Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất giảm tuổi cấp bằng lái xe máy

06:04, 07/04/2022

Nhu cầu sử dụng xe máy đối với học sinh THPT ngày càng phổ biến. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng nên giảm tuổi cấp giấy phép lái xe (GPLX) máy so với trước đây. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn còn nhiều băn khoăn, cần được cân nhắc kỹ.

Nhu cầu sử dụng xe máy đối với học sinh THPT ngày càng phổ biến. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng nên giảm tuổi cấp giấy phép lái xe (GPLX) máy so với trước đây. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn còn nhiều băn khoăn, cần được cân nhắc kỹ.

Học sinh một trường THPT trên địa bàn TP.Biên Hòa đi xe máy tới trường. Ảnh: T.Hải
Học sinh một trường THPT trên địa bàn TP.Biên Hòa đi xe máy tới trường. Ảnh: T.Hải

Luật Giao thông đường bộ quy định, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe có dung tích xi lanh từ dưới 50cm3. Còn với xe có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên, người điều khiển phải có GPLX và phải từ 18 tuổi trở lên mới được cấp.

* Nhiều ý kiến trái chiều

Theo đó, ở độ tuổi học sinh THPT (thường chưa đủ tuổi 18), nếu chạy xe phân khối lớn là vi phạm giao thông. Thực tế cho thấy, hiện nay, tại các trường học ở TP.Biên Hòa, thậm chí các huyện có mật độ dân số đông, tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn vẫn thường diễn ra.

Chị Hà Ngọc Thảo (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho rằng, khoảng 10 năm trở lại đây, khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nên dễ dàng mua các loại xe máy cho con mình sử dụng. Nhất là khi người lớn không có thời gian đưa đón con đến trường, phương tiện hành khách công cộng bằng xe buýt chưa thật sự mang lại hiệu quả, tiện lợi, nhiều người chọn giải pháp mua xe máy để thuận lợi trong vấn đề đi lại.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an TP.Biên Hòa đã xử lý bằng hình thức nhắc nhở cũng như lập biên bản xử lý nhiều vụ học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi. Bên cạnh đó, còn trực tiếp tuyên truyền, nhắc nhở học sinh có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: chạy xe không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu...

Theo chị Thảo, sự phát triển về sức khỏe (chiều cao, cân nặng), tâm lý của thế hệ trẻ ngày nay đã có những bước phát triển vượt bậc so với trước đây. Hiện nay, các cháu học THPT vóc dáng và sức khỏe không kém gì người trưởng thành. Nếu được học Luật Giao thông đường bộ và công tác sát hạch nghiêm túc, đảm bảo thì hoàn toàn có khả năng điều khiển xe tốt khi tham gia giao thông trên đường.

“Sự hiểu biết của học sinh ngày càng được nâng cao, nếu các em được tạo điều kiện để thi lấy GPLX sẽ giúp việc học các quy định của pháp luật về an toàn giao thông từ sớm và đầy đủ hơn. Khi con đã có GPLX, cha mẹ cũng giảm được áp lực phải đưa đón con đi học, không mất thời gian cũng như gây ách tắc giao thông” - chị Thảo đề xuất ý kiến.

Trên các tuyến phố, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh đến trường bằng các loại xe máy phân khối lớn (loại phương tiện bắt buộc phải có GPLX mới được điều khiển). Điều đáng nói, trong quá trình lưu thông, nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm, đi xe sai làn đường, đi ngược chiều, thậm chí vượt đèn đỏ. Không ít trong số đó còn lượn lách khắp tuyến phố khiến nhiều người lo ngại về độ an toàn cho các em, nhất là khi các em chưa được đào tạo kỹ năng lái xe, chưa được học Luật Giao thông đường bộ.

Ông Lê Văn Tuân (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho rằng, nhiều phụ huynh thay vì mua xe đạp điện, xe máy dưới 50cm3 lại trang bị cho con xe phân khối lớn. Từ đó, vô tình dẫn đến vi phạm quy định pháp luật về giao thông, trong khi các em học sinh ý thức chấp hành chưa cao và khả năng xử lý tình huống còn yếu.

“Học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường đồng nghĩa các em chưa được cấp GPLX, chưa trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Nhiều em thậm chí bị cảnh sát giao thông tuýt còi xử phạt vẫn không hiểu mình phạm lỗi gì” - ông Tuân nói.

* Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, theo Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, người điều khiển xe máy điện, mô tô dưới 50cm3 phải có bằng lái. Trước mắt, cần nghiên cứu GPLX dành cho người điều khiển xe có dung tích xi lanh dưới 50cm3 để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan cũng cần tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho mọi người dân, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18. Các quy định về giao thông nên được đưa vào chương trình ngoại khóa nhằm cung cấp nhiều kiến thức về tham gia giao thông an toàn cho học sinh.

Trong khi đó, theo luật sư Lê Xuân Trường (Đoàn Luật sư tỉnh), việc hạ độ tuổi cấp GPLX cho học sinh cần được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi liên quan đến nhiều quy định của pháp luật hiện nay. Cụ thể, học sinh chưa đủ tuổi cấp GPLX (dưới 18 tuổi) khi tham gia giao thông nếu để xảy ra va chạm, gây tai nạn giao thông sẽ xử lý như thế nào. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến bị truy cứu trách nhiệm hình sự ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các em.

Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định, xe máy là “nguồn nguy hiểm cao độ”. Trong một vụ tai nạn giao thông giữa xe thô sơ và xe máy thì xe máy chính là nguồn nguy hiểm cao độ. Khi đó, người điều khiển xe máy phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi. Việc làm thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, tài sản… của người khác thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

“Học sinh phần lớn đều dưới 18 tuổi, chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm dân sự; nếu giảm tuổi cấp GPLX thì bắt buộc phải điều chỉnh các quy định pháp luật khác. Điều này có thể gây ra nhiều quy định chồng chéo, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông” - luật sư Trường nói.               

Thanh Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích