Viện KSND tỉnh vừa ban hành cáo trạng, chuyển hồ sơ sang TAND cùng cấp truy tố 74 bị can về các tội buôn lậu và nhận hối lộ trong đường dây buôn bán xăng dầu của các bị can: Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM), Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), Nguyễn Hữu Tứ (56 tuổi, ngụ Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ).
Viện KSND tỉnh vừa ban hành cáo trạng, chuyển hồ sơ sang TAND cùng cấp truy tố 74 bị can về các tội buôn lậu và nhận hối lộ trong đường dây buôn bán xăng dầu của các bị can: Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM), Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), Nguyễn Hữu Tứ (56 tuổi, ngụ Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ).
Cơ quan chức năng lấy mẫu để xác định xăng nhập lậu tại một cây xăng trên địa bàn Đồng Nai. Ảnh: Công an cung cấp |
Liên quan đến vụ án, cơ quan chức năng đã tạm giữ hơn 2,5 triệu lít xăng RON 95, 17 tàu thủy, 22 xe bồn, 3 xe ô tô, 2 xe máy, 65 điện thoại di động; tạm giữ số tiền hơn 221,2 tỷ đồng; kê biên 50 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở.
* Móc nối để buôn lậu
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, các bị can: Viễn, Hữu và Phùng Danh Thoại (nguyên đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu thuộc Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh cảnh sát biển), Phạm Hùng Cường (chưa rõ lai lịch) có mối quan hệ quen biết từ trước.
Vào tháng 5-2019, Viễn, Hữu, Cường và Thoại gặp nhau bàn bạc, thỏa thuận việc góp vốn buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ với tổng số tiền vốn 53,4 tỷ đồng. Hữu có trách nhiệm quản lý số tiền này, tìm khách hàng tiêu thụ xăng nhập lậu và quan hệ với các lực lượng chức năng để đưa hối lộ, phục vụ hoạt động buôn lậu. Đến cuối năm 2019, Hữu tìm được mối tiêu thụ xăng từ chỗ Tứ và Trần Thị Thanh Vân (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vân Trúc, tỉnh Bình Dương).
Theo thỏa thuận, Viễn có trách nhiệm sử dụng tàu trọng tải 3-5 ngàn tấn vận chuyển xăng từ Singapore về 2 điểm thuộc vùng biển Việt Nam (giá chuyên chở từ 1,6-2,6 tỷ đồng/chuyến). Sau đó, Hữu điều động tàu khác vận chuyển xăng đến khu vực nhà nuôi yến của Tứ (trên sông Hậu, thuộc TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) để bán cho Tứ và vợ chồng Vân (giá chuyên chở 1 tỷ đồng/chuyến). Tính từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, số tiền bị can Viễn đã thu lợi bất chính là hơn 46,7 tỷ đồng.
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh cũng xác định, nhiệm vụ thanh toán tiền và liên hệ mua xăng đều do Hữu thực hiện. Việc giao nhận xăng được thực hiện vào ban đêm và thường xuyên thay đổi kênh liên lạc để tránh bị phát hiện. Cơ quan chức năng xác định, để nhập và tiêu thụ được nguồn xăng lậu khi tuồn vào Việt Nam, Hữu đã có sự giúp sức của 18 bị can khác. Trong suốt quá trình giao nhận xăng, Hữu không cho các thuyền viên trên tàu sử dụng điện thoại mà chỉ có thuyền trưởng được dùng điện thoại liên lạc với Hữu. Tổng số tiền thu lợi bất chính của Hữu từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021 là hơn 156,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, Viễn còn cùng Phạm Hùng Cường, Nguyễn Minh Đức (39 tuổi, chủ Công ty TNHH Dầu khí Vượng Đạt, TP.Hải Phòng) góp vốn tổng cộng hơn 49 tỷ đồng mua tàu vận chuyển và buôn lậu xăng tại tỉnh Khánh Hòa. Để thực hiện trót lọt việc buôn lậu tại đây, đã có 5 bị can khác cùng tham gia (là thuyền trưởng và thuyền phó các tàu vận chuyển xăng). Số tiền thu lợi bất chính Đức được hưởng là hơn 1,5 tỷ đồng.
* “Chân rết” buôn lậu sa lưới
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh nêu rõ, sau khi biết Tứ là người chuyên kinh doanh, bán lẻ xăng dầu tại tỉnh Vĩnh Long nên đầu năm 2020, Hữu đã gặp mặt và đặt vấn đề với Tứ về việc bán xăng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ với giá thấp hơn giá xăng bán lẻ là 4 ngàn đồng/lít và được Tứ đồng ý. Các bên thống nhất, Hữu sử dụng tàu vận chuyển xăng vào đến khu vực nhà nuôi yến của Tứ ở tỉnh Vĩnh Long. Tứ có nhiệm vụ tìm kho chứa xăng và tìm mối tiêu thụ nguồn xăng này.
