẫn tranh chấp liên quan đến thửa đất này. Vì không đạt được thỏa thuận nên sau đó hai bên đã nhờ đến tòa án phân giải. Vào năm 2021, TAND TP.Biên Hòa xét xử sơ thẩm và tuyên buộc ông N.C. phải trả lại đất cho ông N. Tuy nhiên, ông N.C. không đồng ý và đã kháng án. Phiên tòa phúc thẩm nhận định vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại. Từ vụ khiếu kiện này đã dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện liên quan khác đến thửa đất giữa cha con, anh em với nhau nên vụ án cứ kéo dài, hơn 15 năm vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, nhất là tình cảm gia đình ngày càng tổn thương, rạn nứt.

* Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật

Theo các cơ quan chức năng, tranh chấp liên quan đến đất đai đang tăng cao kéo theo đó các vụ tranh chấp đất liên quan đến người thân cũng đang trở nên phức tạp và xảy ra nhiều hơn.

Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình, Viện KSND tỉnh La Minh Dũng cho biết, nguyên nhân để tranh chấp đất nói chung và tranh chấp liên quan đến người thân nói riêng gia tăng và diễn ra phức tạp là do tốc độ phát triển kinh tế ngày càng cao và Đồng Nai trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản. Khi nhà đất lên giá, lòng tham của con người trỗi dậy, không ít người coi trọng đồng tiền nên bắt đầu tranh chấp về tài sản. Hơn nữa, tình trạng tranh chấp do di sản thừa kế cũng xảy ra đa dạng và giữa nhiều thế hệ với nhau nguyên nhân bởi vấn đề thừa kế, phân chia tài sản giữa cha mẹ, anh em ruột không rõ ràng. Cha mẹ khi để lại di chúc hoặc nhờ con cái mua đất giùm hoặc đứng tên giùm chỉ nói miệng với nhau mà không có văn bản làm cơ sở pháp lý để giải quyết.

“Nhiều gia đình vẫn sống theo kiểu truyền thống nên cho rằng quan hệ gia đình dựa trên nền tảng yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ, nhường nhịn. Do đó, họ không chú trọng đến việc lập di chúc trước khi chết để làm cơ sở phân chia tài sản, đến khi giá trị tài sản tăng cao thì anh em, cha mẹ, con cái tranh giành nhau” - ông Dũng phân tích thêm.

Theo một thẩm phán TAND tỉnh, việc xét xử các vụ án tranh chấp liên quan đến người thân với nhau thường rất phức tạp, khó giải quyết do liên quan đến nhiều người, sống nhiều nơi, nhiều thế hệ, việc xác minh nguồn gốc tài sản cũng như chứng cứ, giấy tờ cũng khó khăn và bị kéo dài.

“Có nhiều vụ án lý trí và chứng cứ thì xác định bên A đúng, nhưng quá trình làm việc thì trái tim hiểu rằng bên B là đúng. Do đó, trong những vụ án liên quan đến quan hệ tranh chấp giữa người thân với nhau đòi hỏi phải rất cẩn trọng để đảm bảo vụ án được giải quyết vừa thấu tình đạt lý, vừa đảm bảo đúng bản chất của vụ việc và đúng pháp luật” - vị thẩm phán này cho biết thêm.

Để ngăn ngừa tình trạng tranh chấp tài sản giữa người thân với nhau, các cơ quan chức năng cho rằng, biện pháp hiệu quả nhất hiện nay vẫn là tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết về những ưu điểm của sự phân chia tài sản, thỏa thuận tài sản rõ ràng bằng văn bản trong các giao dịch để có đủ cơ sở giải quyết đúng theo quy định pháp luật. Hơn nữa, trong gia đình phải chú trọng giáo dục tình yêu thương, đùm bọc, chia sẻ giữa cha mẹ, con cái và những người thân trong gia đình. Từ đó, mọi mâu thuẫn, tranh chấp đều được thỏa thuận, bàn bạc trong vui vẻ, êm đẹp và tránh những tổn thương, mất mát đáng tiếc xảy ra.        

Tố Tâm

Tin xem nhiều