Thời gian qua, Ban TVTU đã chỉ đạo các cấp chính quyền, cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực....
Thời gian qua, Ban TVTU đã chỉ đạo các cấp chính quyền, cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực.
Một số vụ việc có dấu hiệu sai phạm đang được các cơ quan chức năng chỉ đạo kiểm tra, xử lý các sai phạm của cá nhân, đơn vị liên quan. Trong ảnh: Một góc dự án khu dân cư kết hợp xây dựng công trình giáo dục tại P.Bình Đa (TP.Biên Hòa). Ảnh: Trần Danh |
Trong 10 năm (2011-2021), qua các đợt kiểm tra, đã có hàng trăm vụ việc liên quan đến các cá nhân, đơn vị vi phạm quy định về PCTN, tiêu cực được phát hiện, xử lý và nhận được sự đồng tình của người dân.
* Quan tâm chỉ đạo thực hiện
Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra Trung ương về công tác PCTN, tiêu cực mới đây, đồng chí Trần Trung Nhân, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết, cùng với sự phát triển về kinh tế, Đồng Nai gặp nhiều thách thức, khó khăn về việc đảm bảo an ninh trật tự, nhất là công tác phòng, chống các loại tội phạm nói chung và công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Trong 10 năm qua (2011-2021), ngành thanh tra tỉnh đã tiến hành thanh tra hơn 1.200 vụ thanh tra trên các lĩnh vực, các vụ việc này cũng đã được ban hành kết luận thanh tra. Qua thanh tra đã kiến nghị khởi tố 32 vụ (cấp tỉnh 3 vụ, cấp huyện 29 vụ). Kết quả điều tra, cơ quan công an đã khởi tố 18 vụ, không khởi tố 11 vụ, tạm đình chỉ 2 vụ, 1 vụ đang giải quyết. |
Trước tình hình đó, Ban TVTU đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết nhằm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tập trung, triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, nhất là các giải pháp lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt hiệu quả công tác phát hiện, tiếp nhận và giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, các vụ việc đối với kinh tế, chức vụ trên địa bàn. Trong đó, tỉnh đề ra chỉ tiêu hằng năm 100% tin tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được thụ lý, giải quyết và kiểm sát theo đúng quy định.
Kết quả, từ năm 2011-2021, qua công tác kiểm tra, giám sát, đã phát hiện 6 vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến tham nhũng kinh tế, tiêu cực được chuyển cho cơ quan điều tra. Qua điều tra, cơ quan công an đã khởi tố 5 vụ, 5 bị can; tòa án đã đưa ra xét xử 4 vụ, tuyên phạt tù giam đối với 5 bị cáo.
Công tác thanh tra, tự kiểm tra, trong nội bộ, các cơ quan đơn vị đã phát hiện 17 vụ có dấu hiệu sai phạm được chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý theo quy định pháp luật.
Đặc biệt, một số vụ việc có dấu hiệu sai phạm đang được chỉ đạo xử lý quyết liệt như: Dự án Khu dân cư Tân Thịnh do Công ty CP đầu tư LDG làm chủ đầu tư tại xã Đồi 61 (H.Trảng Bom); dự án Khu dân cư kết hợp xây dựng công trình giáo dục tại P.Bình Đa (TP.Biên Hòa) do Công ty CP Bình Đa phát triển nhà làm chủ đầu tư; Trường đại học Đồng Nai; Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai...
Riêng về công tác tiếp nhận, giải quyết của các cơ quan điều tra, từ năm 2011-2021 đã tiếp nhận 512 nguồn tin tội phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế (trong đó cấp tỉnh 123 nguồn tin, cấp huyện 385 nguồn tin). Trong số đó, có 510 tin thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan điều tra, 2 tin chuyển cho cơ quan khác.
Các cơ quan điều tra đã thụ lý, giải quyết 100% nguồn tin đã tiếp nhận 10 năm qua (2011-2021). Kết quả đã ra quyết định khởi tố trong hạn luật định 237 vụ, 477 bị can, không khởi tố 180 tin. Trên cơ sở đó, Viện KSND hai cấp của tỉnh đã tham gia kiểm sát tất cả các hoạt động tiếp nhận, giải quyết các tin báo, khởi tố điều tra các vụ án của cơ quan điều tra.
* Tăng cường công tác phối hợp
Tại buổi làm việc với Ban TVTU vào ngày 4-6, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác PCTN, tiêu cực cho rằng, công tác đấu tranh PCTN phải được thực hiện quyết liệt, lâu dài. Những người thực hiện nhiệm vụ phải thực sự công tâm, khách quan.
Đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị, để công tác PCTN đạt hiệu quả, công tác phối hợp xử lý giữa các cơ quan tố tụng, cơ quan liên quan trong điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực phải được thực hiện một cách nhịp nhàng, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Riêng về công tác kiểm tra công tác PCNT, tiêu cực trên địa bàn Đồng Nai, Trưởng ban Nội chính Trung ương đề nghị tập trung vào công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; công tác giám định, định giá. Qua đó, phát hiện những vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực mà không được xử lý, giải quyết; các vụ việc có dấu hiệu né tránh, từ chối giám định, định giá hoặc kéo dài mà không có căn cứ để chỉ đạo xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định.
Theo báo cáo của Ban TVTU, trong thời gian qua, đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, ngay khi nhận được văn bản báo cáo xin ý kiến của các cơ quan chức năng, Ban TVTU kịp thời có văn bản cho ý kiến để các cơ quan củng cố, xử lý đúng quy định. Trong thời gian tới, Ban TVTU tiếp tục chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhất là giữa các cơ quan tố tụng (công an, viện kiểm sát, tòa án) trong giải quyết nguồn tin về tội phạm, nhằm tránh bỏ lọt tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế.
Để công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn đạt kết quả tốt, theo UBND tỉnh, cần phải tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng. Công tác điều tra, xử lý tham nhũng phải được chú trọng, xử lý mạnh mẽ, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát hiệu quả thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Bên cạnh đó, phát huy vai trò giám sát việc thực thi quyền lực thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, cơ quan dân cử và cơ quan tư pháp.
Từ năm 2011-2021, Viện KSND hai cấp đã có 512 yêu cầu xác minh và yêu cầu khác đối với cơ quan điều tra. Đồng thời, ngành kiểm sát đã thực hiện 192 cuộc kiểm sát trực tiếp về tố giác tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố, có 11 kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật đối với cơ quan điều tra. |
Trần Danh