Dù không quá bận rộn cho việc học, cũng chẳng phải thức khuya để nghiên cứu hay làm việc, đơn giản chỉ là không thích hoặc không có thói quen đi ngủ sớm, nhiều người trẻ thế hệ gen Z (độ tuổi 17-25) đang hình thành cho mình lối sống độc hại.
Dù đã gần nửa đêm nhưng nhiều bạn trẻ vẫn vui chơi, giải trí ở một quán trên đường Võ Thị Sáu. Ảnh chụp lúc 23 giờ một ngày cuối tháng 10. Ảnh: T.Hà |
Một thực tế, không ít người trẻ đang rơi vào tình trạng kiệt quệ sức khỏe thể chất và tinh thần do thức khuya, thậm chí thức xuyên đêm và ngủ bù vào hôm sau.
* Nửa đêm vẫn “ngồi đồng” ở quán
“Tháng 10 chưa cười đã tối”, sau 23 giờ, nhiều người đã ngon giấc; phần lớn hàng quán cũng đã đóng cửa; đường phố ở Biên Hòa cũng trở nên vắng vẻ người qua lại… nhưng với “thế giới” người trẻ, giờ này vẫn chưa là muộn.
Trong khi nhiều người đã chìm vào giấc ngủ thì những quán cà phê như: ZenTea, quán 20/02 Café (đường Võ Thị Sáu, P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), Sencha hay các quán vỉa hè tại công viên Nguyễn Văn Trị (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) vẫn mở cửa có rất đông người trẻ overnight (qua đêm) tại đây.
Bước vào quán ZenTea trên đường Võ Thị Sáu, đây là con đường được mệnh danh là… phố nhậu của người lớn và là “thiên đường” trà sữa của người trẻ, bên trong quán, nhiều bàn vẫn kín khách. Nhiều người trẻ vẫn tụ tập ăn uống, nói chuyện rôm rả, có người ngồi lặng lẽ dán mắt vào điện thoại hoặc chơi game Liên Minh online với người bên cạnh.
Chúng tôi lân la lại gần làm quen một bạn gái trẻ ngồi trước màn hình laptop đang mở nhưng lại chăm chú bấm điện thoại. Bạn gái này cho biết, bản thân có thói quen ra quán cà phê để học nên thường chọn những quán có phong cách “chill” để tận hưởng và thư giãn, vì giúp học tốt hơn. Khi được hỏi, quán đông đúc, ồn ào, sao có thể tập trung học hành được, bạn gái này cho rằng, điều đó không ảnh hưởng. Song, qua quan sát của chúng tôi, dù laptop mở bài học, nhưng cô gái lại chỉ ngồi lướt TikTok…
Chạy xe qua đường Phan Trung (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) một ngày cuối tuần cuối tháng 10-2023, chúng tôi nhìn đồng hồ đã 12 giờ đêm. Trong không gian tĩnh mịch của màn đêm, nhiều quán trà sữa, cà phê trên đường này vẫn khá nhộn nhịp. Nhiều người trẻ vẫn ngồi trà sữa vỉa hè và say sưa chém gió mà không quan tâm đã là nửa đêm.
Ngồi cùng bạn bè ở một quán cà phê không tên ở vỉa hè đường Phan Trung, anh Nguyễn Duy, sinh viên Trường đại học Công thương TP.HCM cho biết: “Tôi có thói quen thức khuya từ hồi còn học phổ thông, đi ngủ sau 1 giờ là bình thường. Mùa bóng đá, tôi thức đến 2-3 giờ, thậm chí tới 4 giờ sáng. Những hôm không quá bận thì ra quán ngồi chơi game với bạn bè”.
Mới đây, Báo Thanh Niên đã làm khảo sát với 2,2 ngàn học sinh - sinh viên của 80 trường trung học và đại học trong cả nước về vấn đề thức khuya. Kết quả cho thấy có đến 66,2% người tham gia khảo sát cho biết họ đi ngủ sau 23 giờ, 24 giờ và sau 1 giờ sáng; 48% người trả lời tần suất thức khuya của họ là thường xuyên và 66,5% người được khảo sát cho biết chỉ ngủ từ 5-7 tiếng/đêm. |
Không chỉ “ngồi đồng” ở những quán cà phê, trà sữa mà nhiều người trẻ còn chọn cửa hàng tiện lợi 24/24 để giải trí. Qua quan sát, chúng tôi thấy phần lớn các bạn ngồi lướt điện thoại, ăn thức ăn nhanh. Hầu hết người “ngồi đồng” ở cửa hàng tiện lợi vào ban đêm rất trẻ, trong đó có cả học sinh.
Bắt chuyện làm quen với 2 nữ sinh ngồi lướt mạng xã hội tại một cửa hàng tiện lợi trên đường 30-4 (thuộc P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), bên cạnh là chiếc ba lô có ghi tên trường phổ thông và đặt câu hỏi, đi chơi muộn có sợ ba mẹ lo lắng hay trách mắng, tôi được một bạn trẻ trả lời: “Ba mẹ em thường đi công tác xa nhà. Nhà có 2 anh em. Anh trai đi chơi với bạn gái, ở nhà buồn em ra đây “tám” chuyện với bạn cho vui. Nếu biết em đi chơi khuya, ba mẹ em chỉ nhắc nhở chứ không gây khó khăn gì”.
* Hệ lụy của việc thức đêm
Trong nhiều lý do thức khuya, không chỉ để chơi game, tán gẫu với bạn bè mà vẫn có những người thức đêm để học hành, nghiên cứu hay làm việc cho kịp deadline (hạn chót). Lịch trình, công việc khác nhau nên mỗi người có một lý do cho việc thức khuya của mình. Song, dù với lý do chính đáng hay không chính đáng thì việc thức đêm cũng là thói quen độc hại cho sức khỏe.
Chị Trần Bảo Hân, sinh viên Khoa Báo chí truyền thông (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho hay: “Vì yêu cầu của ngành học nên tôi thường thức đến 1-2 giờ để làm bài cho kịp deadline, lâu dần thành thói quen khó bỏ. Nhiều khi không có việc gì cần thức nhưng vẫn thức khuya để lướt web hoặc xem các kênh giải trí vì đã quen giấc. Thực tế, đêm ngủ không đủ giấc, hôm sau dậy rất mệt mỏi nhưng lại không thể đi ngủ sớm hơn được, dù đã đặt đồng hồ nhắc nhở”.
Tình trạng thức khuya rồi ngủ vùi vào ngày hôm sau hoặc không được ngủ bù mà phải tiếp tục đi học, đi làm đã khiến nhiều người trẻ đến trường, đến cơ quan làm việc trong trạng thái lơ mơ, thiếu tỉnh táo, học không vào, làm việc cũng không hiệu quả, thậm chí còn tự gây tai nạn cho chính mình.
Mới đây, anh Huỳnh Thái Bình (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), sinh viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM đã tự té trong khi chạy xe máy đến trường. Anh Bình cho biết, sau một đêm thức đến 3 giờ để hoàn thành đồ án, 7 giờ sáng hôm sau đi học, khi đang chạy trên đường, bỗng nhiên anh Bình có cảm giác ngủ thiếp đi. Và chỉ vài giây nhưng tai nạn đã ập đến khi xe tự tông vào dải phân cách khiến anh té xuống, trầy xước nhiều chỗ trên cơ thể, đầu gối phải khâu 5 mũi, khiến cho việc đi lại những ngày sau đó thật bất tiện và vất vả.
Giải thích cho chuyện thức khuya, một số bạn trẻ cho rằng, với họ ban đêm yên tĩnh, thời điểm lý tưởng để tập trung sáng tạo với những ý tưởng của bản thân.
Cùng với quan điểm này, chị Huỳnh Ngọc Thảo, sinh viên ngành marketing Trường đại học Công nghệ TP.HCM chia sẻ: “Mặc dù biết thức khuya không tốt cho sức khỏe nhưng lịch học kín các buổi sáng và chiều, tối thì đi làm thêm nên không đủ thời gian, đành phải dành thời gian tối khuya để giải quyết bài vở tồn đọng. Nhất là vào mùa thi, phần lớn các môn đều phải làm tiểu luận nên mình cứ ngồi làm cho xong, nhiều khi không nghĩ đến thời gian, khi xong bài hoặc quyết định dừng mới biết trời đã gần sáng. Nhiều lần như thế, hôm sau phải trốn học ở nhà ngủ bù”.
Đặt câu hỏi với nhiều bạn trẻ: “Thức khuya là thói quen tốt hay xấu” thì phần lớn cho biết là xấu, sẽ ảnh hưởng sức khỏe, giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, đi học muộn, giảm sức đề kháng... Thế nhưng, dù biết rất rõ tác hại của việc thức khuya, nhưng đa số người trẻ vẫn có ý định tiếp tục tình trạng này do đã thành thói quen và cho biết đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Về mặt sinh học, theo các bác sĩ, nếu thức quá 22 giờ 30 thì có nghĩa là thức khuya. Trao đổi với chúng tôi về những tác hại của thức khuya, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai, BS CKI Hoàng Thi Thơ cho biết: “Giấc ngủ giúp cơ thể tái tạo năng lượng. Nếu thức khuya sẽ làm cho hoạt động của não bộ bị quá tải, khiến trí nhớ bị giảm sút, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Ngoài ra, thói quen thức đêm còn tiềm ẩn một số bệnh khác như: viêm loét dạ dày, ảnh hưởng đến tim mạch, dễ gây đột quỵ, tiểu đường và các bệnh về mắt. Thiếu ngủ cũng sẽ khiến cơ thể suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh tật”.
Theo phân tích của BS Hoàng Thi Thơ, khi ngủ (từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau) là thời gian các bộ phận nội tạng trong cơ thể thải độc. Bởi việc thải độc chỉ diễn ra trong khi cơ thể ngủ, nếu chúng ta thức thì việc thải độc sẽ không diễn ra hoặc diễn ra chậm, các chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể, đây là mầm mống gây nên nhiều bệnh tật, trong đó có ung thư. Do đó, BS Thơ khuyến cáo, người trẻ nên sắp xếp công việc, học hành, vui chơi giải trí phù hợp để ngủ đủ 8 tiếng/đêm, cân bằng chế độ dinh dưỡng bảo vệ sức khỏe và tránh được các bệnh tật sau này.
Thu Hà - Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin