Lúa hiện được xem là cây trồng chủ lực đối với những thửa ruộng cao, thiếu nước tại ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc).
Nông dân ấp Bình Hòa (giữa) giới thiệu về sự sinh trưởng của cây lúa sạ khô với cán bộ xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc khi đi thăm đồng. Ảnh: Đ.Phú |
Để sản xuất ra những hạt gạo mang hương vị đặc trưng của thổ nhưỡng địa phương, nông dân ở đây vẫn giữ tập quán sạ khô rất độc đáo.
Hương vị từ thiên nhiên
Xã Xuân Phú được xem là “vựa lúa” của huyện Xuân Lộc với diện tích trồng lúa gần 2 ngàn hécta (canh tác theo kiểu 2 vụ lúa, 1 vụ bắp hoặc 2 vụ bắp, 1 vụ lúa). Nhiều cánh đồng lúa năng suất cao nhờ chủ động được nguồn nước tưới từ kênh mương thủy lợi, suối, ao hồ và cả giếng khoan, như ở các ấp: Bình Tân, Bình Xuân 1, Bình Xuân 2, Bình Tiến. Riêng ấp Bình Hòa, do không có hệ thống kênh mương phục vụ cho trồng lúa nước nên nông dân sản xuất lúa hoàn toàn dựa vào nước mưa và giếng khoan tại ruộng.
Ấp Bình Hòa có diện tích tự nhiên trên 1,6 ngàn hécta, trong đó diện tích đất trồng lúa trên 100 hécta. Kỹ thuật gieo sạ lúa của nông dân ấp Bình Hòa có nét đặc biệt hơn các ấp khác là sạ khô chứ không phải sạ ướt.
Nông dân Lê Ngọc Lợi (ngụ tổ 10, ấp Bình Hòa) cho biết, sạ khô là phương pháp gieo hạt trực tiếp trên nền đất đã được cày xới trong điều kiện ruộng khô, hạt lúa sẽ nảy mầm sau những cơn mưa hoặc tưới nước. Nước sử dụng trong canh tác lúa sạ khô chủ yếu là nước mưa trong suốt chu kỳ sinh trưởng của lúa. Với kỹ thuật sạ khô, nông dân chỉ tưới nước bổ sung cho cây lúa vào thời điểm không có mưa hay ở những giai đoạn cây lúa cần nước nhiều nhất như lúc đẻ nhánh, làm đồng, ngậm sữa.
Cũng theo nông dân Lợi, có 2 lý do chính mà nông dân ấp Bình Hòa chọn kỹ thuật sạ khô theo kiểu truyền thống làm ruộng nương của mấy chục năm về trước là do không có hệ thống kênh mương phục vụ tưới nước nhằm chủ động xuống giống; thứ nữa là các ruộng lúa chỉ có lớp đất mặt mỏng trên nền đá nên tiêu tốn một lượng nước giếng khoan bơm, tưới liên tục để ruộng không phải bị khô, nứt nẻ nếu sạ ướt.
“Do lúa sạ khô nên hạt gạo ở đây mang hương vị thơm ngon, dẻo của lúa rẫy. Tuy nhiên, năng suất lúa sạ khô luôn thấp hơn so với những vùng sạ ướt từ 1-2 tạ/sào” - ông Lợi bộc bạch.
Ông THỔ LÔI (dân tộc Chơro, ngụ tổ 2, ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú) chia sẻ, hạt gạo ấp Bình Hòa mang hương vị của thổ nhưỡng, vùng đất đá. Tuy năng suất lúa sạ khô chỉ đạt 6-7 tạ/sào/vụ nhưng chất lượng và hương vị gạo không bị nhầm lẫn với các vùng đất khác.
Thiên nhiên ưu đãi hay thử thách
Để hiểu hơn về kỹ thuật sạ khô tưởng chừng đã bị quên lãng trong thời kỳ 4.0, mà nông dân ấp Bình Hòa vẫn còn lưu giữ vì phù hợp với đặc tính canh tác, thổ nhưỡng nơi đây, chúng tôi tìm Trưởng ấp Lê Thăm Lâm để nhờ ông dẫn đi thăm đồng và hỏi chuyện các nhà nông.
Theo nông dân Đồng Thanh Đức (ngụ tổ 1, ấp Bình Hòa), để sản xuất được 2 vụ lúa, 1 vụ bắp tại những thửa ruộng cao ở cánh đồng ấp Bình Hòa, không còn cách nào hơn là phải sạ khô vào thời điểm tháng 5 (dương lịch). Sau đó, tiếp tục sạ khô vụ thứ 2 vào tháng 9 hoặc tỉa bắp.
“Cách làm đất sạ khô là cày xới đất 1-2 lần để nhử cỏ lên rồi diệt bằng biện pháp làm đất hay dùng thuốc diệt cỏ. Sau đó, san phẳng mặt ruộng rồi sạ và lấp hạt giống” - nông dân HUỲNH THANH BẢY (ngụ tổ 6, ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú) bày tỏ. |
Chỉ vào 3,5 sào ruộng sạ khô theo từng giai đoạn khác nhau đang tranh thủ lượng nước trời để sinh trưởng, ông Đức chia sẻ lý do ông đeo bám cây lúa và kỹ thuật sạ khô, bởi vì vùng đất nơi đây không cho phép ông mạo hiểm làm “trái ý” thiên nhiên. Vì sạ ướt mà trời ít mưa thì coi như phải làm đất sạ lại lần thứ 2 hoặc chuyển qua tỉa bắp.
“Các thửa ruộng của tôi có lúa phát triển không đều là do tôi thí điểm sạ ướt ở những thửa ruộng thấp. Chính vì vậy, khi mưa ít ruộng bị khô, không đủ nước giếng tưới bổ sung thì lúa không nhảy nhánh được” - ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, do thiên nhiên và đặc thù thổ nhưỡng nên nông dân ấp Bình Hòa không dám mạo hiểm sạ ướt như các vùng đất khác. Kỹ thuật sạ khô có ưu điểm là không cần lượng nước khi làm đất, lúa cần lượng nước rất ít để sinh trưởng, thích hợp cho việc cơ giới hóa, diệt cỏ khi lúa còn non. Nhược điểm là hao hụt do hạt giống nảy mầm không đều, cần cấy dặm nên phát sinh công lao động và năng suất thấp hơn so với sạ ướt từ 1-2 tạ/sào/vụ.
Còn theo nông dân Thổ Lôi (người dân tộc Chơro, ngụ tổ 2, ấp Bình Hòa), kỹ thuật sạ khô giống với kỹ thuật trồng lúa rẫy của đồng bào Chơro trong ấp mấy chục năm về trước khi khai phá vùng đất này. Do hạt giống được gieo xuống đất chờ mưa nên bị thất thoát bởi côn trùng, chim ăn hoặc lấp đất không kỹ là điều khó tránh khỏi. Cũng là trồng các giống lúa ngắn ngày như: OM7347, OM5464, OM6162, OM7398, OM7364… như các vùng khác, nhưng cây lúa ở đây nhờ hấp thụ nhiều sương trời, hơi đất, nước mưa nên hạt gạo mang hương vị đặc trưng của lúa rẫy mà trước kia đồng bào Chơro sản xuất.
Nông dân Đồng Thanh Đức (ngụ tổ 1, ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) bón phân cho ruộng lúa. |
“Hạt gạo nơi vùng đất Bình Hòa của đồng bào Chơro mình làm ra khác biệt so với hạt gạo của các dân tộc anh em như: Tày, Nùng, Mường… ở những nơi khác trong xã, huyện. Đó cũng là niềm tự hào của đồng bào Chơro trong ấp khi trong nhà luôn có hạt gạo lúa rẫy để cúng ông bà tổ tiên, lúa mới sau những vụ mùa” - ông Thổ Lôi bày tỏ.
Tháng 7, gió đồng ấp Bình Hòa mang nhiều hương vị của cỏ cây, trong đó hương vị của cây lúa đang làm đồng, ngậm sữa hòa quyện với hương bắp càng làm cho nhà nông thêm phấn chấn. Nông dân Huỳnh Thanh Bảy (ngụ tổ 6, ấp Bình Hòa) không giấu được niềm vui khi vụ lúa sạ khô năm nay nắng mưa điều hòa tạo sự sinh trưởng, phát triển tốt.
Cũng theo ông Bảy và nhiều nông dân ấp Bình Hòa, không có vùng đất nào là tốt hay xấu, mà là do con người biết khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh của thiên nhiên ưu đãi. Cây lúa ở nơi đây cũng vậy, nhờ sạ khô mà hạt gạo mang hương vị của đất trời.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin