Nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Kim Lan (ngụ Q.12, TP.HCM, giáo viên Trường mầm non Họa Mi 3, TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần chạy xe máy hơn cả trăm cây số đến dạy tại lớp học tình thương giữa lòng hồ Trị An (thuộc ấp 5, xã Thanh Sơn, H.Định Quán).
Chị Nguyễn Thị Kim Lan cùng các em tại lớp học tình thương giữa lòng hồ Trị An. Ảnh: A.Nhơn |
Vào năm học, hàng tuần cứ khoảng 16 giờ ngày thứ sáu, sau khi hoàn thành công việc ở trường tại TP.HCM, chị Lan chạy xe máy vượt chặng đường hơn 100km về lớp học tình thương để dạy chữ cho trẻ em làng bè (thuộc ấp 5, xã Thanh Sơn) trong 2 ngày thứ bảy và chủ nhật. Đến 4 giờ sáng thứ hai, chị phải chạy xe máy ngược trở lại TP.HCM cho kịp giờ làm việc tại trường - nơi chị đang công tác.
* Hết lòng vì trẻ em làng bè
Hơn 2 tháng gần đây, tranh thủ thời gian nghỉ hè, chị Lan quyết định xa gia đình và ở lại lớp học tình thương để có nhiều thời gian quan tâm chăm lo, dạy dỗ cho trẻ em lòng hồ. Bên cạnh dạy chữ, chị còn chăm lo cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ. Chị còn lồng ghép tổ chức các hoạt động văn nghệ, ca hát, vui chơi giải trí. Vì vậy, trẻ em làng bè rất thích thú mỗi khi đến với lớp học.
“Hiện lớp học có khoảng 30 em đang theo học từ mẫu giáo cho đến lớp 5. Hầu hết các em đến đây đều mù chữ nhưng nhờ sự tận tình dạy dỗ nên hiện các em đã biết đọc, biết viết và biết làm toán với những phép tính căn bản” - chị Lan chia sẻ.
Chị Lan kể, năm 2011, chị cùng nhóm bạn đi về chùa đạo tràng Liên Sơn (thuộc ấp 5, xã Thanh Sơn) để tham quan, vừa kết hợp làm thiện nguyện. Tại đây, chị gặp được Đại đức Thích Chơn Nguyên (trụ trì của chùa).
Qua hỏi thăm, sư thầy cho biết, ấp 5 (xã Thanh Sơn) là vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Nai, đường sá đi lại cách trở, đời sống của người dân nơi đây rất khó khăn, thiếu thốn nên nhiều trẻ em không có điều kiện đến trường học chữ. Chính vì vậy, năm 2010, sư thầy quyết định mở lớp học tình thương và ký túc xá tại chùa để trẻ em trong vùng đến tá túc miễn phí nhằm giúp việc đến trường học chữ được thuận lợi hơn. Ngoài lo nơi ăn, chốn ở, giám sát việc học hành, sư thầy còn có chương trình tài trợ học bổng nhằm động viên khích lệ những em có nhiều nỗ lực trong học tập.
“Biết tôi có nghiệp vụ sư phạm nên sư thầy vận động, thuyết phục tham gia vào nhóm dạy từ thiện của chùa. Qua tìm hiểu thấy được việc làm ý nghĩa của sư thầy nên tôi đã đồng ý và chính thức tham gia việc quán xuyến, dạy dỗ các em tại lớp học tình thương vào mùa hè năm 2012” - chị Lan tâm sự.
Sau hơn 7 năm mở lớp học tình thương tại chùa, chị Lan cùng Đại đức Thích Chơn Nguyên đã lo cho các em lần lượt học xong THPT. Trong đó, một số em học xong đại học, cao đẳng ra trường và tìm được việc làm với mức thu nhập cao, ổn định cuộc sống.
Đến năm 2018, sau khi kết thúc lớp học tình thương tại chùa, sư thầy tiếp tục mở lớp học tình thương ở ngoài hồ Trị An. Bởi trẻ em trên lòng hồ đa số là con em người Việt kiều Campuchia hồi hương về đây sinh sống, hoàn cảnh rất khó khăn và không đủ điều kiện đến trường học chữ.
“Một lần tôi tham gia cùng nhóm thiện nguyện đi tặng quà ở ngoài hồ Trị An. Vào mùa nước nổi, ghe của đoàn thiện nguyện chạy qua những chiếc bè tạm bợ, nhỏ bé, chông chênh giữa biển nước mênh mông, bên trong bè là những đứa trẻ đang ngồi đợi cha mẹ đánh bắt cá trở về. Trông các em rất tội nghiệp vì sống trong điều kiện thiếu thốn, không có chỗ vui chơi, không được đến trường học chữ… Sau chuyến đi đó, tôi suy nghĩ, trăn trở rất nhiều và cuối cùng quyết định đồng hành cùng sư thầy để nuôi dạy các em” - chị Lan cho hay.
Chị NGUYỄN THỊ KIM LAN chia sẻ: “Việc đi lại nhiều lần với đoạn đường xa trong suốt 12 năm qua đã khiến tôi bắt đầu có triệu chứng đau cột sống nhưng tôi không thể buông bỏ lớp học vì cảm thấy thương cho trẻ em ở lòng hồ Trị An. Do vậy, tôi tự hứa với lòng là ngày nào sức khỏe đảm bảo thì sẽ còn tiếp tục tham gia lớp học tình thương”. |
Từ đó, cứ cuối tuần chị lại chạy xe máy vượt hơn 100km để về dạy chữ cho trẻ em làng bè. Theo chị Lan, điều kiện thuận lợi để chị có thể tham gia lớp học tình thương trong suốt thời gian dài là chị chưa lập gia đình nên không có ràng buộc chuyện vợ chồng, con cái. Còn bố mẹ, người thân và ban lãnh đạo nhà trường - nơi chị đang công tác luôn tạo điều kiện và ủng hộ việc làm này.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì chị Lan cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách và nếu không tự “vượt lên chính mình” thì rất khó để thực hiện được. Đặc biệt, con đường đến với lớp học tình thương quá xa xôi, cách trở, nhất là đoạn đường đi qua địa bàn các xã: Mã Đà, Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) và Thanh Sơn (H.Định Quán) nằm sâu trong rừng, hai bên không một bóng nhà trông rất heo hút.
“Buổi chiều đi từ TP.HCM về đến Đồng Nai thì trời bắt đầu tối mịt, trong khi đường rừng vắng vẻ và không có đèn đường chiếu sáng. Lo lắng nhất là đi vào mùa mưa bởi gió trong rừng thổi rất mạnh, một phần lo cây đổ ngã ra đường gây nguy hiểm, phần nữa lo xe bị hỏng giữa đường vắng thì không biết phải làm sao… Đôi lúc cũng chùn bước trước những thử thách nhưng rồi nghĩ đến những đứa trẻ tội nghiệp ở lòng hồ thì tôi càng mạnh mẽ và quyết tâm hơn” - chị Lan bộc bạch.
* Những kỷ niệm khó phai
Suốt 12 năm gắn bó với lớp học tình thương, chị Lan đã có nhiều kỷ niệm khiến chị nhớ mãi. Chị kể, mùa hè của 3 năm trước, nước lòng hồ Trị An rút cạn nên bè lớp học tình thương phải di dời theo con nước ra giữa lòng hồ. Sau 1 ngày ra đứng lớp dạy học cho các em xong, chị Lan phải quay lại đất liền để lo một số công việc. Chị đang đi dưới lòng hồ thì trời đột ngột kéo mây đen, gió thổi mạnh kèm theo sấm chớp như báo hiệu một cơn mưa rất lớn. Chị lo lắng vì nhìn xung quanh không một bóng người nên đã cố gắng chạy thật nhanh cho kịp vào bờ. Trên đường chạy chẳng may vấp phải gốc cây nằm ẩn mình dưới thảm cỏ xanh khiến chị ngã nhào xuống đất dẫn đến bất tỉnh mà không ai hay biết để đến giúp đỡ. Sau khoảng 15 phút, chị bắt đầu tỉnh dậy và tiếp tục đi vào bờ...
Chị Nguyễn Thị Kim Lan đang hướng dẫn trẻ em làng bè tập luyện viết chữ |
“Sau vụ tai nạn đó đã khiến tôi suy nghĩ và lo lắng rất nhiều vì đang sống sung sướng tại thành phố thì tự nhiên lại chọn về vùng đất “khỉ ho, cò gáy” này để rồi phải nhận lấy những điều khổ cực, nguy hiểm… Tôi trình bày với sư thầy là không tiếp tục ở lại nơi đây nữa nhưng mấy bữa sau lại nhớ về lớp học và trẻ em ở lòng hồ nên quyết định ở lại và không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc nữa” - chị Lan chia sẻ.
Kỷ niệm đẹp nữa là trong một lần chị Lan đang giảng bài tại lớp học tình thương thì một em nữ rụt rè đứng ngoài cửa lớp nhìn chứ không chịu vào học. Chị tìm hiểu thì được biết em này đã 16 tuổi và lý do em không vào lớp học là vì mắc cỡ chuyện lớn rồi còn chưa biết chữ. Sau đó, chị Lan đã đến tận nhà khuyên nhủ, giúp em tự tin đến lớp học.
“Tôi đã tận tình dạy bảo và giúp em từ một cô bé “mù chữ” trở nên biết đọc, biết viết. Ngày tự viết được tên của mình đã khiến em vui đến nỗi kéo cả hai cô - trò cùng nhảy xuống sông ăn mừng… Những kỷ niệm đó đã trở thành động lực để mình quyết tâm gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây đến nay đã 12 năm” - chị Lan bộc bạch.
Đại đức Thích Chơn Nguyên nhận xét: “Chị Lan đã phụ trách lớp học tình thương suốt nhiều năm qua. Mỗi tuần, chị đều chạy xe máy từ TP.HCM về Đồng Nai để dạy học cho trẻ em nghèo rồi sau đó phải trở lại TP.HCM để làm việc. Suốt 12 năm qua, những ngày nghỉ lễ, Tết hoặc nghỉ hè, chị cũng không nghỉ mà về dạy cho trẻ em ở lòng hồ. Chúng tôi vô cùng nể phục về ý chí và sự cống hiến thầm lặng của chị Lan”.
An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin