Báo Đồng Nai điện tử
En

Phú Lý với sức bật nông thôn mới kiểu mẫu

Đoàn Phú
08:23, 16/02/2024

Xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) anh hùng những ngày đầu năm mới cảnh vật và con người thêm tươi vui, phấn khởi. Các tuyến đường nông thôn rực rỡ cờ hoa tạo cho vùng đất chiến khu xưa thêm sức bật của nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.

Khu văn hóa - thể thao - cộng đồng của xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) được xây dựng khang trang
Khu văn hóa - thể thao - cộng đồng của xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) được xây dựng khang trang

* Vươn lên từ khó khăn

Vùng đất Phú Lý hôm nay chính là một phần của vùng đất Lý Lịch xưa, vốn giàu truyền thống cách mạng. Thời kháng chiến, vùng rừng già Lý Lịch (nơi có đông đồng bào Chơro sinh sống) bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, chất độc hóa học, sự lùng sục, kìm kẹp của kẻ thù. Tuy vậy, đồng bào Chơro ở Lý Lịch vẫn bám làng, bám rừng, bám Căn cứ Chiến khu Đ, cùng bộ đội Cụ Hồ kháng chiến cho đến ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất (30-4-1975).

Phó chủ tịch UBND xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) ĐẶNG THỊ LƯƠNG cho biết, tổng diện tích các loại cây trồng trên địa bàn xã hiện đạt gần 2,4 ngàn ha, trong đó có trên 90% diện tích cây lâu năm. Những năm gần đây, phần lớn người dân đều làm nông nghiệp theo hướng sạch, hữu cơ nhằm hướng tới xây dựng NTM có nền kinh tế phát triển bền vững, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ.

Thoát khỏi cảnh quanh năm thiếu đói trong thời loạn lạc, đồng bào Chơro ở Lý Lịch bắt đầu theo già làng Năm Nổi - linh hồn của rừng già Mã Đà, Hiếu Liêm - về định canh, định cư nơi những vùng đất tốt của xã Phú Lý đã được huyện, tỉnh khai hoang để tái lập làng xưa. Thời bao cấp kinh tế trì trệ, đời sống vẫn còn không ít khó khăn, đồng bào Chơro vẫn một lòng tin Đảng, theo chính quyền, bản thân nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, xóa đói nghèo, lạc hậu.

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển, những rào cản kinh tế thời bao cấp không còn nữa, đồng bào Chơro cùng người Kinh và các dân tộc anh em trên địa bàn xã Phú Lý ra sức cải hóa đất hoang, tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nỗ lực cùng các cấp chính quyền trong xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.

Đường vào khu dân cư kiểu mẫu của ấp Cây Cầy, xã Phú Lý. Ảnh: Đ.Phú
Đường vào khu dân cư kiểu mẫu của ấp Cây Cầy, xã Phú Lý. Ảnh: Đ.Phú

Cuộc sống khởi sắc từ khi điện lưới quốc gia kéo về khu định canh, định cư Chơro và các khu di dân tự do của người Kinh, Tày, Nùng, Mường... Rồi đường mòn được mở rộng, tráng nhựa và đặt tên; trường học, trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực được xây mới, thu hút đội ngũ cán bộ trẻ công tác, cống hiến…, tạo nên sức bật cho vùng đất Phú Lý anh hùng tiến kịp với các địa phương trên địa bàn huyện, tỉnh về xây dựng thành công NTM vào năm 2015, NTM nâng cao vào năm 2019, NTM kiểu mẫu vào năm 2023.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Lý Nguyễn Đắc Hiển cho biết, để tạo ra sức bật phát triển cho xã Phú Lý anh hùng, Đảng ủy và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương, kế hoạch đúng, hợp lòng dân như: tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng tạo điều kiện cho phát triển; thu hút đầu tư, tạo việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội; chuyển đổi vườn tạp kém năng suất, kém kinh tế sang cây có múi, giá trị cao...

Nhờ vậy, đến cuối năm 2023, xã không còn hộ nghèo A (theo tiêu chí NTM), thu nhập bình quân tính theo đầu người đạt 88,1 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế của xã hiện chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa cả về trồng trọt, chăn nuôi và ngành nghề dịch vụ nông nghiệp.

* Nơi nào cũng đẹp, sung túc

Xóm Lương Sơn Bạc (tổ 17, ấp 2, xã Phú Lý) có 40 hộ dân; việc xây dựng NTM đã nhanh chóng làm thay đổi tư duy, lối sống của người dân trong xóm.

Ông Năm Huệ, cư dân của xóm Lương Sơn Bạc cho biết, qua xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xóm Lương Sơn Bạc giờ đã khác xưa. Hiện trong xóm đường nhựa đã phủ kín, nhà cửa của người dân khang trang, vườn tược xanh mát, không còn là vùng đất “dữ” của dân rừng phiêu bạt những năm 1978-1990.

Người dân ấp Cây Cầy, xã Phú Lý tiếp tục chỉnh trang nơi ở sau Tết Giáp Thìn 2024
Người dân ấp Cây Cầy, xã Phú Lý tiếp tục chỉnh trang nơi ở sau Tết Giáp Thìn 2024

Xã Phú Lý có 9 ấp, trong đó ấp: Cây Cầy, Bình Chánh được xem là những khu vực khó khăn nhất xã. Qua xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thành công, các ấp: Cây Cầy, Bình Chánh giờ không thua kém các ấp trung tâm: 1, 2, Lý Lịch 1… về cảnh quan, cũng như đời sống, thu nhập từ nông nghiệp, dịch vụ.

Dù xây dựng thành công NTM kiểu mẫu, chính quyền xã Phú Lý vẫn khẳng định với dân rằng, xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, địa phương không ngừng chỉ đạo, xây dựng kế hoạch xây dựng NTM có chiều sâu, hướng đến sự bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế với môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp.

Trưởng ấp Bình Chánh Phạm Khánh Vân bày tỏ, nhờ người dân trong ấp chịu thương, chịu khó bám đất và đồng thuận cùng với chính quyền trong xây dựng và phát triển kinh tế hộ theo mô hình nông - lâm kết hợp với dịch vụ du lịch nên thu nhập bình quân đạt gần 200 triệu đồng/ha vào năm 2023. Sang năm 2024, khi giá cả các cây công nghiệp như: xoài, mít, bưởi, cam quýt… tăng giá trở lại thì đời sống của người dân trong ấp sẽ phát triển hơn hiện tại.

Phú Lý là xã vùng sâu, vùng xa của H.Vĩnh Cửu, nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Tổng diện tích các loại cây trồng trên địa bàn xã gần 2,4 ngàn ha, trong đó trên 90% diện tích cây lâu năm (2.156ha), tập trung vào một số cây trồng chủ lực như: xoài (752ha), điều (411ha), cao su (318ha), các loại cây ăn quả có múi (188ha)... Những năm gần đây, phần lớn người dân xã Phú Lý sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, hữu cơ nhằm hướng tới xây dựng NTM có nền kinh tế phát triển bền vững nên ít bị tác động tiêu cực bởi thị trường.

Phó chủ tịch UBND xã Phú Lý Đặng Thị Lương cho biết, từ các nghị quyết của Đảng bộ xã, sự sâu sát, đôn đốc tình hình của chính quyền cũng như các đoàn thể chính trị, xã Phú Lý xây dựng NTM thành công vào năm 2015 và nay đã đạt được tất cả các tiêu chí NTM kiểu mẫu của tỉnh. Đây là bước tiến và thay đổi toàn diện về kinh tế, xã hội, chính trị của một xã thuần nông, vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Và đó cũng là niềm tự hào chung của cả hệ thống chính trị, nhân dân xã Phú Lý anh hùng hôm nay.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều