Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng súng (công cụ hỗ trợ, tự chế) để gây án thời gian qua diễn ra khá nhiều, gây hoang mang dư luận. Các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.
Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng súng (công cụ hỗ trợ, tự chế) để gây án thời gian qua diễn ra khá nhiều, gây hoang mang dư luận. Các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.
Súng công cụ được lực lượng công an thu giữ trong các vụ ẩu đả trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Ảnh: T.Danh |
* Súng tự chế xuất hiện nhiều trong các vụ ẩu đả
Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai xảy ra không ít vụ ẩu đả gây thương tích, thậm chí làm chết người. Điều đáng nói, trong các vụ việc đó xuất hiện nhiều đối tượng sử dụng súng công cụ hỗ trợ gây án, khiến nhiều người bức xúc, hoang mang.
Điển hình là vụ nổ súng làm một thanh niên tử vong tại chỗ xảy ra vào rạng sáng 27-6 trên đường Nguyễn Ái Quốc (KP.5, P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) khiến Phan Lê Thanh Sang (ngụ KP.4, P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) tử vong. Hiện cơ quan công an đã bắt giữ 12 đối tượng liên quan để điều tra về các hành vi giết người và gây rối trật tự công cộng. Cơ quan công an cũng đã thu giữ 3 khẩu súng cùng nhiều hung khí liên quan.
Theo Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự..., hành vi cho, tặng, mượn, thuê, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng súng công cụ hỗ trợ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. |
Trước đó, tối 23-3, tại khu vực chợ Tân Phong (KP.2, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cũng xảy ra một vụ nổ súng để giải quyết mâu thuẫn chuyện vay mượn tiền. Vào thời điểm trên, Ngô Vĩnh Vương (37 tuổi ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đi xe máy đến ki-ốt bán hải sản của anh Lê Thanh Vũ (37 tuổi, ngụ KP.2, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) để giải quyết chuyện nợ nần. Trong lúc cự cãi, Vương rút súng (công cụ hỗ trợ) trong người ra hướng về phía Vũ bắn 2 phát nhưng không trúng. Vụ việc sau đó được cơ quan công an vào cuộc điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Sau đó không lâu, ngày 14-3, xuất phát từ mâu thuẫn trước đó nên Phạm Minh Tiến (27 tuổi, ngụ TP.Long Khánh) cùng một số đối tượng kéo nhau đến nơi ở của Trần Quốc Toàn (27 tuổi, ngụ P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) dùng súng công cụ hỗ trợ và dao ẩu đả. Hậu quả, Trần Quốc Toàn bị thương tật tỷ lệ 10%. Trong vụ việc này, cơ quan công an đã bắt giữ 6 đối tượng để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.
Thượng tá Vũ Văn Nhiệm, Trưởng Công an TP.Long Khánh cho biết, trên địa bàn TP.Long Khánh vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có xu hướng diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, nhiều vụ đối tượng sử dụng hung khí, súng để gây án, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và đời sống nhân dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tại TP.Long Khánh đã xảy ra 3 vụ án có liên quan đến súng công cụ hỗ trợ. Các đối tượng sử dụng súng công cụ hỗ trợ để thị uy, giải quyết mâu thuẫn cá nhân, đe dọa để cướp tài sản khiến 2 người bị thương. Đây là hành vi vi phạm với tính chất manh động, coi thường pháp luật.
* Cần có chế tài đủ mạnh
Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 của Công an TP.Biên Hòa, thượng tá Huỳnh Yên Nam, Trưởng Công an TP.Biên Hòa cho biết, qua điều tra các vụ ẩu đả liên quan đến súng công cụ hỗ trợ cho thấy, súng được các đối tượng sử dụng trong các vụ ẩu đả là súng bắn đạn hơi cay, đạn chì, đạn cao su, phần lớn được các đối tượng tìm mua thông qua các trang mạng xã hội với giá từ 7-15 triệu đồng/khẩu. Do việc mua bán khá dễ dàng nên nhiều đối tượng tìm cách “thủ súng” để làm phương tiện giải quyết mâu thuẫn.
Theo thượng tá Huỳnh Yên Nam, qua công tác điều tra, rà soát nắm tình hình cho thấy, trên địa bàn còn rất nhiều dạng súng công cụ hỗ trợ như: súng bắn đạn hơi cay, bắn đạn cao su đã và đang tồn tại trong giới thanh, thiếu niên. Điều đáng nói, những đối tượng sử dụng loại công cụ này phần lớn là thanh niên hư hỏng. Phần lớn các đối tượng này đều ở độ tuổi rất trẻ, nhiều đối tượng thiếu sự quan tâm của gia đình, bỏ học, sống lang thang.
Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn theo thượng tá Huỳnh Yên Nam đó là các quy định, chế tài để xử lý hành vi mua bán, tàng trữ loại súng công cụ hỗ trợ, súng tự chế này lại chưa chặt chẽ.
Cụ thể, hành vi mua bán và sử dụng súng công cụ hỗ trợ nếu vi phạm lần đầu chỉ bị xử lý hành chính, trường hợp vi phạm từ 2 lần trở lên mới có căn cứ để xử lý hình sự, chính vì vậy nên tính răn đe không cao.
Trước thực tế đó, Công an TP.Biên Hòa đã có kiến nghị với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để có giải pháp xử lý vấn đề này. Trong đó, phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, răn đe tình trạng sử dụng súng công cụ trong các vụ ẩu đả.
Trong khi đó, theo thượng tá Vũ Văn Nhiệm, Trưởng Công an TP.Long Khánh, thời gian qua, lực lượng Công an TP.Long Khánh đã thực hiện kế hoạch vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, linh kiện chế tạo vũ khí.
Đối với công tác đấu tranh, phòng ngừa, thời gian tới, lực lượng công an tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm nhằm hạn chế tình trạng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gây thương tích cho người khác. Đối với công tác đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được thực hiện theo phương châm “cắt đứt nguồn cung, đấu tranh trực diện, truy xét tận gốc”.
Lực lượng công an cũng đã xác lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ các đường dây, băng ổ nhóm hoạt động chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tập trung xử lý hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ trên không gian mạng và qua dịch vụ bưu chính.
Để giải quyết tình trạng trên, vừa qua Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng công an cơ sở, tăng cường công tác nắm tình hình; kịp thời giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để phát hiện, ngăn chặn các vụ việc, không để mâu thuẫn tích tụ kéo dài, mâu thuẫn nhỏ thành mâu thuẫn lớn; không để phát sinh tội phạm, trong đó có tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án. Ngoài ra, cán bộ công an cơ sở tiến hành rà soát, lập danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự, biểu hiện nghi vấn tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để có biện pháp tuyên truyền, vận động và đấu tranh, xử lý.
Trần Danh