Liên tục từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương trong tỉnh ráo riết thực hiện chuyên đề xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Liên tục từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương trong tỉnh ráo riết thực hiện chuyên đề xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Công an TP.Biên Hòa đến từng quán ăn, nhà hàng có kinh doanh rượu, bia để tuyên truyền, nhắc nhở khách không lái xe sau khi đã uống rượu, bia. Ảnh: Đ.TÙNG |
Qua đó, từng bước tạo thói quen cho người dân không điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), giúp người dân yên tâm hơn khi ra đường.
* Kiềm chế TNGT do uống rượu, bia
Tại 2 đô thị lớn của tỉnh là TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông triển khai kiểm tra nồng độ cồn thường xuyên và đột xuất tại các tuyến đường, nhất là vào ban đêm. Chính vì vậy, đã có hàng trăm trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện, xử lý nghiêm.
Theo Công an TP.Biên Hòa, trong quý I-2023, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố đã lập biên bản xử lý hơn 1 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tước 560 giấy phép lái xe. Còn tại TP.Long Khánh, từ ngày 22-2 (bắt đầu thực hiện tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chuyên đề Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn) đến nay, đã có 166 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bị xử lý (chủ yếu là người điều khiển xe máy).
Trung tá Phạm Văn Hiển, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP.Biên Hòa cho biết: “Với mục tiêu kéo giảm các vụ TNGT có liên quan đến rượu, bia, chúng tôi đã tăng cường xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn thành phố. Đội Cảnh sát giao thông - trật tự đã xây dựng kế hoạch hàng đêm xử lý các trường hợp điều khiển xe vi phạm về nồng độ cồn. Riêng thứ bảy và chủ nhật, sẽ xử lý vi phạm nồng độ cồn cả buổi trưa và buổi tối”.
Trong quý I-2023, theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, TNGT tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022; cụ thể: giảm 15,43% về số vụ, giảm 15,23% về số người chết và giảm 8,57% số người bị thương. Đặc biệt, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn giảm sâu so với các năm trước. Riêng tại Đồng Nai, trong quý I-2023, xảy ra 48 vụ TNGT, làm chết 49 người, bị thương 24 người. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ TNGT giảm 12 vụ, số người chết giảm 6 người, số người bị thương tăng 3 người.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, từ đầu năm 2023 đến nay, có khoảng 680 ca nhập viện do TNGT có nồng độ cồn trong máu. BS CKII Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nhận định, dù vẫn ở mức cao nhưng số lượng người nhập viện do TNGT liên quan tới rượu, bia đang có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm 2022.
* Thay đổi hành vi người lái xe
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT quý I-2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý II-2023 do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức chiều 6-4, thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia nhấn mạnh, xử lý vi phạm nồng độ cồn không chỉ kéo giảm TNGT mà còn có ý nghĩa quan trọng khác, tác động đến đời sống xã hội. Cụ thể là: giảm các vụ cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ; giảm cả các mâu thuẫn, xung đột, bạo lực gia đình…
Tại Đồng Nai, để lan tỏa rộng hơn ý thức không lái xe sau khi uống rượu, bia, ngoài việc chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh còn tập trung công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định pháp luật về giao thông.
Đơn cử, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP.Biên Hòa đã treo băng rôn nhắc nhở 400 thực khách và chủ nhà hàng, quán ăn chấp hành nghiêm các quy định về giao thông đường bộ. Đồng thời, lực lượng chức năng đề nghị quản lý các quán ăn, nhà hàng khuyến cáo khách hàng khi đã uống rượu, bia thì nên sử dụng xe dịch vụ, taxi hoặc giao xe cho những người không uống rượu, bia chở về.
Ông N.V.M. (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Vì cảnh sát giao thông xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn nên tôi không còn dám lái xe ra đường sau khi đã uống rượu, bia. Một phần do nhận thức được tác hại của việc uống rượu, bia khi lái xe dễ gây ra TNGT, một phần vì muốn bảo vệ sức khỏe của chính bản thân cũng như hạnh phúc gia đình”.
Theo đánh giá của ngành chức năng, hiệu quả bước đầu từ việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn trong thời gian qua đã góp phần giảm đáng kể TNGT cũng như những tác hại do rượu, bia gây ra cho gia đình và xã hội. Qua đó, góp phần từng bước thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật giao thông cho mỗi người dân.
Bộ Công an đánh giá, trong các chuyên đề đang được lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc triển khai thì chuyên đề về nồng độ cồn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân. Việc kiên quyết xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn đã góp phần làm giảm TNGT, giúp người dân bớt nỗi lo khi ra đường và từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu bia thì không lái xe”. |
Đăng Tùng