Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp

07:07, 09/07/2022

Thời gian qua, Sở Tư pháp đã triển khai nghiêm túc, đồng bộ công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với việc thực hiện cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền hành chính ngày càng minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả.

Thời gian qua, Sở Tư pháp đã triển khai nghiêm túc, đồng bộ công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với việc thực hiện cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền hành chính ngày càng minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả.

Công chức Sở Tư pháp tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Hành chính công tỉnh
Công chức Sở Tư pháp tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: T.Nhân

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào chia sẻ, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở cùng với sự nỗ lực của cơ quan, kết quả công tác CCHC, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) đã có sự chuyển biến tích cực. Tỷ lệ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp đúng và trước hạn gần 100%, mức độ hài lòng của người dân đạt 100%.

* Tận tình phục vụ người dân, doanh nghiệp

Hằng ngày, Sở Tư pháp bố trí 2 công chức túc trực tại Trung tâm Hành chính công tỉnh để làm nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Bà Huỳnh Thị Thanh Hiếu, công chức Sở Tư pháp cho biết công việc của bà bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng và 13 giờ 30 chiều, còn giờ kết thúc buổi làm việc thường không cố định mà khi nào giải quyết thủ tục cho người dân xong thì mới nghỉ.

Trung bình mỗi ngày, bà Huỳnh Thị Thanh Hiếu cùng đồng nghiệp tiếp nhận và giải quyết TTHC cho trên dưới 100 lượt người, nội dung liên quan đến vấn đề lý lịch tư pháp, hộ tịch, công chứng…

“Bên cạnh giải quyết TTHC trực tiếp, chúng tôi còn dành thời gian thông tin, hướng dẫn cho người dân nắm rõ chương trình trực tuyến để sau này họ có thể ở nhà đăng ký dịch vụ này và nhận kết quả qua đường bưu điện mà không cần phải đến trực tiếp cho mất thời gian, công sức” - bà Huỳnh Thị Thanh Hiếu chia sẻ.

Lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân và doanh nghiệp

Để công tác giải quyết TTHC ngày càng hoàn thiện, hiệu quả, Sở Tư pháp thường xuyên tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về TTHC của người dân, doanh nghiệp trên Tổng đài dịch vụ công 1022. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 569 trường hợp người dân liên hệ Tổng đài dịch vụ công 1022 và đã xử lý các trường hợp trên.

Việc công chức Sở Tư pháp thực hiện tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh theo đúng quy định, thái độ phục vụ nhiệt tình, đảm bảo sự hài lòng từ phía người dân.

Chị Nguyễn Thị Hà (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Theo đúng ngày hẹn, tôi đến nhận phiếu lý lịch tư pháp để bổ sung vào hồ sơ đi xin việc làm. Tôi thấy đội ngũ công chức ở đây làm việc nhanh, chu đáo, luôn quan tâm và hướng dẫn tận tình cho người dân chứ không gây khó khăn, phiền hà gì”.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho hay, thời gian qua, công tác CCHC, kiểm soát TTHC luôn được Sở quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên, bám sát các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Đến nay, kết quả thực hiện tại cơ quan có sự chuyển biến tích cực, nhất là kết quả giải quyết TTHC cho người dân.

Đặc biệt, Sở Tư pháp luôn xác định việc đơn giản hóa TTHC là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác CCHC. Do vậy, Sở thường xuyên rà soát và đề xuất một số giải pháp, cách làm mới hiệu quả để đẩy mạnh hơn nữa công tác CCHC. Điển hình, Sở đã kịp thời đề xuất sáng kiến cấp bản sao điện tử phiếu lý lịch tư pháp sau khi người dân được cấp phiếu lý lịch tư pháp. Đây là sáng kiến, giải pháp hữu ích vừa đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân biết để sử dụng dịch vụ này, vừa cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, sự quá tải đối với cấp cơ sở trong công tác chứng thực bản sao.

Bên cạnh đó, với vai trò thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, Sở Tư pháp tăng cường tham gia công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật có liên quan đến CCHC thông qua hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC.

Cụ thể, Sở đã thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, phần mềm một cửa liên thông hiện đại (Egov) trong việc theo dõi quá trình nhận hồ sơ, luân chuyển, giải quyết và trả kết quả hồ sơ. Tính từ ngày 15-12-2021 đến 14-6-2022, đã tiếp nhận và xử lý 12.737 hồ sơ TTHC (trong đó có 1.297 hồ sơ năm 2021 chuyển sang); 100% hồ sơ đều được thực hiện trên phần mềm một cửa hiện đại Egov; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt gần 98,21%, tỷ lệ hài lòng của người dân đạt 100%.

Ngoài ra, ngành Tư pháp đã đẩy mạnh chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế trong công tác CCHC. Theo Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn, công tác kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản quy phạm pháp luật được Sở thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện những văn bản trái pháp luật, văn bản hết hiệu lực, văn bản không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành hoặc không phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới để đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và hoàn thiện của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

* Tiếp tục đẩy mạnh CCHC

Bên cạnh những kết quả đạt được khi ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công việc, giải quyết TTHC, ngành Tư pháp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, cấp cơ sở còn lúng túng trong việc thực hiện một số nhiệm vụ mới như: dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ bước đầu còn nhiều khó khăn do chưa đảm bảo được nguồn lực.

Bên cạnh đó, một số phần mềm thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp quản lý còn bất cập, cấu hình chưa được cập nhật theo biểu mẫu mới, thường xuyên bị lỗi về đường truyền, thông tin dữ liệu chưa được đồng bộ kịp thời. Công tác phối hợp của các cơ quan có liên quan trong việc xác minh hồ sơ TTHC còn chưa nhịp nhàng, ảnh hưởng đến thời gian giải quyết TTHC, nhất là thủ tục lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, giám định tư pháp.

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho biết, Sở đã xác định một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện nhằm giúp công tác CCHC, kiểm soát TTHC được tốt hơn trong thời gian tới. Trong đó, đẩy mạnh CCHC và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên internet; kịp thời hoàn thiện quy định phối hợp, liên thông thủ tục của ngành Tư pháp với các ngành có liên quan về giải quyết yêu cầu của người dân.

Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ trong lĩnh vực tư pháp kết hợp với đảm bảo chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong việc thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Tăng cường phối hợp trong xây dựng thể chế về CCHC, kiểm soát TTHC nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ trực tiếp hoạt động CCHC của tỉnh. Tiếp tục triển khai, thực hiện tiếp nhận và xử lý TTHC theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ứng dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng. Kịp thời đề xuất những giải pháp hữu ích, sáng kiến CCHC để áp dụng rộng rãi trong phạm vi toàn tỉnh về lĩnh vực tư pháp và triển khai thực hiện hiệu quả sáng kiến đề ra.  

Thành Nhân

Tin xem nhiều