Đến từ những địa phương khác nhau, ở những độ tuổi khác nhau, hoàn cảnh kinh tế cũng khác nhau, nhưng trong “thế giới” của những người chạy thận nhân tạo có một điểm chung là… sống nhờ máy.
Chạy thận nhân tạo dù được bảo hiểm y tế chi trả nhưng vẫn rất tốn kém, trong khi phần lớn người bệnh đều có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: P.Liễu |
Từ ngoài đường phố sôi động bước vào bệnh viện, chỉ cách nhau một cánh cổng nhưng bên trong lại có nhiều phận đời buồn, ngày ngày chờ chạy thận để được… sống.
* Lay lắt những phận đời…
Khi trời còn chưa rõ mặt người, hành lang khu điều trị mới của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã khá đông bệnh nhân chạy thận đến từ các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc có mặt chờ vào ca chạy thận đầu tiên lúc 6 giờ. Để có mặt vào giờ này, họ phải rời nhà đón xe buýt hoặc nhờ người thân chở đi từ 4 giờ sáng. Một số người phải ở trọ lại hay ở luôn tại hành lang bệnh viện từ đêm hôm trước cho kịp giờ chạy thận.
Không khó để nhận ra bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, bởi những hình ảnh rất đặc trưng của họ là: bụng trướng to, da xạm đen, hơi thở mệt mỏi, nhiều người mắt đã bị lòa…
Lặng lẽ ngồi dựa tường sảnh khu điều trị thở một cách mệt nhọc, ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ xã Phú Cường, H.Định Quán) tuổi chỉ mới ngoài 40 nhưng trông ông già hơn cả chục tuổi. Da mặt ông xám ngoét, người gầy đét nhưng bụng lại trướng to vượt mặt.
Ông Sơn chia sẻ, cách đây 8 năm, khi phát hiện bị suy thận thì cũng là lúc giai đoạn cuối nên ông phải chạy thận 3 lần/tuần. Từ đó đến nay, ông Sơn không còn làm được gì ngoài việc loay hoay tới lui bệnh viện để chạy thận. Chán cảnh phải chăm sóc, đưa đón ông đi chạy thận, vợ ông dẫn 2 con bỏ nhà ra đi. Hiện ông phải sống nhờ sự giúp đỡ của người dân địa phương. Không ít lần, vì không có tiền chạy thận, ông rơi vào hôn mê và được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu.
2 cổ tay của ông Sơn - nơi đặt đường cầu nối động - tĩnh mạch để chạy thận, nhiều mạch máu bị phì đại, biến dạng quăn xoắn và nổi to. Ông Sơn cho biết, trước đó, đoạn mạch máu phì đại này còn bị viêm nhiễm phải điều trị khá lâu. Ngay cả việc cắt bỏ các đoạn mạch máu phì đại này cũng không đơn giản, vì có thể làm hỏng cầu thông mạch máu, mất cơ hội chạy thận, điều đó đồng nghĩa với việc ông sẽ chết.
Ngồi ở bậc thềm lên xuống, bà Phạm Thị Hòa (tạm trú P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) có đôi mắt to nhưng lại không còn nhìn thấy gì do biến chứng của bệnh đái tháo đường. Bà luôn miệng hỏi giờ và dặn ai lên khu chạy thận cho bà đi cùng. Bà Hòa sống cô độc trong phòng trọ với một người chị lớn tuổi nhưng cũng bị bệnh ung thư. Trước đây, khi mắt còn thấy đường, bà Hòa đi lượm ve chai để sống, giờ mắt đã lòa thì bà đi xin, được đồng nào lại để dành chạy thận. Đã có những lần bà Hòa bị ngưng tim, ngưng thở, tràn dịch màng phổi tưởng không qua khỏi cũng vì không có tiền lọc máu theo định kỳ.
9 giờ 30, những bệnh nhân chạy thận ca 2 vội vã dọn đồ, rời sảnh lên tầng 4 của nhà điều trị Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để vào ca lọc thận lúc 10 giờ. Nhìn dòng người đi xe lăn, người chống nạng, cụ già bám thanh niên dắt díu nhau lên khoa chạy thận mà không khỏi xót xa.
Trong “đội quân” này, có một bệnh nhân “tuổi lọc thận” gần bằng nửa tuổi đời, đó là ông Đỗ Văn Hòa (59 tuổi, ngụ H.Trảng Bom). Ông Hòa bị suy thận và phải lọc thận đã 23 năm. Khi Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chưa có máy chạy thận, ông phải đến TP.HCM để chữa trị. Năm 2002, ông là một trong những bệnh nhân sử dụng một trong 2 máy chạy thận đầu tiên của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Ông Hòa tâm sự: “Hàng ngàn bệnh nhân chạy thận đến rồi lần lượt ra đi. Nhiều người không qua khỏi vì quá trình suy thận chuyển độ nhanh, nhiều người bỏ cuộc vì không đủ điều kiện. Chứng kiến những người mới hôm qua còn đi lọc máu với mình, nay đã không còn, tôi cũng buồn lắm. Mong có thêm những chính sách hỗ trợ người bệnh mãn tính, điều trị dài ngày và tốn kém như bệnh nhân chạy thận, ung thư để họ có điều kiện được sống”.
