Báo Đồng Nai điện tử
En

Sử dụng giấy tờ giả là vi phạm pháp luật

07:07, 22/07/2023

Viện KSND H.Thống Nhất vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Phạm Vũ Quốc (22 tuổi, ngụ xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Viện KSND H.Thống Nhất vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Phạm Vũ Quốc (22 tuổi, ngụ xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Cáo trạng của Viện KSND H.Thống Nhất xác định, do muốn trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2023, Vũ đã mua 1 giấy chứng nhận sinh viên giả với giá 1 triệu đồng qua mạng xã hội và đưa cho người nhà nộp cho Ban Chỉ huy quân sự xã Gia Kiệm. Sau đó, cơ quan chức năng xác minh và xác định giấy chứng nhận sinh viên Vũ nộp là giả. Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã Gia Kiệm đã chuyển tài liệu đến cơ quan công an xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Qua vụ việc trên cho thấy, do nhận thức pháp luật hạn chế, bị can Vũ đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Điều đáng tiếc là chính cha mẹ bị can Vũ cũng không ngăn cản hành vi sai trái của con.

Trước đó, trong tháng 6-2023, Công an H.Nhơn Trạch cũng hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 8 công nhân làm việc tại 2 doanh nghiệp trên địa bàn huyện về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Cụ thể, từ cuối tháng 12-2021 đến tháng 2-2022, 8 công nhân này đã mua giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội giả trên mạng xã hội để được nghỉ làm công ty nhưng không mất tiền chuyên cần, không mất ngày nghỉ phép năm và được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền nghỉ bệnh.

Trên thực tế, không ít người nghĩ rằng, làm giả giấy tờ mới vi phạm pháp luật, còn việc sử dụng giấy tờ giả, trong đó có cả việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả cùng lắm chỉ bị xử phạt hành chính. Trong khi theo quy định của pháp luật, hành vi sử dụng giấy tờ giả, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hay xử lý hình sự.

Theo Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, Khoản 126, Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức có thể bị nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm, cao nhất là phạt tù đến 7 năm, tùy mức độ vi phạm.

Để người dân hiểu rõ hơn và tránh các hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng giấy tờ giả, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật, chế tài xử phạt trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017; đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh mạng xã hội cho người dân dễ tiếp cận. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định nhằm tăng tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.    

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều