Tội phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm kinh tế ngày càng tinh vi; lợi dụng các nền tảng mạng xã hội để kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả…
Tội phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm kinh tế ngày càng tinh vi; lợi dụng các nền tảng mạng xã hội để kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả…
Lực lượng công an kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử tại TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Danh |
* Diễn biến phức tạp trên không gian mạng
Hiện nay, hình thức kinh doanh trên không gian mạng đang trở nên ngày càng phổ biến và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do sự thuận lợi về mặt thời gian, có thể mua hàng mọi lúc mọi nơi, hàng hóa đa dạng để lựa chọn. Tuy nhiên, loại hình kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn bán, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Xác định được thực trạng này, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ (PC03) chủ động phối hợp với công an các địa phương, lực lượng chức năng khác tập trung đấu tranh, triệt xóa các đường dây mua bán, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng…
Điển hình như đầu tháng 2-2023, lực lượng liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra cửa hàng chuyên kinh doanh phụ tùng xe máy online của ông B.M.T. (ở P.Xuân Trung, TP.Long Khánh) đã phát hiện hàng trăm sản phẩm phụ tùng xe máy: niềng bánh xe, phuộc giảm xóc, pô xe máy không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu lực lượng công an trên lĩnh vực kinh tế phải chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, góp phần vào sự ổn định tình hình chung của tỉnh. |
Vi phạm liên quan đến hàng cấm (pháo nổ, thuốc lá) cũng tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán với tính chất, quy mô lớn và tội phạm ngày càng trẻ hóa. Đáng chú ý, các giao dịch mua bán hàng cấm (đặt hàng và chuyển tiền), nhất là pháo, chủ yếu thông qua mạng xã hội.
Chiều 12-1, qua công tác nghiệp vụ, Công an H.Vĩnh Cửu phối hợp với Công an xã Vĩnh Tân phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Anh cất giấu trong nhà ở xã Vĩnh Tân 11 ống pháo nổ hình trụ, 101 hộp pháo nổ, 11 bịch
ny-lông bên trong có chứa hơn 1 ngàn viên pháo nổ hình cầu. Số tang vật trên có tổng trọng lượng 187kg. Nguyễn Văn Anh thừa nhận đã thông qua mạng xã hội đặt mua số pháo trên để về bán lại trong dịp Tết Nguyên đán 2023 kiếm lời.
Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, các mặt hàng thường bị làm giả phổ biến như: quần áo, giày dép, sản phẩm thời trang, bột ngọt, bột giặt, chế phẩm vệ sinh, dầu nhớt, mỹ phẩm, nước giải khát, bánh kẹo, sữa… Đáng chú ý, trong thời gian qua, lực lượng chức năng còn triệt phá đường dây chuyên sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả.
Vào đầu năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng trinh sát PC03 Công an tỉnh phối hợp với Công an TP.HCM tiến hành bắt giữ Đặng Văn Hóa (41 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) là nghi can tham gia đường dây sản xuất thuốc chữa bệnh giả. Khám xét nhà của đối tượng này, lực lượng công an phát hiện, thu giữ hơn 2,7 ngàn hộp thuốc chữa bệnh có nhãn hiệu Ciproxacin 500 và Augbactam-2, loại thuốc kháng sinh đặc trị nhiễm trùng và nhiễm khuẩn đường hô hấp. Cơ quan công an xác định, căn nhà của Hóa chính là địa điểm sản xuất thuốc giả để cung cấp cho đường dây này.
Tại TP.Biên Hòa, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng cảnh sát kinh tế đã kiểm tra, phát hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là tình trạng kinh doanh thuốc lá điện tử tại nhiều cơ sở trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa đã phát hiện 5 cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử với hàng ngàn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các vụ việc này sau đó được chuyển cho lực lượng quản lý thị trường tỉnh xử lý theo quy định.
Lực lượng Công an tỉnh kiểm tra, thu giữ hàng hóa (mỹ phẩm) không rõ nguồn gốc của một cơ sở kinh doanh tại TP.Biên Hòa |
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn gặp một số khó khăn, vướng mắc khác như: lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh trong lĩnh vực này thiếu và yếu, không đủ sức quán xuyến và nắm tình hình địa bàn được phân công, nhất là chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác đấu tranh chống hàng giả; phương tiện, dụng cụ phục vụ để phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng còn thiếu; chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về sở hữu trí tuệ chưa đủ sức giáo dục, răn đe các đối tượng phạm tội…
* Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn
Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Công an tỉnh vào ngày 1-7, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh nhận định, thời gian tới, tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tình hình trật tự an toàn xã hội vẫn luôn là vấn đề “nóng” cần tập trung xử lý. Hoạt động của các loại tội phạm trên các lĩnh vực có xu hướng ngày càng phức tạp, nhất là vào dịp cuối năm. Trước tình hình đó, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương chủ động nắm bắt, phân tích để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo PC03 Công an tỉnh, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Tăng cường trao đổi, phối hợp chia sẻ thông tin giữa các sở, ngành, địa phương và lực lượng chức năng để nắm chắc địa bàn, đối tượng, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại.
Cục Quản lý thị trường Đồng Nai nhận định, thời gian tới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất buôn bán hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp; hoạt động vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ có những vi phạm khó lường, nhất là vào thời điểm lễ, Tết. Do đó, đơn vị sẽ xây dựng các kế hoạch và tăng cường quyết liệt kiểm tra, kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm trong việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tác hại của hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với thực hiện hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng
Việt Nam.
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng trong tỉnh đã kiểm tra hơn 2,2 ngàn vụ (tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện hơn 1,6 ngàn vụ vi phạm các quy định (tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2022). Chủ yếu vi phạm trên các lĩnh vực: buôn bán, vận chuyển trái phép hàng lậu, hàng cấm; gian lận thương mại; hàng giả... Quá trình điều tra, cơ quan công an đã khởi tố 24 vụ, 42 bị can. |
Trần Danh