* Để bệnh nhân không đơn độc
Không như những căn bệnh khác, sự sống của bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối gần như phụ thuộc vào việc chạy thận. Điều trị dài ngày, liên tục, chi phí rất tốn kém, trong khi sức khỏe của bệnh nhân ở giai đoạn chạy máy thì chỉ thở thôi cũng khó khăn. Cho nên điều kiện chữa trị và sự sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.
Ông Nguyễn Thanh Phước may mắn được ở miễn phí trong khu nhà trọ gần Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để tiện đi chạy thận |
Ông Nguyễn Thanh Phước (45 tuổi, ngụ xã Xuân Hiệp, H.Xuân Lộc), đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay: “Dù có bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả nhưng mỗi tháng cũng tốn khoảng 5 triệu đồng. Những lúc không có tiền, thay vì chạy 3 lần/tuần thì tôi “cắt” bớt 1 lần, có bận cắt 2 lần - dù căng sức ra chịu đựng nhưng lần đó tôi bị hôn mê, may là bệnh nhân ở cùng khu nhà trọ phát hiện đưa đi cấp cứu”.
Theo thống kê từ 10 bệnh viện, trung tâm y tế có triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo trên địa bàn tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 800 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận từ 2-3 lần/tuần. Trong đó, riêng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất có 95 máy, điều trị cho hơn 495 bệnh nhân với 4 ca/ngày; Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có 26 máy, điều trị cho 150 bệnh nhân cũng với 4 ca/ngày. |
Cũng theo ông Phước, ông được người tốt cho ở miễn phí trong khu nhà trọ gần Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để tiện đi chạy thận nên cũng đỡ tốn kém, ráng điều trị theo phác đồ.
Hiện nay, mặc dù chạy thận nhân tạo đã được BHYT chi trả nhưng ngay cả khi được BHYT chi trả 100%, mỗi tháng bệnh nhân cũng phải tốn từ 3-4 triệu đồng cho các khoản chi phí xét nghiệm máu, tiền thuốc, đi lại; còn những bệnh nhân được BHYT chi trả 80% thì mỗi tháng phải tốn 5-6 triệu đồng…, trong khi có đến 90% bệnh nhân chạy thận là người nghèo.
Nhiều năm gắn bó với bệnh nhân chạy thận, BS CKII Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, đa số bệnh nhân đều có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn nên khả năng họ có thể đồng chi trả viện phí rất thấp. Thực tế đã có nhiều bệnh nhân bỏ điều trị, cắt giảm số lần điều trị vì không đủ tiền chi trả viện phí. Tình trạng bỏ, cắt giảm số lần chạy thận sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân, có thể dẫn đến phù phổi cấp, suy tim và rất dễ tử vong...
BS Nguyễn Thanh Hồng cho hay, mỗi lần có đoàn từ thiện, mạnh thường quân nhờ khoa chọn bệnh nhân nghèo để tặng quà, chúng tôi rất khó khăn để lựa chọn, vì bệnh nhân nào vào điều trị ở khoa chạy thận cũng đều khó khăn. Vì thế, khoa đã lập một danh sách những bệnh nhân cần hỗ trợ và xếp thứ tự ưu tiên. Bệnh nhân nào có hoàn cảnh khó khăn hơn sẽ được ưu tiên nhận hỗ trợ trước. Khoa rất mong các tổ chức, cá nhân quan tâm hơn đến các bệnh nhân nghèo để họ yên tâm chạy thận, duy trì cuộc sống.
Cũng hàng ngày chạy thận cho bệnh nhân, chứng kiến nỗi vất vả, khó khăn của bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, BS Lê Thị Ngọc Yến, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ: “Hiện vẫn còn nhiều bệnh nhân chạy thận chỉ được BHYT thanh toán 80%. Việc đồng chi trả viện phí BHYT là một chủ trương đúng, làm tăng tính trách nhiệm của người bệnh. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị bệnh nan y như ung thư, chạy thận nhân tạo, thời gian điều trị kéo dài, chi phí lớn mà chủ yếu là người nghèo. Vì vậy, rất cần có giải pháp dành riêng cho đối tượng bệnh nhân này để họ có điều kiện tiếp tục chữa bệnh”.
Bệnh nhân chạy thận giai đoạn cuối thường là bệnh nặng, điều trị dài ngày, phần lớn người bệnh có hoàn cảnh khó khăn… nên cần lắm sự quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần để người bệnh có động lực vươn lên, bước tiếp hành trình chống chọi với bệnh tật…
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin