Hiện nay, tình trạng hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản khá phổ biến, chủ yếu là do những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, thực hiện hành vi khi có chất kích thích hoặc do đòi nợ theo kiểu "giang hồ"...
Hiện nay, tình trạng hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản khá phổ biến, chủ yếu là do những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, thực hiện hành vi khi có chất kích thích hoặc do đòi nợ theo kiểu “giang hồ”...
Hai đối tượng bị Công an H.Trảng Bom bắt giữ để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản. Ảnh: Tố Tâm |
Với hành vi hủy hoại tài sản, tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
* Mâu thuẫn, đập phá đồ đạc
Theo các cơ quan chức năng, đa số những vụ việc liên quan đến hành vi hủy hoại hay cố ý làm hư hỏng tài sản thường không phải do mâu thuẫn kéo dài mà chỉ là tức giận nhất thời. Khi các đối tượng nhận ra được sai lầm của bản thân thì đã muộn.
Điển hình như Trần Thị Kim Dung (39 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) là bị can trong vụ hủy hoại tài sản vừa bị Viện KSND TP.Biên Hòa truy tố về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Là người có chồng và 2 con nhỏ nhưng chỉ vì trong phút nóng giận nhất thời, thiếu sự kiềm chế của bản thân, bị can đã có hành vi phạm pháp và vướng vào vòng lao lý.
Theo lời kể của bị can Dung cũng như hồ sơ vụ án xác định, vào ngày 22-6-2021, chị T. (39 tuổi) điều khiển xe ô tô đi ngang qua nhà Dung tại KP.4C, P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) và va chạm, làm rách cái dù đang dựng phía trước nhà Dung. Vợ chồng Dung yêu cầu chị T. xin lỗi, nhưng chị T. không đồng ý. Tức giận, Dung dùng búa đập bể kính chắn gió phía trước và gương chiếu hậu xe ô tô của chị T. Hành vi này đã khiến Dung vừa phải bồi thường thiệt hại, vừa bị truy tố, khi nhận ra sai lầm thì đã quá muộn.
Trong khi đó, cũng có những đối tượng chỉ vì nghiện ma túy, mê rượu chè đã có hành vi đập phá đồ đạc, khiến bị hại, thậm chí là những người thân trong gia đình phải bức xúc, làm đơn tố cáo. Đơn cử trường hợp gia đình ông T.H.T. (62 tuổi, ngụ xã Lộ 25, H.Thống Nhất) vào cuối năm 2021 đã phải tố cáo hành vi của con trai là Trần Hoàng Thế (27 tuổi) khi đối tượng “ngáo đá”, đập phá đồ đạc trong nhà gây hư hỏng nặng. Sau khi sử dụng ma túy, Thế đã dùng dao tự chế đập phá điện thoại của cha mẹ và phá hỏng luôn chiếc tivi mà vợ chồng ông T. tích cóp bao năm mới mua được. Sau đó, Thế đã bị bắt về hành vi hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản.
Nguy hiểm nhất vẫn là hoạt động của các nhóm cho vay “tín dụng đen” thường xuyên thực hiện các hành vi hủy hoại tài sản của người vay nợ để đe dọa, bắt buộc trả nợ gây bức xúc trong dư luận. Đơn cử, sau nhiều lần bị các đối tượng lạ đe dọa, ném mắm tôm, ném đá vào nhà và đập phá đồ đạc, bà Lê Thị Tuyết Nhung (39 tuổi, ngụ TT.Trảng Bom) đã cầu cứu cơ quan chức năng để thoát khỏi những nỗi lo sợ hằng ngày.
Theo bà Nhung, chồng bà giới thiệu cho một người bạn “vay nóng” tiền của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” 30 triệu đồng. Sau khi vay tiền, người bạn này đã bỏ trốn nên các đối tượng cho vay đã tìm đến gia đình bà liên tục có nhiều hành động đe dọa khiến cuộc sống gia đình bà không được yên ổn, thường xuyên bị quấy rối. Đỉnh điểm nhất là vào một đêm tháng 2-2022, trong khi gia đình bà đang ngủ thì bị các đối tượng ném đá vào nhà làm vỡ kính và đập phá hư hỏng camera an ninh. Sau khi điều tra, Công an H.Trảng Bom đã bắt giữ Trần Kiệt (28 tuổi) và Đoàn Công Thành (33 tuổi, cùng ngụ H.Trảng Bom) để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản.
* Xử lý nghiêm để răn đe
Theo một cán bộ điều tra Công an H.Trảng Bom, tình trạng hủy hoại tài sản đa phần đều do những mâu thuẫn bộc phát trong sinh hoạt hoặc va chạm ngoài xã hội dẫn tới việc tức giận người nhưng đập phá đồ đạc. Tuy nhiên, người phải chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn là người gây ra hành vi vì vừa phải đền tài sản, vừa bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tình trạng hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản còn diễn ra ở nhiều nơi, phổ biến là do tình trạng cho vay lãi nặng xuất hiện ở một số địa bàn kéo theo dịch vụ đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Khi không đòi nợ được hoặc không liên lạc được với người vay, các đối tượng có hành vi đập phá đồ đạc để gây sức ép, đe dọa buộc đối phương trả tiền. Bên cạnh đó, tình trạng các đối tượng sử dụng ma túy, rượu bia, không làm chủ được hành vi của bản thân đã để lại hậu quả nặng nề vừa gây hư hỏng tài sản người khác, vừa đẩy bản thân rơi vào vòng lao lý.
Luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn luật sư tỉnh cho hay, hành vì hủy hoại tài sản đơn thuần trong lúc nóng giận có thể thấu hiểu và thông cảm được nhưng có những trường hợp hàng xóm với nhau hoặc người quen chỉ vì mâu thuẫn trong cuộc sống sinh hoạt mà chặt cây nhiều năm tuổi hoặc hủy hoại nông sản của nhau khi chuẩn bị thu hoạch gây ra bức xúc và phẫn nộ của dư luận. Các vụ việc thường bị các đối tượng thực hiện trong đêm, khó tìm ra thủ phạm nên thường gây khó dễ cho cơ quan chức năng trong xác minh, xử lý.
Hành vi hủy hoại tài sản là hành vi xâm hại trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân và làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, do đó pháp luật đã quy định nghiêm khắc đối với loại tội phạm này, tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử lý hình sự. Theo các cơ quan chức năng, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tuân thủ pháp luật, tránh những hành vi không đáng có để phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Hơn nữa, để vụ việc sớm được xử lý, giải quyết nghiêm khắc, những người bị hại trong các vụ việc cần trình báo cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi coi thường pháp luật của các đối tượng và ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội nói chung.
Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định, người nào làm hư hỏng tài sản từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng có tiền án, tiền sự thì có thể bị phạt tù đến 3 năm. Trong trường hợp phạm tội có tổ chức, gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2-7 năm. Trong trường hợp tài sản bị thiệt hại có giá trị trên 500 triệu đồng thì có thể bị xử phạt mức án nặng lên đến 20 năm tù. |
Tố Tâm