Sau đó, Tứ thuê kho chứa xăng tại H.Bến Lức (Long An) và bơm bán trực tiếp vào tàu cho Vân. Số xăng sau khi nhập về với sự giúp sức của nhiều bị can khác, Tứ đã đem bán cho 7 đầu mối khác nhau ở nhiều tỉnh, thành như: An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long... Từ 7 đầu mối này, nguồn xăng lậu tiếp tục được bán cho nhiều “chân rết” khác để tiêu thụ xăng lẻ tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Đồng Nai.
Tứ và Hữu cũng đã thành lập một công ty buôn xăng, dầu với mục đích lập ra các hợp đồng, hóa đơn, chứng từ khống để hợp thức hóa cho nguồn xăng lậu khi các tàu vận chuyển. Tứ sẽ giao các hợp đồng, hóa đơn, chứng từ cho các thuyền trưởng, quản lý tàu sử dụng nhằm đối phó khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra trên đường vận chuyển, tiêu thụ xăng nhập lậu. Sau khi vận chuyển xăng nhập lậu của các tàu hoàn thành thì sẽ tiêu hủy số hợp đồng, hóa đơn, chứng từ này.
Cáo trạng Viện KSND tỉnh xác định, từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Tứ đã thu lợi bất chính từ hành vi buôn lậu xăng là gần 83 tỷ đồng (trừ số tiền mua tàu và tặng, cho người khác cơ quan điều tra đã thu giữ thì Tứ còn phải khắc phục số tiền gần 36 tỷ đồng).
Ngoài việc bán xăng dầu cho Tứ, Hữu biết vợ chồng Vân mở nhiều chi nhánh kinh doanh xăng dầu ở tỉnh Bình Dương và TP.HCM nên cũng trực tiếp gặp Vân đặt vấn đề nhập xăng lậu từ Singapore cho Vân với giá thấp hơn giá bán lẻ trên thị trường 3 ngàn đồng/lít và được đồng ý.
Để hợp thức hóa, Vân đã dùng hóa đơn khống khi cơ quan chức năng kiểm tra. Trong trường hợp màu xăng nhập lậu nhạt hơn màu xăng RON95 đang bán trên thị trường thì tiến hành pha chất bột màu vàng vào xăng cho giống. Giúp sức cho vợ chồng Vân thực hiện hành vi buôn lậu còn có 4 bị can khác là nhân viên và thuyền trưởng các thuyền chở xăng. Tổng số tiền thu lợi bất chính của vợ chồng Vân là gần 18 tỷ đồng.
* Chống buôn lậu thành “bảo kê” cho buôn lậu
Trong quá trình điều tra, các bị can còn khai đã đưa hối lộ cho bị can Ngô Văn Thụy, nguyên Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam (Đội 3) trực thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.
Đơn vị của Thụy có chức năng kiểm tra, khám xét, bắt giữ đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau. Thông qua công tác nghiệp vụ, Thụy biết các tàu của Hữu ra hải phận quốc tế mua xăng, nhập lậu về khu vực thuộc tỉnh Vĩnh Long để tiêu thụ nội địa. Do đó, ngày 25-1-2021, Thụy đã chỉ đạo toàn bộ lực lượng Đội 3 đến TP.Cần Thơ tổ chức bắt giữ.
Biết thông tin này nên chiều 27-1-2021, Tứ đến nhà riêng của Thụy ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) đặt vấn đề nhờ Thụy giúp đỡ để không kiểm tra, xử lý tàu vận chuyển xăng nhập lậu của Tứ và Hữu. Khi ra về, Tứ đã bỏ phong bì cho Thụy bên trong có 10 ngàn USD và 1 thẻ ATM (bên trong có hơn 100 triệu đồng).
Sau đó, vì không yên tâm nên Hữu đi xe máy mang theo 500 triệu đồng đến nhà Thụy để nhờ tạo điều kiện cho tàu của Hữu tiếp tục nhập xăng lậu vào Việt Nam. Tổng số tiền Thụy đã nhận hối lộ của Tứ và Hữu là hơn 830 triệu đồng.
Bị can Thụy không thừa nhận đã nhận hối lộ của Hữu và Tứ. Nhưng với chứng cứ và lời khai từ các bị can, Viện KSND tỉnh đã truy tố bị can Thụy về tội nhận hối lộ.
Trong vụ án còn có bị can Phạm Hùng Cường tham gia góp vốn với Viễn và các bị can khác để buôn lậu, nhưng đối tượng đã bỏ trốn. Công an tỉnh đã ra quyết định truy nã đối với Cường, khi bắt được sẽ xử lý sau. Phùng Danh Thoại có hành vi góp vốn buôn lậu xăng, hiện Công an tỉnh đã chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến đối tượng cho cơ quan điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng xử lý theo thẩm quyền. |
Tố Tâm