Nhiều năm nay, lợi dụng những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, vấn đề chủ quyền biển đảo của nước ta ở Biển Đông… trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội, các thể lực thù địch và các phần tử chống đối, cơ hội chính trị đã tung nhiều thông tin sai lệch xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, ra sức công kích người dân.
Nhiều năm nay, lợi dụng những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, vấn đề chủ quyền biển đảo của nước ta ở Biển Đông… trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội, các thể lực thù địch và các phần tử chống đối, cơ hội chính trị đã tung nhiều thông tin sai lệch xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, ra sức công kích người dân.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với đồng chí Tần Cương, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: TTXVN |
Chẳng hạn như gần đây, trang tb.d có đăng các dòng trạng thái trên mạng xã hội Facebook: “Hơn chục người nổi lềnh bềnh trên biển Đài Loan, vì sao chính quyền im lặng”, “Trung Quốc lại xông vào lãnh hải Việt Nam, cầm quyền im lặng”, chương trình cập nhật tin tức với bản tin “Tàu hải cảnh Trung Quốc lại xâm phạm vùng biển Việt Nam”; “Biển Đông trong mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc hiện nay ra sao?”…
* Không có chuyện “chính quyền im lặng”
Từ trước đến nay, về vấn đề Biển Đông, Đảng và Nhà nước ta luôn theo dõi sát sao tình hình, khi có diễn biến mới, Bộ Ngoại giao luôn có thông tin chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng, thể hiện rõ lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, cũng như quan điểm trong từng vụ việc cụ thể, không có chuyện “chính quyền im lặng”.
Như ngày 31-3-2023, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan (Trung Quốc) thông báo tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Như đã nhiều lần khẳng định, việc Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này; đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan (Trung Quốc) hủy bỏ hoạt động trái phép nêu trên; không tái diễn vi phạm tương tự”.
Sự đoàn kết và niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước là chìa khóa quan trọng đưa đất nước ta “có được vị thế và cơ đồ như ngày nay”. Củng cố niềm tin của nhân dân cũng là biện pháp hữu hiệu để phòng chống, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giải quyết các vấn đề trên biển. |
Cùng ngày, cung cấp thông tin vụ việc phát hiện một số thi thể người nước ngoài trong khu vực biển Đài Loan (Trung Quốc) gần đây, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Liên quan tới thông tin phát hiện một số thi thể người nước ngoài trong khu vực biển Đài Loan, Văn phòng Kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết, các cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) thông báo phát hiện 11 thi thể trôi dạt trên biển, trong đó có một số thi thể mang giấy tờ tùy thân Việt Nam. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Văn phòng Kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng Đài Loan tìm hiểu thông tin vụ việc. Ngày 23-3-2023, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã gặp Văn phòng Kinh tế văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đề nghị phối hợp thúc đẩy các cơ quan chức năng Đài Loan xác minh thông tin, hỗ trợ cơ quan đại diện Việt Nam tại Đài Bắc tiến hành các biện pháp lãnh sự. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Văn phòng Kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Đài Loan, thân nhân những người được cho là mất tích tiến hành các thủ tục xác minh nhân thân và triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết”.
Hai phát ngôn chính thức được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đập tan luận điệu xuyên tạc rằng “chính quyền im lặng”. Do đó, người dân không nên tin theo các thông tin xấu, độc, cài cắm lời lẽ kích động người dân biểu tình phản đối, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Vẫn còn đó bài học về vụ biểu tình phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam năm 2014 với nhiều kẻ kích động đã xúi giục công nhân phá hoại tài sản, hành hung bảo vệ và chuyên gia của doanh nghiệp… ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, sức khỏe nền kinh tế, doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc làm…
* Cùng duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực
Trong các đợt tiếp, làm việc với lãnh đạo các nước, các tổ chức của khu vực, quốc tế, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta luôn thể hiện rõ quan điểm, lập trường nhất quán của Việt Nam về vấn đề hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông…
Mới đây, ngày 28-3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương. Về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, cùng duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, vì sự phát triển của mỗi nước và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tại hội thảo khoa học Hiệp định Paris - thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và sự vận dụng, phát triển nền ngoại giao Việt Nam trong tình hình mới, Th.S Vương Bá Chương và ThS Vương Bá Thành, Trường đại học Nguyễn Huệ, có tham luận Bài học kinh nghiệm trong đàm phán, ký Hiệp định Paris - sự vận dụng sáng tạo của Đảng, Nhà nước ta thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước gắn với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, với 4 bài học.
Thứ nhất, trong quá trình đàm phán, ký Hiệp định Paris chúng ta đã luôn đứng vững trên nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Theo hai tác giả, “Tạo môi trường hòa bình, tranh thủ thời cơ và vận hội để phát triển đi lên ngày càng phồn vinh, để phát triển đất nước là mục tiêu ngoại giao Việt Nam hướng tới. Chúng ta cần cảnh giác trước những âm mưu thâm độc của các thế lực thù đích, kiên quyết bác bỏ những luận điệu sai trái, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là trong việc giải quyết vấn đề chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông của Việt Nam, chúng ta cũng luôn phải giữ vững quan điểm Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông, trong đó có các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam và điều đó là “bất biến”. Trong từng điều kiện cụ thể, chúng ta có thể linh hoạt thực hiện các biện pháp đấu tranh, bảo vệ chủ quyền sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế và điều kiện thực tế của đất nước, ấy chính là “vạn biến”…
Thứ hai là phải luôn kiên định, kiên trì sử dụng đồng thời các thắng lợi trên mặt trận chính trị, quân sự để hỗ trợ cho mặt trận ngoại giao.
Thứ ba là luôn tôn trọng các cam kết nhưng không mất cảnh giác. Theo các tác giả: “Trong quá trình triển khai thực hiện đường lối ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, ta phải không một chút lơ là, mất cảnh giác để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá cách mạng, tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc…”.
Thứ tư là phải luôn dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Theo 2 tác giả: “Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Đảng ta xác định “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” vì lợi ích quốc gia - dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đối ngoại thời kỳ đổi mới và được nhận thức ngày càng sâu sắc… Việc xử lý các vấn đề liên quan đến biển Đông của Việt Nam cơ bản được thế giới đánh giá cao và ủng hộ.
Như trong cuộc đấu tranh với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (tháng 5-2014) gần như cả thế giới đứng về phía Việt Nam. Tuy nhiên, sự ủng hộ đó chỉ trở thành sức mạnh vật chất thực sự khi kết hợp với các sức mạnh khác từ nội lực của chúng ta, như về chính trị, kinh tế, ngoại giao, kể cả sức mạnh quốc phòng”.
Lâm Viên